Xã luận: Khơi thông nguồn lực để đất nước vươn mình

Sau 29,5 ngày làm việc, Kỳ họp lần thứ tám, Quốc hội khóa XV đã bế mạc.

Đây là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII vào thực tiễn cuộc sống và cũng là kỳ họp quyết định giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc về thể chế, chính sách hiện nay; kịp thời tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn để khơi thông các nguồn lực; tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội quyết định về công tác nhân sự bầu Chủ tịch nước và một số thành viên của Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, thông qua 18 dự án luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp lần này đều liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành mà thực tiễn đang đòi hỏi, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và các vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh, phát huy tối đa các nguồn lực, cơ hội cho phát triển.

Ảnh minh họa / nhandan.vn

Ảnh minh họa / nhandan.vn

Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đến nay kinh tế nước ta vẫn đứng vững trước nhiều thử thách, sóng gió, đạt được nhiều thành tựu to lớn, luôn ở mức tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực. Năm 2024, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước ta nhiều khả năng đạt trên 7% và kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. 15/15 chỉ tiêu chủ yếu có thể hoàn thành. Dẫu vậy, bức tranh phát triển vẫn chưa thể phai màu những vết nhám. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, chi phí sản xuất vẫn cao, lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai còn lớn, một số chương trình, chính sách về tín dụng triển khai còn chậm... Riêng về thể chế, dù Quốc hội đã không ngừng đổi mới, đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trong công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tạo khung khổ pháp lý cho đất nước phát triển thuận lợi.

Nhưng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, của quá trình thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, cụ thể hóa Hiến pháp, các quan điểm, đường lối của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân đối với công tác lập pháp có mặt còn chưa theo kịp. Nhiều luật ban hành trước đây vẫn thiếu tính liên thông, đồng bộ với các luật khác khiến công tác triển khai trong đời sống thực tế còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu khai mạc kỳ họp đã thẳng thắn nhận định đây là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Đặc biệt, khi nước ta đang chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, làm tiền đề để sớm bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì việc tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, liên thông, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cần sớm được khắc phục.

Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021-2026, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển đất nước, với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật, đổi mới trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết; một trong những bước đột phá của công tác lập pháp là chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực tại Kỳ họp thứ tám này. Quốc hội không quy định cứng nhắc, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định mà chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền. Bảo đảm các luật, nghị quyết khi được thông qua đạt tuổi thọ dài lâu, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện trôi chảy.

Tuy nhiên, để công tác lập pháp tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, ngoài việc triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, nhất là yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương, các tầng lớp nhân dân cần phải nhận thức đầy đủ và thực thi hiệu quả luật pháp; gắn chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách pháp luật sau ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những khiếm khuyết, nhất là những vấn đề mới, xu hướng mới, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, tạo đột phá trong phát triển, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc càng phải quán triệt, nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thi hành pháp luật. Ngoài quán triệt, thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, cán bộ, chiến sĩ cũng cần không ngừng nâng cao trình độ văn hóa pháp lý, nắm bắt những diễn biến mau lẹ của đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng. Kịp thời hiến kế cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đơn vị đứng chân để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững mạnh, hiệu quả, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng đất nước hùng cường trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xa-luan-khoi-thong-nguon-luc-de-dat-nuoc-vuon-minh-805245
Zalo