'Xanh hóa' dòng vốn đầu tư để phát triển kinh tế bền vững

Các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng.

Xu hướng và tầm quan trọng của ESG

Tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tăng trưởng bền vững, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là để bắt kịp xu thế thế giới, nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phát thác ròng về 0 vào năm 2050, trong đó, thực hành ESG sẽ góp phần đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, hiện nay, thực hành ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Với đặc điểm nội tại của nền kinh tế Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP cao trên thế giới, nguồn vốn tín dụng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận thức được xu hướng và tầm quan trọng của việc thực hành ESG, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò tiên phong trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, nâng cao trách nhiệm xã hội hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí “Môi trường - Xã hội - Quản trị”.

Dư nợ tín dụng vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm hơn 43%. (Ảnh minh họa: Thanh Hà)

Dư nợ tín dụng vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm hơn 43%. (Ảnh minh họa: Thanh Hà)

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Cụ thể như: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều văn bản để triển khai hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình tín dụng mang lại lợi ích về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu/giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, quan tâm triển khai các chương trình tín dụng dành cho người nghèo, các đối tượng chính sách để đảm bảo thực hiện mục tiêu bao trùm của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, như: chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp; các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Tăng dư nợ tín dụng xanh

“Qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014 - 2020 và theo dõi từ 2021 đến nay, các tổ chức tín dụng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ đó chủ động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống ESG một cách toàn diện hơn”, bà Hà Thu Giang cho biết.

Cụ thể hơn, đó là đưa ra các cam kết về môi trường và xã hội vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Nghiên cứu các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế về ESG để xây dựng quy định nội bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro về môi trường và xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thành lập đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động về ESG. Chủ động hợp tác quốc tế, huy động và tiếp nhận nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu. Xây dựng Chương trình tín dụng và thiết kế gói tín dụng xanh, sản phẩm xanh, công bố thông tin về sản phẩm, đảm bảo tính minh bạch.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đã tích cực chuyển đổi số trong hoạt động, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, góp phần phát triển tài chính toàn diện. Nâng cao năng lực cán bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro môi trường xã hội trọng hoạt động cấp tín dụng và xây dựng các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững. Tăng cường truyền thông nội bộ về lối sống xanh, xanh hóa các hoạt động trong quá trình vận hành nội bộ tại ngân hàng (giảm tiêu dùng vật dụng nhựa sử dụng một lần, sử dụng tiết kiệm điện, nước, giấy in, mực in,…). Truyền thông, nâng cao nhận thức của khách hàng, phát triển kế hoạch để tích hợp các chiến lược ESG vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của khách hàng;...

Đặc biệt, đến 30/9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.

Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời nâng cao nhận thức cũng như năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng. Từ đó, điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xanh-hoa-dong-von-dau-tu-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-181101.html
Zalo