Xác lập thương hiệu 'Made in Vietnam' trên bản đồ quốc tế

Định vị thương hiệu 'Made in Vietnam' đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và khẳng định bản lĩnh trên hành trình vươn ra thế giới.

Từ đổi mới sáng tạo đến chuyển đổi số

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc xác lập và định vị thương hiệu “Made in Vietnam” trên bản đồ quốc tế không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là một hành trình nhiều thách thức.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tích hợp công nghệ hiện đại vào sản phẩm, dịch vụ, đồng thời xây dựng hình ảnh quốc gia gắn liền với năng lực sáng tạo và uy tín quốc tế.

Một trong những ví dụ điển hình cho hành trình này là Tập đoàn VNPT và thương hiệu Vinaphone. Với lịch sử phát triển gắn liền với công cuộc hiện đại hóa ngành viễn thông Việt Nam, Vinaphone đã thể hiện rõ vai trò tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số từ rất sớm.

Tại diễn đàn Đổi mới sáng tạo - Động lực bứt phá thương hiệu quốc gia Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Lê Đắc Kiên - Phó Tổng Giám đốc VNPT Vinaphone, chia sẻ: “Khoảng ba mươi năm trước, chúng tôi đã lựa chọn công nghệ số, thay vì tiếp tục theo đuổi công nghệ cũ. Đó là quyết định chiến lược. Khi ấy, chúng tôi hợp tác với các đối tác như Kentav của Úc, Kimmovic của Thụy Điển và học hỏi từ những thương hiệu tiên tiến. Nhờ đó, VNPT mới có thể đứng vững và phát triển”.

Tuy nhiên, như chính ông Kiên khẳng định, thành công trong quá khứ không thể đảm bảo vị thế trong tương lai. Khi các dịch vụ truyền thống như điện thoại cố định suy giảm mạnh, Vinaphone và VNPT buộc phải tái cấu trúc và “khởi nghiệp lại” với các dịch vụ số.

Sản xuất linh kiện điện tử trong dây chuyền của VNPT. Ảnh: Khắc Kiên

Sản xuất linh kiện điện tử trong dây chuyền của VNPT. Ảnh: Khắc Kiên

Đó là thời điểm họ bắt đầu phát triển các phần mềm và giải pháp công nghệ dành cho Chính phủ điện tử, dữ liệu dân cư, hệ thống điều hành thông minh… với sự hiện diện tại hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Điểm nổi bật trong chiến lược của VNPT không chỉ là phát triển sản phẩm công nghệ, mà còn là sự thích ứng nhanh chóng với hành vi khách hàng đang thay đổi từng ngày.

Từ câu chuyện của Vinaphone có thể thấy rõ rằng, để khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào giá thành hay lợi thế nhân công. Thay vào đó, chính công nghệ, sáng tạo và khả năng thích ứng mới là “chìa khóa vàng” để vươn ra toàn cầu.

Hệ sinh thái công nghệ và hành trình nâng tầm thương hiệu Việt

Khác với Vinaphone, 1 thương hiệu gắn liền với hạ tầng viễn thông quốc gia, MISA lại đại diện cho tinh thần đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phần mềm và hỗ trợ quản trị doanh nghiệp.

Trong hơn hai thập kỷ qua, MISA đã trở thành cái tên quen thuộc với hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, góp phần tạo nên một hệ sinh thái công nghệ nội địa vững mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu từ việc nghiên cứu cách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị có nguồn lực tài chính và công nghệ rất hạn chế. Điều đó buộc chúng tôi phải tạo ra sản phẩm có chi phí thấp, dễ triển khai, nhưng vẫn tích hợp công nghệ tiên tiến nhất”.

Chính nhờ định hướng rõ ràng, MISA đã đi trước trong việc phát triển phần mềm kế toán, rồi mở rộng thành nền tảng quản trị tổng thể, với nhiều ứng dụng nhỏ giúp doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực điều hành. Đây không chỉ là câu chuyện thương mại, mà còn là đóng góp quan trọng vào năng lực số hóa quốc gia, điều kiện cần để hình thành một nền kinh tế số thực thụ.

Một điểm sáng khác trong chiến lược của MISA là đầu tư vào đào tạo và chuyển giao tri thức. Trong bối cảnh không thể đào tạo hàng triệu người dùng trực tiếp, MISA đã đưa chương trình đào tạo phần mềm vào giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng. Hành động này không chỉ góp phần chuẩn hóa kỹ năng cho sinh viên, mà còn tạo ra lực lượng lao động sẵn sàng sử dụng công nghệ “Made in Vietnam” ngay từ khi ra trường.

Trên phương diện công nghệ, MISA cũng không ngừng chuyển mình. Từ năm 2013, họ bắt đầu chuyển đổi từ phần mềm cài đặt sang nền tảng trực tuyến. Gần đây, họ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống quản trị doanh nghiệp. “Chúng tôi luôn sợ bị lỗi thời. Việc tích hợp AI là bước tiếp theo trong hành trình sáng tạo không ngừng”, ông Quang chia sẻ.

Không dừng lại ở sản phẩm, MISA còn đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người. Họ triển khai các cơ chế khuyến khích sáng tạo nội bộ, từ khen thưởng, nâng ngạch đến các chương trình phát triển cá nhân. Với họ, đổi mới không phải là một sự kiện, mà là một quá trình liên tục.

“Chúng tôi luôn đặt ra mục tiêu lớn, vì nếu mục tiêu quá nhỏ, tổ chức sẽ thiếu động lực. Khi có mục tiêu lớn, nhân viên mới sáng tạo để đạt được. Sau đó, công nghệ mới được ứng dụng, và sản phẩm mới sẽ hình thành. Đây là chu trình đổi mới sáng tạo gắn liền với thực tiễn quản trị doanh nghiệp”, ông Quang nhấn mạnh.

Việc xác lập thương hiệu “Made in Việt Nam” trên bản đồ quốc tế không thể chỉ trông chờ vào lợi thế sẵn có hay các chiến dịch truyền thông ngắn hạn. Đó là một quá trình bền bỉ, cần sự vào cuộc của doanh nghiệp với tư duy đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại và đầu tư cho con người. Những mô hình như VNPT hay MISA cho thấy: khi doanh nghiệp dám thay đổi, kiên định theo đuổi giá trị dài hạn và lấy sáng tạo làm động lực, thương hiệu Việt hoàn toàn có thể vươn xa, khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Lê Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xac-lap-thuong-hieu-made-in-vietnam-tren-ban-do-quoc-te-387386.html
Zalo