Xã hội hóa dịch vụ công mang đến 'lợi ích kép'
Ngày 22/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo 'Mô hình dịch vụ công ở các Hội nghề nghiệp: Thực trạng và giải pháp'.
Hội thảo nhằm đánh giá tình hình các Hội ngành toàn quốc tham gia xã hội hóa các dịch vụ công trong những năm qua, cụ thể là thực trạng mô hình dịch vụ công ở các Hội ngành toàn quốc; những thuận lợi và hạn chế, bất cập; những điểm nghẽn trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức thực hiện dịch vụ công ở các Hội ngành toàn quốc… Từ đó đề xuất các giải pháp để trong hệ thống VUSTA sẽ có nhiều Hội ngành toàn quốc có thể tham gia một cách trực tiếp và hiệu quả cung ứng dịch vụ công theo ngành, lĩnh vực cho xã hội; đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký VUSTA cho biết, dịch vụ công trước đây thường gắn với trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước nhằm cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công cộng thiết yếu cho người dân, cho xã hội; không vụ lợi, đảm bảo sự công bằng và ổn định xã hội. Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, các quy luật cung cầu của thị trường, yêu cầu lãnh đạo, quản trị quốc gia và cải cách hành chính, các dịch vụ này không chỉ do các cơ quan Nhà nước thực hiện mà có sự tham gia cung ứng dịch vụ công của nhiều thành khác như các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân được nhà nước ủy quyền. Ở nước ta còn có tên gọi khác là xã hội hóa dịch vụ công.
Xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô, từ đó tạo điều kiện để tổ chức Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân đầu tư nguồn lực, tham gia giải quyết một số nhiệm vụ của Nhà nước và cạnh tranh phát triển. Khi có nhiều nhà cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ nên dịch vụ cung cấp sẽ được rẻ hơn, tốt hơn; mặt khác, bộ máy Nhà nước cũng trở nên gọn nhẹ và tiết kiệm hơn, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ công cơ bản cho người dân.
Các Hội ngành toàn quốc trong hệ thống VUSTA là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có nhiều tiềm năng và thế mạnh để cung ứng dịch vụ công, tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công của Đảng và Nhà nước. Thực tế trong nhiều năm qua, một số Hội ngành toàn quốc đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện tham gia cung ứng, thực hiện một số dịch vụ công như Hội Mã số Mã vạch Việt Nam, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam,...
Trước yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội trí thức từ Trung ương đến địa phương thuộc VUSTA theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 09/7/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiệnNghị quyết Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương, trong đó đặt vấn đề các Hội tham gia dịch vụ công là một nội dung rất quan trọng.
Tại Hội thảo, TS Phạm Văn Tân, Ủy viên Hội đồng Trung ương VUSTA đã đóng góp ý kiến thiết thực nhằm thúc đẩy triển khai dịch vụ công trong các tổ chức thành viên thuộc VUSTA. Một là, xây dựng hành lang pháp lý. Để hoàn thiện chính sách cung ứng dịch vụ công, cần sớm xây dựng luật về cung ứng dịch vụ công. Hai là, ban hành danh mục dịch vụ công, mỗi lĩnh vực, ngành, địa phương cần phải ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước và không sử dụng ngân sách. Nâng cao nhận thức trong xã hội về quyền và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện các dịch vụ công vì cộng đồng, vì xã hội.
Đồng thời, thực hiện các chương trình khuyến khích xã hội hóa các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách liên quan đến ổn định cơ sở vật chất, kỹ thuật để các tổ chức xã hội thực hiện dịch vụ công hoạt động. VUSTA và các hội thành viên cần tập trung vào các lĩnh vực tư vấn và hoạt động đào tạo, kiểm tra, đánh giá phục vụ việc cấp chứng chỉ hành nghề; tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để có đủ năng lực thực hiện dịch vụ công được giao...
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, nhất là dịch vụ hành chính công, nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đẩy mạnh việc xã hội hóa dịch vụ công; cần tách việc xây dựng pháp luật để quản lý xã hội với việc tổ chức thực hiện quản lý xã hội và phân công trách nhiệm Nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính sách và kiểm tra giam sát các cơ quan thực thi dịch vụ công… Đặc biệt, cần chú trọng bồi dưỡng lực lượng chuyên môn, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của các hội, xây dựng các quy chế, quy tắc, bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công được công khai, minh bạch, hiệu quả và tốt nhất cho người dân.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình dịch vụ công của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam, GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội cho biết, thời gian qua, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam cùng các hội thành viên đã tham gia vào nhiều hoạt động dịch vụ công như: Tổ chức mở lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và cấp chứng chỉ cho nhiều doanh nghiệp; tham gia các dịch vụ kiểm định an toàn cho các thiết bị có nguy cơ rủi ro cao như nồi hơi, thiết bị áp lực, cần trục các loại… Ngoài ra, Hội cũng tham gia các dịch vụ đánh giá mức độ hợp vệ sinh của môi trường lao động; đánh giá hợp chuẩn, hợp quy theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của các sản phẩm, hàng hóa liên quan tới an toàn, sức khỏe và môi trường... được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá cao.
“Việc cung ứng dịch vụ được giao cho các thành phần kinh tế tư nhân, cá nhân thực hiện, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với sự phát triển đất nước”, GS.TS. Lê Vân Trình nhấn mạnh.
"Việc giao một số nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước cho các hội, tổ chức phi chính phủ là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Giao bớt nhiệm vụ dịch vụ hành chính công cho các tổ chức xã hội là tạo điều kiện cho mọi thành phần xã hội chung tay cùng Nhà nước nâng cao chất lượng dịch vụ công ngày càng tốt hơn. Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu về dịch vụ ngày càng cao, càng phong phú và đa dạng, nhà nước không thể đáp ứng hết đòi hỏi của thị trường, nhu cầu của người dân. Do vậy, việc nghiên cứu chuyển giao một số nhiệm vụ của cơ quan hành chính cho các hội nghề nghiệp là thực sự cần thiết", TS. Phan Đăng Sơn, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thoa, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Hà Nội cho rằng, xã hội hóa dịch vụ công có nhiều ưu điểm nổi bật như: Giảm tải cho cơ quan Nhà nước; tăng tính minh bạch và thúc đẩy trách nhiệm giải trình; cải thiện chất lượng dịch vụ công, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh; đa dạng hóa dịch vụ công, phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ mới, tăng khả năng tiếp cận của người dân; tăng cường nguồn lực cho cung cấp dịch vụ công nhờ huy động được vốn đầu tư ngoài ngân sách, huy động được nguồn nhân lực ngoài xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế và xã hội; cải thiện chất lượng dịch vụ công, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh; hòa nhập với các mô hình quản lý Nhà nước hiện đại trên thế giới phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế.