Xăng, điều hòa là mặt hàng thiết yếu, sao lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Các đại biểu đánh giá cao việc nâng mức công suất chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa từ 18.000 BTU trở lên nhưng cho rằng 'mức này vẫn còn thấp', đề nghị điều chỉnh.

Sáng 9-5, tiếp tục chương trình kỳ họp 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo quy định hiện hành, xăng và điều hòa (công suất từ 90.000 BTU trở xuống) là các loại hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Dự thảo luật sửa đổi lần này tiếp tục duy trì hai đối tượng chịu thuế nêu trên, song có sự điều chỉnh với điều hòa bằng việc chỉ áp thuế với loại có công suất từ 18.000 - 90.000 BTU.

 Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông). Ảnh: PHẠM THẮNG

Xăng là mặt hàng thiết yếu

Cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông), đề nghị bỏ xăng ra khỏi danh mục các loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo ông Giang, bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào mặt hàng xa xỉ nhằm điều tiết sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, xăng là mặt hàng thiết yếu cho đời sống người dân, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, hiện đã chịu thuế bảo vệ môi trường. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng vì cho rằng sẽ bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục.

Nếu thấy cần tăng thuế để bảo vệ môi trường thì có thể tăng giá trị tuyệt đối thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, thay vì đưa hàng hóa này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, như vậy sẽ "đúng với bản chất hơn".

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), cũng cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng tuy khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tăng thu ngân sách, giảm phát thải khí nhà kính… nhưng cũng sẽ gây áp lực lên chi phí sinh hoạt và sản xuất, nhất là với người thu nhập thấp.

 Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM THẮNG

Điều hòa không còn là mặt hàng xa xỉ

Việc nâng mức công suất chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa là từ 18.000 BTU trở lên cũng được đánh giá cao, dù vậy theo các đại biểu “mức này vẫn còn thấp”.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị nâng mức công suất chịu thuế lên 24.000 BTU.

Lý giải về đề nghị này, ông Giang cho biết đã tham khảo các kỹ sư với một căn hộ chung cư 1-3 phòng, việc lắp đặt một điều hòa công suất 24.000 BTU sẽ tiết kiệm chi phí, tiết kiệm điện hơn là lắp đặt nhiều chiếc điều hòa công suất nhỏ.

Cùng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), cho rằng mức công suất dưới 18.000 BTU chỉ đáp ứng cho nhu cầu phòng cá nhân, với phòng học hoặc phòng bệnh - những nơi có nhiều người sử dụng hơn thì không đủ.

Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị bỏ hẳn quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dân dụng, thay vì chia mốc công suất 18.000 hay 24.000 BTU.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) thì nói chỉ nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu hoặc gây hại cho môi trường. Với điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, cộng thêm thời tiết ngày càng khắc nghiệt, điều hòa rõ ràng là mặt hàng thiết yếu, không hề xa xỉ.

Do đó, ông đề nghị cân nhắc điều chỉnh mức áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng này để phù hợp với thực tế.

Đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ hiện không còn xa xỉ. Mục tiêu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa là để hạn chế tiêu dùng nhưng thực tế không làm giảm nhu cầu, dù thuế cao thì người dân vẫn phải sử dụng để đảm bảo sinh hoạt và sức khỏe. Do đó, thuế đang đánh vào người tiêu dùng phổ thông, không đúng tinh thần đánh vào nhóm xa xỉ.

Ông đánh giá nếu bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dân dụng (dưới 90.000 BTU), tuy ngân sách sẽ giảm một phần nguồn thu nhưng đổi lại sẽ giảm chi phí sinh hoạt, sức khỏe của người dân được bảo vệ tốt hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt…. Bỏ áp thuế giúp doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn, kích thích sản xuất hơn, qua đó Nhà nước sẽ lại thu được nhiều thuế hơn.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết hiện nay nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Với máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU, sẽ không thuộc diện bị đánh thuế.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xang-dieu-hoa-la-mat-hang-thiet-yeu-sao-lai-chiu-thue-tieu-thu-dac-biet-post848835.html
Zalo