Wikipedia yêu cầu xem xét Đạo luật An toàn Trực tuyến của Anh

Wikimedia đã đề nghị Tòa án Tối cao Anh xem xét lại quy định phân loại nền tảng trong Đạo luật An toàn Trực tuyến, lo ngại ảnh hưởng đến quyền riêng tư và hoạt động của cộng đồng biên tập viên Wikipedia.

Hình minh họa. Ảnh: The Guardian

Hình minh họa. Ảnh: The Guardian

Theo tờ The Guardian ngày 8/5, Wikimedia Foundation - tổ chức vận hành bách khoa toàn thư mở Wikipedia - đã phản đối việc trang web này bị xếp vào nhóm “dịch vụ loại 1” theo quy định mới của Đạo luật An toàn Trực tuyến (Online Safety Act - OSA). Đây là nhóm các nền tảng chịu sự giám sát chặt chẽ và nghĩa vụ pháp lý nghiêm ngặt nhất, bao gồm yêu cầu xác minh danh tính người dùng và biên tập viên.

Wikimedia cho rằng quy định này không phù hợp với mô hình hoạt động phi lợi nhuận, phi thương mại và dựa vào cộng đồng của Wikipedia. Việc buộc phải xác minh danh tính người dùng có thể làm giảm quyền riêng tư, đi ngược lại chính sách thu thập dữ liệu tối thiểu mà tổ chức theo đuổi trong nhiều năm.

Ông Phil Bradley-Schmieg, cố vấn pháp lý của Wikimedia, khẳng định: “Chúng tôi đang hành động để bảo vệ các tình nguyện viên của Wikipedia, cũng như khả năng tiếp cận toàn cầu và tính toàn vẹn của kiến thức miễn phí”.

Wikimedia không phản đối toàn bộ đạo luật, mà chỉ yêu cầu xem xét lại cơ chế xác định dịch vụ loại 1 - tiêu chí mà tổ chức này cho rằng quá rộng và thiếu rõ ràng. Theo quy định hiện hành, một nền tảng có thể bị xếp vào nhóm này nếu có sử dụng thuật toán điều hướng nội dung, cho phép chia sẻ hoặc hiển thị nội dung và thu hút lượng lớn người truy cập, bất kể đặc điểm hoạt động hay mục tiêu của nền tảng đó.

Tổ chức cảnh báo rằng nếu không thực hiện xác minh, họ sẽ phải tuân thủ quy định cho phép người dùng ẩn danh có quyền ngăn người khác chỉnh sửa hay xóa nội dung - điều có thể làm gia tăng hành vi thao túng và phá hoại thông tin trên Wikipedia.

Ngoài các lo ngại về kỹ thuật, Wikimedia cho rằng việc áp dụng quy định như hiện nay có thể đẩy cộng đồng biên tập viên tình nguyện vào nguy cơ bị theo dõi, rò rỉ dữ liệu hoặc bị trừng phạt bởi chính quyền ở một số quốc gia. Ông Bradley-Schmieg nhấn mạnh rằng quyền riêng tư là yếu tố cốt lõi trong việc bảo đảm an toàn và bảo vệ đặc quyền của người dùng.

Theo Đạo luật An toàn Trực tuyến, các nền tảng vi phạm nghĩa vụ có thể bị xử phạt tới 18 triệu bảng Anh (khoảng 22,5 triệu USD) hoặc 10% doanh thu toàn cầu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, dịch vụ thậm chí có thể bị chặn truy cập tại thị trường Anh.

Phản hồi về vụ việc, người phát ngôn Chính phủ Anh khẳng định: “Chúng tôi cam kết thực hiện Đạo luật An toàn Trực tuyến để tạo ra một thế giới trực tuyến an toàn hơn cho mọi người”. Tuy nhiên, giới chức từ chối đưa ra bình luận chi tiết do vụ việc đang trong quá trình xét xử tại tòa án.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/wikipedia-yeu-cau-xem-xet-dao-luat-an-toan-truc-tuyen-cua-anh-20250508213401202.htm
Zalo