WHO lại kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về nguồn gốc Covid

Tổ chức Y tế Thế giới ngày 30-12-2024 đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu để giúp hiểu rõ nguồn gốc của đại dịch Covid-19, 5 năm sau khi đại dịch bắt đầu tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho cư dân tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 15-5-2020

Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho cư dân tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 15-5-2020

Câu hỏi vẫn bỏ ngỏ sau 5 năm

Vào ngày 31-12-2019, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc ghi nhận thông tin về nhóm trường hợp “viêm phổi” từ thông cáo của cơ quan y tế tại Vũ Hán. Hơn 3 tuần sau, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa thành phố 11 triệu dân này.

Nỗi lo ngại về một loại virus lây lan nhanh chóng bao trùm khắp Trung Quốc nhưng ngay ở thời điểm đó, loại virus bí ẩn này đã vượt ra khỏi biên giới. “Trong những tuần, tháng và năm diễn ra sau đó, Covid-19 đã định hình cuộc sống và thế giới của chúng ta”, thông báo của WHO ngày 30-12-2024 cho biết.

Sau khi phần lớn thế giới đã thoát khỏi lệnh phong tỏa và hạn chế do đại dịch, vẫn còn nhiều câu hỏi về nguồn gốc của loại virus đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 triệu người, làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe và đảo lộn nền kinh tế toàn cầu. Và nhiều chuyên gia cho biết, sự thiếu minh bạch của Trung Quốc đã khiến việc tìm ra câu trả lời cho nguồn gốc của đại dịch trở nên khó khăn hơn.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu và quyền truy cập để chúng tôi có thể hiểu được nguồn gốc của Covid-19. Đây là một mệnh lệnh về mặt đạo đức và khoa học. Nếu không có sự minh bạch, chia sẻ và hợp tác giữa các quốc gia, thế giới không thể ngăn ngừa và chuẩn bị đầy đủ cho các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai”, WHO cho biết.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 31-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục bảo vệ cách xử lý dữ liệu Covid-19 của nước này. “Về vấn đề truy tìm nguồn gốc Covid-19, Trung Quốc luôn tuân thủ tinh thần khoa học, cởi mở và minh bạch, tích cực hỗ trợ và tham gia vào hoạt động truy tìm khoa học toàn cầu, và kiên quyết phản đối mọi hình thức thao túng chính trị”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh cho biết.

“Trung Quốc đã chia sẻ nhiều dữ liệu và kết quả nghiên cứu nhất về vấn đề truy tìm nguồn gốc Covid-19 và đã có đóng góp lớn nhất cho hoạt động nghiên cứu truy tìm toàn cầu”, bà Mao Ninh nói thêm.

Vì một tương lai khỏe mạnh hơn

Nguồn gốc của đại dịch đã trở thành chủ đề được giới khoa học giám sát chặt chẽ cũng như các cuộc tranh luận chính trị gay gắt, với nhiều ý kiến chia rẽ chủ yếu về việc liệu nó có bắt nguồn từ sự lây lan tự nhiên từ động vật hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Nhân viên an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, vào tháng 2-2021

Nhân viên an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, vào tháng 2-2021

Nhiều nhà khoa học tin rằng loại virus này có nguồn gốc tự nhiên, trước khi lây từ động vật bị nhiễm sang người và lây lan qua một khu chợ ở Vũ Hán, mặc dù họ vẫn chưa xác định được vật chủ trung gian. Trong khi, nỗi hoài nghi virus corona bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm gần khu chợ vẫn tồn tại và được một số nhà nghiên cứu tán thành.

Việc tìm kiếm nguồn gốc của loại virus này ngay từ đầu đã gây ra rất nhiều tranh cãi và là nguồn chính gây căng thẳng chính trị. Mỹ và các nước phương Tây khác đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc không cung cấp dữ liệu gốc và đầy đủ - điều mà Bắc Kinh đã kịch liệt phủ nhận.

Thời điểm đó, Trung Quốc cũng đã phản hồi rằng họ đã cung cấp cho nhóm chuyên gia của WHO tất cả thông tin mà họ có về nguồn gốc của loại virus này “mà không che giấu bất kỳ trường hợp, mẫu bệnh phẩm hoặc kết quả xét nghiệm và phân tích nào”.

Trong nhiều năm, cơ quan y tế toàn cầu đã tìm cách tiếp cận kết quả xét nghiệm từ những người lao động tại chợ, cũng như các dữ liệu thô khác mà Trung Quốc đã thu thập được từ đầu đại dịch. Mãi đến năm 2023, ba năm sau khi đại dịch bắt đầu, WHO mới có quyền truy cập vào một số dữ liệu mà các nhà khoa học Trung Quốc đã thu thập được vào đầu năm 2020 tại Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán.

“Khi chúng ta đánh dấu cột mốc này, hãy dành một chút thời gian để tôn vinh những người đã mất, ghi nhận những người đang phải chịu đựng hậu quả của Covid-19 và Covid kéo dài, bày tỏ lòng biết ơn đối với những nhân viên y tế đã hy sinh rất nhiều để chăm sóc chúng ta và cam kết học hỏi từ Covid-19 để xây dựng một tương lai khỏe mạnh hơn”, thông báo mới nhất của WHO viết.

Theo CNN

Yên Vũ

Theo CNN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/who-lai-keu-goi-trung-quoc-chia-se-du-lieu-ve-nguon-goc-covid-post599942.antd
Zalo