Tọa đàm khoa học 'Nhà văn Phan Tứ-Sáng tạo và Di sản'
Chiều 23/5, tại Đà Nẵng, Trường đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng phối hợp Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi Tọa đàm khoa học 'Nhà văn Phan Tứ-Sáng tạo và Di sản'.

Các diễn giả trao đổi với sinh viên tại Tọa đàm khoa học “Nhà văn Phan Tứ-Sáng tạo và Di sản”.
Đại diện lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo và các nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng; gia đình nhà văn Phan Tứ, cùng đông đảo sinh viên và giảng viên các khoa: Ngữ văn-Truyền thông; Sử-Địa-Chính trị; Giáo dục Nghệ thuật-Thể chất đã tham dự sự kiện.
Tọa đàm nhằm tưởng nhớ và tri ân nhà văn Phan Tứ - một trong những cây bút lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, để các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, công chúng yêu văn chương gặp gỡ, trao đổi, cùng nhau khám phá những giá trị tư tưởng-nghệ thuật trong di sản văn học mà nhà văn Phan Tứ để lại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng đã giới thiệu đôi nét về tiểu sử nhà văn Phan Tứ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh tin rằng, đây không chỉ là dịp để tri ân một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam, mà còn là cơ hội để gieo vào lòng thế hệ trẻ những hạt mầm sống, mầm sáng tạo, mầm trách nhiệm công dân; đồng thời, Quỹ khuyến học mang tên nhà văn Phan Tứ sẽ thắp lên trong các bạn sinh viên niềm cảm hứng sáng tạo, tinh thần vượt khó, lý tưởng sống đẹp và khát vọng dấn thân vì cộng đồng.

Đại diện gia đình nhà văn Phan Tứ trao quà lưu niệm cho Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Tại Tọa đàm, các tham luận học thuật của giảng viên Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học tại Đà Nẵng đã tiếp cận văn nghiệp Phan Tứ dưới nhiều góc nhìn, từ thi pháp tiểu thuyết chiến tranh, phong cách tự sự của nhà văn-chiến sĩ, đến tư liệu hóa và tính hồi ký trong tác phẩm hậu chiến.
Các tham luận và thảo luận đã phân tích sâu sắc về tác phẩm và di cảo văn học của nhà văn Phan Tứ, đồng thời đưa ra nhiều kiến giải thú vị về di sản mà ông để lại.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm phát biểu.
Các ý kiến của nhà thơ Thanh Quế, nhà thơ Lê Anh Dũng - những người trực tiếp góp phần giới thiệu và biên soạn di cảo của Phan Tứ, cùng nhiều diễn giả khác đã cung cấp cho các đại biểu tại Tọa đàm về chân dung một Phan Tứ không chỉ là nhà văn, mà còn là đồng chí, người bạn, người lãnh đạo văn nghệ gương mẫu.
Tại Tọa đàm, bài thơ “Nghĩ về Phan Tứ” của nhà thơ Bùi Công Minh cũng được trình bày qua giọng đọc truyền cảm của sinh viên Nguyễn Yến Nhi.
Trong khuôn khổ của buổi Tọa đàm, lãnh đạo nhà trường cũng đã trao Quỹ khuyến học mang tên nhà văn Phan Tứ cho 15 sinh viên ưu tú của các khoa: Ngữ văn-Truyền thông; Sử-Địa-Chính trị; Giáo dục Nghệ thuật-Thể chất.

Trao Quỹ khuyến học mang tên nhà văn Phan Tứ cho 15 sinh viên ưu tú.