'Xã 135' thoát nghèo nhờ du lịch cộng đồng
Nằm trong vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trước đây xã Thành Lâm (Bá Thước) là 'xã 135' (xã đặc biệt khó khăn) của huyện, nhưng từ khoảng năm 2014 người dân trong xã nhận thấy tiềm năng, lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên nên một số gia đình ở thôn Đôn mạnh dạn đón khách du lịch tại nhà.
Là một trong những hộ sớm đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng, chị Hà Thị Nghiền, chủ cơ sở nghỉ dưỡng Pu Luong Ôhayo thôn Đôn, chia sẻ: "Trước kia, các hộ ở trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp nên đời sống rất khó khăn, thanh niên lớn lên phải bỏ đi làm ăn xa ở các tỉnh miền Nam. Nhưng từ khi có những đoàn khách nước ngoài đến đây du lịch, không có nơi ăn nghỉ.., gia đình tôi và một số hộ dân trong thôn đã sửa sang, nâng cấp nhà sàn để làm homestay. Vào thời điểm đó, cấp ủy, chính quyền huyện cũng rất quan tâm đến mô hình du lịch cộng đồng nên đã định hướng người dân cải tạo, đầu tư nhà cửa, sân vườn làm du lịch. Cũng từ đó, mô hình du lịch cộng đồng của địa phương phát triển, người dân không phải đi làm ăn xa như trước nữa. Hiện, cơ sở lưu trú của gia đình tôi có 13 phòng bungalow, 4 nhà sàn khép kín, có view nhìn ra ruộng lúa và bể bơi vô cực ngoài trời. Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ sở lưu trú của gia đình đã đón gần 2.000 lượt khách đến nghỉ dưỡng".
Ông Quách Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, cho biết: Thôn Đôn cùng với 2 thôn Bầm, Leo là những thôn đầu tiên hình thành mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Pù Luông. Đến năm 2017, Pu Luong Retreat là cơ sở đầu tiên khảo sát xây dựng khu nghỉ dưỡng. Nhận thấy lượng khách du lịch đến Thành Lâm ngày càng nhiều, các cơ sở lưu trú ít; các hộ gia đình trong thôn sửa sang lại nhà cửa làm
homestay; các nhà đầu tư vào xây dựng các khu nghỉ dưỡng như: Pù Luông Natura Bungalow; Puluong Tree house, Ôhayo, Ebino Pù Luông... tập trung chủ yếu tại thôn Đôn. Vì vậy, từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã thì nay thôn Đôn đã trở thành thôn NTM đầu tiên của xã.
Cũng nhờ phát triển du lịch cộng đồng mà xã Thành Lâm đã thoát khỏi “xã 135” của huyện. Khi du lịch chưa phát triển, người dân trong xã sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp xen kẽ với lâm nghiệp, thu nhập thấp, bình quân đầu người khoảng 21 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 40%. Đến nay, toàn xã có 27 cơ sở lưu trú, trong đó có 22 cơ sở lưu trú dạng nhà nghỉ với số lượng 185 buồng phòng, 289 giường, công suất đón khách trên 450 lượt khách/ngày, đêm; 5 cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng với 50 nhà sàn, 116 bungalow, 140 buồng phòng; công suất đón khoảng 900 lượt khách/ngày đêm. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã Thành Lâm đón khoảng 15.000 lượng khách trong nước và khách nước ngoài đến tham quan, du lịch nghỉ dưỡng; doanh thu ước đạt hơn 8 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 250 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng, cá biệt có lao động mức thu nhập lên đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, xã có 7 đội văn nghệ, 6 câu lạc bộ văn hóa dân gian, 1 ban quản lý phát triển du lịch cấp thôn, 1 ban quản lý du lịch cấp xã; các câu lạc bộ và đội văn nghệ liên tục phục vụ khách du lịch, với mức phí từ 800 - 1.000.000 đồng/giờ và hoạt động liên tục. Và cũng nhờ mô hình phát triển du lịch mà năm 2024, xã Thành Lâm phấn đấu giảm còn 11,9% tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/người/năm, diện mạo nông thôn đang ngày càng khởi sắc, đời sống bà con dân tộc ngày càng được cải thiện và phát triển bền vững.
"Thời gian tới, xã Thành Lâm xác định du lịch là một trong các bước đột phá để phát triển kinh tế, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai vận động Nhân dân tham gia phát triển du lịch, cùng chung tay bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, gìn giữ cảnh quan môi trường. Đồng thời kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ năng lực về lĩnh vực du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng để đầu tư một cách bài bản vào phát triển du lịch Thành Lâm" - ông Quách Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lâm nói.