Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, phục vụ người dân tốt hơn

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng sắp xếp, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, mạnh, kiến tạo, phục vụ nhân dân, mỗi cấp chính quyền cần được trao quyền tương xứng với trách nhiệm, đi kèm cơ chế giám sát minh bạch.

Tinh gọn, hiện đại và gần dân

Gần bốn thập niên sau đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bộ máy hành chính vẫn còn tồn tại, hạn chế, như chồng chéo nhiệm vụ, thiếu đồng bộ và linh hoạt.

Trong đó, việc trao quyền cho địa phương không tương xứng với nguồn lực tài chính, nhân sự, khiến nhiều nơi khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Doanh nghiệp tư nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... gặp rào cản do thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư, xác lập giấy tờ pháp lý, giao dịch dân sự.

 Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục hành chính tại UBND phường 1, quận Gò Vấp. Ảnh: SỸ BÌNH

Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục hành chính tại UBND phường 1, quận Gò Vấp. Ảnh: SỸ BÌNH

Trong các nghị quyết quan trọng của Trung ương, chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với giám sát và phản biện xã hội đã được nêu rõ. Đặc biệt là Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, hay Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đều nhấn mạnh đến tư tưởng đổi mới quản trị quốc gia.

Nghị quyết số 66-NQ/TW ra đời còn đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy và phương thức tổ chức xây dựng, hoàn thiện, thực thi pháp luật. Ngoài ra, việc Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về công tác pháp luật còn thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.

Do đó, các định hướng quan trọng trên cần phải được thực hiện trên nguyên tắc rõ ràng, thống nhất và đồng bộ, gắn với việc tinh gọn bộ máy hành chính. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 hỗ trợ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, thông qua các điều khoản tái cấu trúc đơn vị hành chính.

Trong dự thảo, Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, không còn quy định chi tiết về đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà chỉ xác định các đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra, đơn vị dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hay đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều do Quốc hội quy định hoặc thành lập. Việc thu gọn đầu mối, cùng với yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành sẽ giúp tạo sự linh hoạt, giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí hành chính mà vẫn đảm bảo chính quyền “gần dân, sát dân”.

Dù vậy, dự thảo cần làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, đảm bảo phân quyền đi đôi với trách nhiệm giải trình, nhằm tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn.

Cơ chế giám sát nghiêm túc, minh bạch

Hiện nay, các địa phương đã chủ động, sẵn sàng cho việc không tổ chức chính quyền cấp huyện, hình thành cấp xã mới để phục vụ người dân tốt hơn. Trong đó, ngày 7-5, Thành ủy TPHCM có hướng dẫn, đặt ra tiêu chuẩn chặt chẽ đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý của cấp xã sau khi sắp xếp, nhằm đảm bảo năng lực thực thi trong bối cảnh mới. Những thay đổi này hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiện đại và gần dân.

 Người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND quận 12, TPHCM. Ảnh: SỸ BÌNH

Người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND quận 12, TPHCM. Ảnh: SỸ BÌNH

Để vai trò của chính quyền cơ sở phát huy, đòi hỏi phải có cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp, đồng thời phát huy hiệu quả cơ chế giám sát, phản biện của người dân.

Đây vừa là định hướng cải cách kỹ thuật, vừa là nền tảng để nâng cao hiệu lực quản lý, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, đồng thời đảm bảo sự vận hành hiệu quả của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chỉ khi mỗi cấp chính quyền được trao quyền tương xứng với trách nhiệm, đi kèm cơ chế giám sát nghiêm túc, minh bạch từ hệ thống chính trị và nhân dân, nền hành chính mới có thể phát huy tối đa vai trò của mình.

Đồng thời, khi người dân - bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài - được tạo điều kiện tham gia phản biện, góp ý và được phục vụ bằng hệ thống hành chính hiện đại, thì mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân sẽ ngày càng gắn bó, tạo dựng niềm tin xã hội, đóng góp cho phát triển bền vững quốc gia.

Dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung Điều 9, theo đó Mặt trận Tổ quốc là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội. Dự thảo cũng sửa đổi Điều 115 của Hiến pháp năm 2013, nhấn mạnh đến quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu các cơ quan thuộc UBND.

Điều đó là cần thiết, nhưng khung pháp lý cần rõ ràng, minh bạch hơn. Trong đó, HĐND, đại biểu HĐND cần được trao quyền thực chất để thực hiện nhiệm vụ giám sát chính quyền, góp phần hiệu quả trong việc ngăn chặn lạm quyền hoặc lợi ích nhóm.

Luật sư LÂM QUANG QUÝ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Kiều bào TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xay-dung-bo-may-hanh-chinh-tinh-gon-phuc-vu-nguoi-dan-tot-hon-post794972.html
Zalo