Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới nâng cao
Từng là vùng đất mang nhiều vết tích của chiến tranh, sau nhiều năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, diện mạo xã Hiệp Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) và xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên.
“Về đích” nông thôn mới nâng cao
Chiến tranh kết thúc, Hiệp Thạnh gánh chịu hậu quả nặng nề. Đất đai hoang hóa, sản xuất lạc hậu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã cùng nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là từ khi chương trình XDNTM được triển khai từng bước làm thay đổi diện mạo địa phương.
Thực hiện phương châm XDNTM là quá trình liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc nên sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hiệp Thạnh tiếp tục bắt tay vào xây dựng xã NTM nâng cao. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Thời gian qua, tình hình KT-XH của xã Hiệp Thạnh phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống giao thông nông thôn cơ bản hoàn chỉnh, kết nối liên hoàn tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển và trao đổi hàng hóa của người dân trong khu vực.
Các trường học được đầu tư đạt chuẩn quốc gia; hệ thống lưới điện bảo đảm cung cấp cho người dân sản xuất và sinh hoạt an toàn; hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, bảo đảm nguồn nước phục vụ tưới tiêu trong sản xuất; 100% ấp có nhà văn hóa được chỉnh trang và trang bị các thiết chế phục vụ nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa của người dân; hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,22%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt 71,71 triệu đồng;...
Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, mở ra nhiều hướng phát triển mới cho địa phương. Ông Hoàng Văn Bê (ấp 1, xã Hiệp Thạnh) cho biết: “Khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trên địa bàn xã, người dân rất đồng tình. Người góp công, người góp của để công trình được thi công thuận lợi. Khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân dễ dàng hơn, nhất là học sinh đến trường vào mùa mưa đỡ vất vả”.
Là vùng chuyên canh trồng thanh long với tổng diện tích hơn 700ha, trong đó có hơn 118ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, xã có 1 hợp tác xã với 22 thành viên chuyên cung cấp rơm, phân bón và liên kết thu mua thanh long cho người dân.
Bên cạnh đó, xã còn có sản phẩm dưa leo baby Năm Xuân được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao; được cấp 15 mã số vùng trồng thanh long, tổng diện tích là 257ha với 381 hộ tham gia.
Ông Nguyễn Văn Toàn (ấp 4, xã Hiệp Thạnh) chia sẻ: “Hiện gia đình trồng gần 1ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp mã số vùng trồng. Tôi ký hợp đồng thu mua với công ty và được kỹ sư của công ty xuống tận vườn trực tiếp theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua thanh long với giá ổn định”.
Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh - Lê Thị Hồng Phượng cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục giữ vững, nâng chất các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí đạt thấp; đồng thời, tiếp tục tổ chức phát động, tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng cho cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chương trình XDNTM nâng cao, hướng đến đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025”.
Nỗ lực nâng chất các tiêu chí
Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh tiếp tục nỗ lực nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Trần Minh Nghĩa, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Lập ra sức XDNTM, phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động, phát triển KT-XH, ổn định và nâng cao mức sống người dân. Nhờ đó, xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020.
Không hài lòng với những kết quả đã đạt, xã quyết tâm tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí và chỉ 1 năm sau đó, xã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Đạt chuẩn xã NTM, NTM nâng cao là minh chứng cho sự phát triển KT-XH địa phương. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, từ phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn đến cảnh quan môi trường,... đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của người dân đều nâng lên.
Cùng với đó, xã được huyện quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: Thủy lợi, giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học,... tạo động lực phát triển KT-XH. Nhiều mô hình Dân vận khéo được thực hiện và nhân rộng, góp phần giữ vững và nâng chất các danh hiệu đã được công nhận.
Xã còn được huyện quy hoạch để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả và hướng đến phát triển du lịch sinh thái miệt vườn với diện tích khoảng 650ha. Nhờ đó, địa phương được các sở, ban, ngành tỉnh quan tâm, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông gắn với vùng nguyên liệu cây ăn quả. Qua đó, giúp phá thế vùng sâu và hoàn thành tiêu chí giao thông, một trong những tiêu chí khó của các địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Góp sức XDNTM, NTM nâng cao ở địa phương, ông Lê Thanh Nhàn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập) hiến gần 300m2 đất và tài sản gắn liền với đất để làm đường giao thông nông thôn.
Ông Nhàn chia sẻ: “Khi địa phương vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tôi rất phấn khởi và đồng ý ngay. Bởi, người thụ hưởng lợi ích chính là người dân, trong đó có gia đình tôi. Có con đường mới, rộng rãi giúp đi lại và giao thương dễ dàng hơn, kinh tế và đời sống người dân cũng vì vậy mà cải thiện và nâng cao hơn”.
Hiện xã Tân Lập tích cực giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt và hướng đến xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu. Tin rằng, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, nhất là sự đồng thuận giữa “ý Đảng - lòng dân”, xã Tân Lập sẽ đạt mục tiêu đề ra trong thời gian không xa./.