Xã Yên Bài làm tốt công tác bình đẳng giới

Là xã miền núi nằm ở phía nam của huyện Ba Vì, Yên Bài có 8 thôn với 1.976 hộ/9.098 nhân khẩu, trong đó có 40% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mường.

Những năm qua, xã Yên Bài tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương.

Xưởng sản xuất gỗ của gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) giúp tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ là người dân tộc thiểu số.

Xưởng sản xuất gỗ của gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) giúp tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ là người dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ

Xác định bình đẳng giới là nội dung quan trọng nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều chương trình, chính sách về bình đẳng giới. Đặc biệt, với Thành phố Hà Nội, bình đẳng giới là nội dung ưu tiên, được xác định là nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm tại Kế hoạch số 253/KH-UBND, ngày 29-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bài Nguyễn Thị Mỹ Bính cho biết: Định kiến về giới từ lâu đã ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nên đa số phụ nữ còn tâm lý tự ti, e dè, không dám đòi hỏi quyền lợi. Trình độ học vấn cũng thường kém hơn nam giới, ít tham gia công tác xã hội, chủ yếu ở nhà làm nông và nội trợ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thành phố và huyện Ba Vì, thời gian qua xã Yên Bài đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới tới cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo, giao ban; sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề; các hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật...

Từ sự quan tâm và triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp về bình đẳng giới của các cấp, ngành, công tác bình đẳng giới trên địa bàn huyện Ba Vì, trong đó có xã Yên Bài, đã đạt được một số kết quả: Nhận thức về giới của người dân ngày càng tốt hơn, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội được khẳng định, nâng lên. Phụ nữ dân tộc thiểu số đã tham gia nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể: Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã trúng cử đại biểu HĐND cấp xã ngày càng tăng, nhiều chị em giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị xã hội, trong các công ty, doanh nghiệp; tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số thụ hưởng các chính sách, dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội đều tăng...

Việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình, khuyến khích phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh giúp tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bài chú trọng. Hội cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, giúp họ tự tin hơn trong công việc và cuộc sống. Điển hình, chị Nguyễn Thị Quý ở thôn Quýt, là hộ nghèo, năm 2019 được Hội Phụ nữ hỗ trợ vay 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi bò sữa. Đến năm 2022, gia đình chị Quý đã thoát nghèo, kinh tế ổn định. Tương tự là chị Hoàng Thị Thủy, nhờ được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để phát triển đàn bò sữa nên đến nay kinh tế gia đình đã khá giả hơn.

Mạnh dạn làm chủ mô hình phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho gia đình, chị Hoàng Thị Ánh cùng các chị Lê Thị Hợi, Hoàng Thị Lịch, Hoàng Thị Hoa... (đều là người dân tộc Mường ở thôn Chóng) đã kết hợp cùng nhau thực hiện mô hình du lịch cộng đồng Thung lũng Bản Xôi. Chị Ánh cho biết: Mô hình nằm trên khu đồi Ván Xôi của thôn, tổng diện tích hơn 15ha, là đất của 7 hộ gia đình và thuê thêm của một số hộ dân khác. Nhiều năm nay, mô hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Các gia đình tham gia mô hình đều đã xây được nhà kiên cố 2 - 3 tầng, mua ô tô, xe máy và mỗi hộ đầu tư 1 - 2 xe điện để làm dịch vụ đưa, đón khách du lịch. Các thành viên trong mỗi gia đình đều có việc làm, thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/hộ/tháng.

Hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bài đang quản lý nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng như Ngân hàng Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên Việt, Đông Á, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa với tổng dư nợ hơn 26 tỷ đồng, cho 522 hội viên vay. 8/8 chi hội Phụ nữ thôn duy trì xây dựng quỹ Hội với tổng vốn hơn 440 triệu đồng, giúp 58 hội viên vay. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và các chi hội còn giúp nhiều hộ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thông qua các hình thức hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ ngày công, con giống, kiến thức...

Phụ nữ dân tộc Mường biểu diễn tiết mục văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc Mường tại điểm du lịch cộng đồng Thung lũng Bản Xôi, xã Yên Bài (huyện Ba Vì).

Phụ nữ dân tộc Mường biểu diễn tiết mục văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc Mường tại điểm du lịch cộng đồng Thung lũng Bản Xôi, xã Yên Bài (huyện Ba Vì).

Những bài học kinh nghiệm

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bài Nguyễn Thị Mỹ Bính, công tác giáo dục và nâng cao nhận thức là yếu tố then chốt để loại bỏ quan niệm lạc hậu về vai trò của phụ nữ. Những năm qua, Hội đã triển khai các chương trình giáo dục và tập huấn về bình đẳng giới tại các chi hội trên địa bàn xã. Hội chú trọng thực hiện hiệu quả Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”, Đề án “Nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực, xâm hại cho phụ nữ, trẻ em vùng miền núi của huyện Ba Vì giai đoạn 2021 - 2026”. Cùng với đó, việc sử dụng, giữ gìn ngôn ngữ địa phương đã giúp việc chuyển tải thông điệp về bình đẳng giới dễ dàng, thấm sâu vào cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ về mô hình "Gia đình bình đẳng, hạnh phúc", với mục tiêu tạo ra một môi trường gia đình tiến bộ, nơi mà cả nam và nữ đều được tôn trọng và chia sẻ trách nhiệm. Việc tổ chức các buổi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm giữa các gia đình đã giúp lan tỏa tinh thần bình đẳng, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình và nạn phân biệt đối xử.

Ngoài ra, công tác bình đẳng giới không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức và đoàn thể. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bài đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể triển khai các chương trình, dự án liên quan đến bình đẳng giới. Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Yên Bài cũng tích cực tham gia các phong trào, xây dựng những mô hình thu hút hàng trăm thành viên tham gia, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ, như “Người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch"; “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang”; “Phụ nữ vun trồng tương lai”... Nhiều phụ nữ hăng hái tham gia 17 câu lạc bộ thể thao, văn hóa văn nghệ...

Đánh giá về hoạt động bình đẳng giới trong phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Lập khẳng định: Công tác bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số cần sự nỗ lực, kiên trì của toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương và Hội Phụ nữ các cấp. Thực tiễn cho thấy, khi phụ nữ được trao quyền và có cơ hội phát triển, họ sẽ trở thành những nhân tố tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dương Ánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xa-yen-bai-lam-tot-cong-tac-binh-dang-gioi-676466.html
Zalo