WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống y tế
Đây là chia sẻ của TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Chia sẻ trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học "Bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19", do Viện Pasteur TP HCM tổ chức tại TP HCM.
Theo TS Angela Pratt, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, cùng với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống y tế, đòi hỏi phải có các giải pháp linh hoạt, kết hợp với chính sách và nguồn lực phù hợp. "Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi cách sống và làm việc của hàng triệu người mà còn tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho hệ thống y tế toàn cầu. COVID-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của sức khỏe cộng đồng, đồng thời nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm" - TS Angela Pratt nói. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, như sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việt Nam không phải là ngoại lệ, đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc kiểm soát các dịch bệnh này. Việc ứng phó hiệu quả đòi hỏi một hệ thống y tế linh hoạt, đi kèm với các chính sách và nguồn lực phù hợp.
TS Pratt cũng nhấn mạnh COVID-19 là một minh chứng rõ ràng cho khả năng ứng dụng công nghệ trong y tế. Mặc dù, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong ứng phó với đại dịch, nhưng hệ thống y tế vẫn còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt là trong công tác dự báo, giám sát và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm quy mô lớn. Để vượt qua những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các ngành liên quan. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống y tế, đồng thời xây dựng và triển khai các giải pháp phòng chống, kiểm soát bệnh truyền nhiễm hiệu quả hơn trong tương lai.