Xanh hóa, số hóa ngành dệt may Việt Nam

Nhằm cải thiện khả năng thích ứng với công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tích cực thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030; từ năm 2031 - 2035, phát triển hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa còn thấp

Tại tờ trình đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, Bộ Công Thương đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may hiện nay mới đạt khoảng 40 - 45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Ngành vải may của Việt Nam hiện nay đạt sản lượng khoảng 2,3 tỉ m²/năm, mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường trong nước.

Trong đó, nguyên nhân lớn nhất của sự kém phát triển đối với công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là các ngành sản xuất bông, sợi, nhuộm của Việt Nam đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành vải trong nước. Do đó, các doanh nghiệp dệt may nội địa vẫn phải nhập khẩu vải để sản xuất hàng may mặc.

 Dệt may là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước. Ảnh: Trung Lộ

Dệt may là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước. Ảnh: Trung Lộ

Đặc biệt, điểm nghẽn chủ yếu đối với công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là công nghệ nhuộm vải cũng như công tác xử lý môi trường để phát triển ngành dệt nhuộm chưa được quan tâm đúng mức. Điều này đã hạn chế việc các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt vải và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Ngành dệt may Việt Nam vì vậy chủ yếu mới chỉ dừng ở công đoạn may gia công, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cho sản phẩm dệt may còn rất thấp”.

Xây dựng Trung tâm sản xuất, lưu trữ, kinh doanh nguyên liệu thô

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương vừa đưa ra đề xuất về việc xây dựng một Trung tâm sản xuất, lưu trữ và kinh doanh nguyên liệu thô dành cho ngành công nghiệp dệt may và giày dép. Dự kiến, trung tâm này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025 và được đặt tại một địa điểm chiến lược để tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Mục tiêu của trung tâm không chỉ là cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc vật liệu, bảo đảm rằng mọi hoạt động sản xuất diễn ra minh bạch và đạt chuẩn quốc tế, mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo báo cáo của Vitas, từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippines... đến nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Thặng dư thương mại năm 2024 đạt 19 tỉ USD.

Với lực lượng lao động trên 3 triệu người, dệt may là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, các địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho rằng, bên cạnh việc xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ, một trong những việc cần làm là khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong ngành. Chính phủ cần tạo cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính phục vụ đầu tư công nghệ mới, bao gồm các khoản vay ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn trừ thuế. Thành lập quỹ đổi mới công nghệ để hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo. Cung cấp dịch vụ tư vấn, đánh giá công nghệ để giúp doanh nghiệp xác định và lựa chọn công nghệ mới phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng thành công công nghệ mới, tạo động lực và cơ hội cho các sáng kiến.

Như vậy, doanh nghiệp dệt may có thể tạo ra một môi trường mà người lao động cảm thấy được động viên, hỗ trợ và có cơ hội thể hiện sự sáng tạo của mình. Qua đó, cải thiện khả năng thích ứng với công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mẫn Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xanh-hoa-so-hoa-nganh-det-may-viet-nam-post397417.html
Zalo