World Bank giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 5,5%

Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương, với tiêu đề 'Nền tảng Vững chắc cho Tăng trưởng' công bố ngày 1/4 của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5%.

Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam lớn

Con số này giữ nguyên so với Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 mà WB công bố hồi đầu năm, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 sẽ là 5,5% và năm 2025 là 6%. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Dự báo tăng trưởng GDP của một số nước châu Á. Nguồn: WB

Dự báo tăng trưởng GDP của một số nước châu Á. Nguồn: WB

Theo Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB Aaditya Mattoo, lý do mức dự báo của WB cho Việt Nam trong khoảng 5% là nguyên nhân liên quan đến khả năng phục hồi thương mại toàn cầu, khả năng phục hồi của Việt Nam.

Bên cạnh đó, khu vực bất động sản là vấn đề quan ngại và có sự bất định về chính sách hay vẫn chưa có những cải cách cần thiết, cấp bách như trong lĩnh vực dịch vụ, cải thiện đầu tư, thực hiện đầu tư công, phối kết hợp giữa các địa phương…

“Đích đến cho việc lựa chọn Trung Quốc + 1, đó chính là Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể thu hút được đầu tư rất lớn. Do vậy, Việt Nam chưa nên hài lòng ở con số tăng trưởng GDP 5,5% với một quốc gia có tiềm năng tăng trưởng lớn” - ông Aaditya Mattoo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Aaditya Mattoo phân tích, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng khoảng 8%. GDP 5,5% cũng tốt hơn so với nhiều quốc gia khác nhưng không đạt tiềm năng của một đất nước như Việt Nam.

"Tăng trưởng kinh tế 5,5% là kém so với tiềm năng và không nên hài lòng” - ông Aaditya Mattoo nhấn mạnh.

Dự báo năm 2024, châu Á tăng trưởng 4,6%

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế nửa năm hàng năm của khu vực, WB cho biết các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới nhưng chậm hơn so với trước đại dịch. Trong khi thương mại toàn cầu phục hồi và các điều kiện tài chính nới lỏng sẽ hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực, thì chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và sự bất ổn về chính sách sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Theo báo cáo, tăng trưởng khu vực được dự đoán sẽ giảm xuống còn 4,5% vào năm 2024 từ mức 5,1% của năm ngoái. Tăng trưởng ở các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc, được dự đoán sẽ tăng lên 4,6% trong năm nay, từ mức 4,4% vào năm 2023. Tăng trưởng ở Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm xuống mức 4,5% từ mức 5,2% vào năm 2023 do nợ cao, lĩnh vực bất động sản yếu và xung đột thương mại đè nặng lên nền kinh tế.

Trong số các quốc đảo Thái Bình Dương, tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại còn 3,6% vào năm 2024 từ mức 5,6% của năm ngoái khi quá trình phục hồi sau đại dịch tan biến. Sự chậm lại một phần phản ánh việc bình thường hóa tăng trưởng ở Fiji lên 3,5% vào năm 2024 từ mức đặc biệt mạnh 8% vào năm ngoái.

Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro cho biết: "Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế thế giới, ngay cả khi khu vực này phải đối mặt với môi trường toàn cầu đầy thách thức và bất ổn hơn, dân số già đi và tác động của biến đổi khí hậu. Các quốc gia trong khu vực có thể duy trì đà tăng trưởng bằng cách đẩy nhanh việc mở cửa nhiều hoạt động hơn cho đầu tư khu vực tư nhân, giải quyết các thách thức trong lĩnh vực tài chính và tăng năng suất."

Triển vọng có thể gặp phải những rủi ro suy giảm, bao gồm sự suy giảm lớn hơn dự kiến của nền kinh tế toàn cầu, lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế lớn, sự không chắc chắn gia tăng trên toàn thế giới về các chính sách kinh tế và sự gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã vượt qua hầu hết các nền kinh tế đang phát triển khác trong những thập kỷ gần đây, nhưng nó lại được thúc đẩy bởi đầu tư hơn là tăng trưởng năng suất. Hành động chính sách táo bạo là giải phóng sức cạnh tranh, cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách giáo dục có thể đem lại sức sống mới cho nền kinh tế khu vực"- ông Aaditya Mattoo nói.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/world-bank-giu-nguyen-du-bao-tang-truong-cua-viet-nam-la-5-5.html
Zalo