WHO cử chuyên gia tới Vũ Hán điều tra nguồn gốc virus corona
Tiếp tục hoành hành ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 10 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 507.000 người trên toàn thế giới.
Số liệu trên được trang thống kê toàn cầu Worldometers cập nhật lúc 6h sáng ngày 30/6. Số bệnh nhân hồi phục đạt gần 5,65 triệu.
Mỹ vẫn đứng đầu danh sách với gần 2,7 triệu ca nhiễm, tăng thêm hơn 42.000 ca chỉ trong 24 giờ qua. Số tử vong xấp xỉ 129.000 người, tăng thêm hơn 330 trường hợp.
Brazil tiếp tục hứng chịu chết chóc. Trong ngày 29/6, nước này ghi nhận thêm 656 nạn nhân xấu số của Covid-19, nâng danh sách tổng lên 58.300 ca. Số bệnh nhân ở quốc gia Nam Mỹ tăng thêm gần 23.000 lên khoảng 1,4 triệu.
Tình trạng nhiễm mới tăng mạnh ở nhiều nơi thuộc châu Á, nhất là ở một số nước từng kiểm soát dịch thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, Ấn Độ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới, dẫn đến lo ngại Covid-19 có thể quay trở lại châu Á bằng một làn sóng lây nhiễm thứ 2 phức tạp và khó lường.
Trong khi đó, dịch bệnh châu Âu tiếp tục giảm bớt nên dễ dàng nới lỏng biện pháp phòng dịch, từng bước mở cửa biên giới và khôi phục các hoạt động kinh tế.
Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp
Ngày 29/6, Trung tâm Xử lý Tình hình dịch Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan thông báo kéo dài sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng nữa cho tới cuối tháng 7.
Quyết định được đưa ra tại cuộc họp toàn thể của CCSA dưới sự chủ trì của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. CCSA cho biết, sắc lệnh lẽ ra sẽ hết hạn vào 30/6 nhưng cần được kéo dài vì Thái Lan sẽ mở cửa tất cả các loại hình kinh doanh, cho phép người dân đi lại nhiều hơn và tái mở cửa các trường học từ ngày 1/7.
Trong khi đó, ở nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, các nhà chức trách vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh và từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường. Nhiều quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục tiến trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
WHO cử chuyên gia tới Vũ Hán điều tra
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc trong tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus gây Covid-19, nhằm phòng chống đại dịch tốt hơn.
Người đứng đầu WHO không nêu chi tiết, cũng không nói cụ thể về thành phần nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc và nhiệm vụ của họ. Từ đầu tháng 5, WHO đã thúc ép Trung Quốc mời các chuyên gia của tổ chức này tới giúp điều tra nguồn gốc virus.