Xác định được 'nơi ẩn náu hoàn hảo' của MH370?

Một nhà nghiên cứu ở Úc tuyên bố 'giải quyết một cách toàn diện' vụ máy bay MH370 mất tích.

Nhà nghiên cứu người Úc Vincent Lyne. Ảnh: News.com.au

Nhà nghiên cứu người Úc Vincent Lyne. Ảnh: News.com.au

NDTV ngày 27/8 đưa tin, nhà nghiên cứu người Úc Vincent Lyne tin rằng ông đã tìm ra vị trí của máy bay MH370 với một bài nghiên cứu từ năm 2021 được cho phép đăng trên tạp chí Hàng hải (Anh).

Trong một bài đăng trên mạng xã hội LinkedIn, ông Lyne tuyên bố, chiếc máy bay đã bị cố ý điều khiển lao vào Broken Ridge - hố sâu khoảng 6.000 mét ở đáy Ấn Độ Dương.

"Nghiên cứu này thay đổi cách hiểu về vụ mất tích của MH370, từ một câu chuyện không đổ lỗi (cho rằng máy bay hết nhiên liệu và lao xuống với tốc độ cao) thành một kịch bản mà trong đó, phi công đã gần như thực hiện một cuộc biến mất không dấu vết ở Nam Ấn Độ Dương", ông Lyne, làm việc tại Viện Nghiên cứu Hàng hải và Nam Cực, thuộc Đại học Tasmania (Úc), viết.

Nhà nghiên cứu Úc cho rằng các hư hại ở phần cánh của MH370 cho thấy máy bay đã thực hiện một cú hạ cánh có kiểm soát xuống biển, tương tự như vụ hạ cánh khẩn cấp của phi công Chesley Sullenberger trên sông Hudson ở Mỹ vào năm 2009.

Chiếc Airbus A320 mang số hiệu 1549 do phi công Chesley Sullenberger điều khiển hạ cánh xuống sông Hudson năm 2009. Ảnh: Reuters

Chiếc Airbus A320 mang số hiệu 1549 do phi công Chesley Sullenberger điều khiển hạ cánh xuống sông Hudson năm 2009. Ảnh: Reuters

"Phân tích cẩn thận của Larry Vance, cựu nhân viên điều tra tai nạn hàng không Canada, cho thấy MH370 có nhiên liệu và động cơ vẫn hoạt động khi nó thực hiện một cú hạ cánh có kiểm soát, thay vì đâm sầm xuống do thiếu nhiên liệu", ông Lyne nói.

Nhà nghiên cứu Úc cho rằng vị trí của MH370 nằm ở giao điểm giữa kinh độ của sân bay Penang (trên đường băng) ở Malaysia và lộ trình giả lập trên máy tính của cơ trưởng máy bay mà FBI từng phát hiện nhưng cho là "không liên quan".

Địa điểm mà ông Lyne đề cập là hố sâu 6.000 mét ở phía đông của Broken Ridge - vùng biển hiểm trở và nổi tiếng với các loài cá hoang dại. Hố này có các bờ dốc hẹp, được bao quanh bởi các rặng núi lớn và các hố sâu khác. Nó chứa đầy trầm tích mịn. "Quả là một nơi 'ẩn náu' hoàn hảo", ông Lyne lưu ý và nhấn mạnh vị trí này cần được liệt vào "khu vực ưu tiên cao" nếu tìm kiếm.

"Việc tìm kiếm khu vực này hay không phụ thuộc vào các quan chức và công ty tìm kiếm, nhưng từ góc độ khoa học, tôi tin rằng họ đã biết lý do tại sao các cuộc tìm kiếm trước đây thất bại. Tôi cho rằng, từ quan điểm khoa học, bí ẩn về MH370 đã được giải quyết một cách toàn diện", nhà nghiên cứu Úc nói.

Hình ảnh dựng bằng máy tính của MH370 từ một bộ phim tài liệu của National Geographic. Ảnh: National Geographic

Hình ảnh dựng bằng máy tính của MH370 từ một bộ phim tài liệu của National Geographic. Ảnh: National Geographic

Tuyên bố của nhà nghiên cứu người Úc được đưa ra vài tháng sau khi một công ty thăm dò biển sâu có trụ sở ở Mỹ cho biết công ty này có khả năng thực hiện cuộc tìm kiếm toàn diện nhất từ trước đến nay.

Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đột ngột biến mất vào ngày 8/3/2014 khi chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.

Sau 10 năm, vị trí máy bay mất tích vẫn là một bí ẩn. Ngày 3/3/2024, chính phủ Malaysia tuyên bố, họ sẵn sàng mở lại cuộc tìm kiếm máy bay MH370, nếu có bằng chứng mới đáng tin cậy.

Theo Arttimes

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/xac-dinh-duoc-noi-an-nau-hoan-hao-cua-mh370/20240829022444460
Zalo