Thu hoạch lúa trời cho
Thu hoạch lúa hè thu xong, cánh đồng bị bỏ hoang qua những tháng mùa mưa. Từ gốc rạ ra lúa tái sinh, nông dân vãi vài ký phân để lúa trổ đòng, không đầu tư cày bừa, gọi là lúa trời cho.
Nông dân tranh thủ thu hoạch lúa này, tận dụng rơm rạ làm thức ăn cho bò. Cùng với đó họ cày ải sớm, vùi gốc rạ, diệt trừ mầm bệnh trên cánh đồng.
Kiếm thêm thu nhập
Trên cánh đồng thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nhiều nông dân khom lưng dùng câu liêm cắt lúa bó chở về nhà. Ông Trương Văn Trung đang thu hoạch lúa chia sẻ: Ruộng cạnh sông Trà Bương được bồi đắp phù sa nên năm nay được mùa lúa trời cho. Trung bình 1 sào cắt tuốt được 2 bao lúa tươi (100kg), bán với giá 5.000 đồng/kg. Gia đình tôi có 2 sào, bán lúa được 1 triệu đồng. Tháng mưa tháng gió không làm gì ra tiền, có thêm số tiền đó đối với người nông dân là mừng lắm. Ngày công cắt lúa bù qua rơm rạ làm thức ăn cho bò.
Đám lúa của bà Nguyễn Thị Linh ở thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) gié dài, hạt sáng, ai qua lại cũng tưởng lúa tăng vụ (lúa vụ 3). “Thấy ruộng lúa lên xanh, gần trổ đòng tôi vãi thêm nửa thúng phân nuôi đòng nên gié dài, hạt sáng. Lúa trời cho vì không tốn công cày bừa, giống, thuốc bảo vệ thực vật mà bán kiếm tiền nên nông dân ai cũng mừng”, bà Linh nói.
Cũng theo bà Linh, cánh đồng liền kề nhưng một nửa diện tích dưới trũng được mùa lúa trời cho, còn phía trên đường ruộng cao nên gốc rạ ra gié lúa vài hạt thưa thớt, có đám không cho ra gié lúa.
Những ngày này, nhiều nông dân ở xã An Định (huyện Tuy An), tay cầm theo bao đựng lúa và câu liêm tranh thủ thu hoạch, chở lúa, rạ về nhà tránh mưa to ngập nước. Cánh đồng ven sông Kỳ Lộ hằng năm lụt bồi đắp phù sa, nhiều đám lúa trời cho phát triển tốt.
Cày ải sớm vùi gốc rạ
Theo nhiều nông dân, tranh thủ thu hoạch xong, nông dân cày vùi rơm rạ, xới đất để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Năm nay không lụt lớn, ông trời cho ăn lúa trời cho, còn mấy năm trước khi lúa trổ đòng thì ngập lụt, gié lúa tử đòng, nông dân phủi tay về không lại bỏ công dọn gốc rạ.
Hiện trên cánh đồng phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), nhiều nông dân đang đắp bờ giữ nước, cày ải sớm. Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho hay: Lúa vụ hè thu gặt bằng máy gặt đập liên hợp phơi rơm trên ruộng, rồi máy cuộn rơm quấn rơm bán tại ruộng. Năm nay rơm cuộn ít người mua, khi thu gom còn lại nhiều cuộn rơm tại đám.
Tôi đắp bờ giữ nước trong ruộng để ngập rơm rạ cho mau mục. Sau đó dùng máy cày loại lớn băm nát rơm cuộn còn sót lại, không phải tốn công hốt chất bờ. Lúa tái sinh từ gốc rạ cũ và lúa rụng lúc thu hoạch nảy mầm lên mạ xanh, phải cày ải sớm tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên cánh đồng.
Theo Sở NN&PTNT, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân, nông dân phải cày ải sớm để vùi gốc rạ khử chua đồng ruộng, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, đồng thời diệt mầm bệnh, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Cày ải, làm đất ải còn có tác dụng diệt cỏ dại và các mầm mống sâu bệnh còn lưu trú, tồn dư trên đồng ruộng, ngăn chặn chúng xuất hiện gây hại ở vụ đến. Vụ đông xuân đất được cày ải, cây lúa sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn, nhờ đó cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh là tiền đề cho năng suất cao.