Vượt qua nỗi đau - Gieo mầm hạnh phúc
Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp 'hồi sinh' nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một bộ phận cơ thể mình. Và 'món quà sự sống' của những người hiến tặng mô tạng trước khi qua đời không chỉ cứu sống những cuộc đời tưởng chừng như hết hy vọng mà còn gieo niềm tin vào cuộc sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng từ đó, rất nhiều kỳ tích đã được viết lên, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn 'cho đi là còn mãi'.
“Tôi biết ở thế giới bên kia, con trai tôi sẽ mỉm cười đồng ý hiến tạng cứu người, dù con đã ra đi nhưng con vẫn mãi như bông hoa đẹp, tỏa hương thơm cho cuộc đời”. Bố của chàng trai 18 tuổi vừa tặng lại trái tim, lá gan, 2 quả thận và giác mạc sau khi chết não để “hồi sinh” những cuộc đời mới nghẹn ngào khi nhắc đến con trai của mình.
Người bệnh 18 tuổi ở huyện Tam Nông bị tai nạn giao thông, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm. Do tình trạng tổn thương của người bệnh quá nặng, dù đã được các bác sĩ thực hiện các biện pháp cấp cứu hồi sức chuyên sâu, nỗ lực cứu sống nhưng đã không có kỳ tích xảy ra, người bệnh dần rơi vào tình trạng chết não. Khi biết không thể níu kéo sự sống cho con trai, dù đứng trước nỗi đau quá lớn nhưng gia đình của người bệnh đã quyết định hiến tặng các mô, tạng của người bệnh để “hồi sinh” những cuộc đời khác.
Từ tạng hiến của người bệnh, 1 quả thận được ghép ngay cho 1 người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ; thận còn lại cùng tim, gan và giác mạc được chuyển về kịp thời ghép cho các bệnh nhân đang chờ ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Mắt Trung ương.
“Cảm ơn gia đình người hiến tạng và các bác sĩ đã giúp tôi được “tái sinh” một lần nữa”, đó là lời chia sẻ chân tình của người bệnh Trần Xuân Lợi ở huyện Thanh Sơn sau khi được ghép thận từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông Lợi bị suy thận 7 năm, đến tháng 10/2024 thì được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối và có chỉ định chạy thận nhân tạo. Khi ấy, ông Lợi và gia đình rơi vào cảnh suy sụp tinh thần, mọi thứ trở nên đen tối khi sức khỏe ngày một kém, không thể lao động, làm việc bình thường.
Và rồi “phép màu” đã đến với ông Lợi và gia đình trong thời điểm tuyệt vọng nhất, đó là khi các bác sĩ tại Trung tâm Thận – Lọc máu thông báo có gia đình người bệnh chết não quyết định hiến tặng mô, tạng. Và thật may mắn, trong số rất nhiều người bệnh suy thận đăng ký chỉ có một mình ông Lợi có kết quả xét nghiệm phù hợp. Sau ghép thận, tình trạng người bệnh Trần Xuân Lợi tiến triển tốt. Hơn mười ngày sau khi ghép thận, sức khỏe người bệnh đã hồi phục, chức năng thận ổn định và được ra viện.
Ngày 25/12/2024, gia đình 2 người bệnh chết não (ở huyện Yên Lập và thị xã Phú Thọ) tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đồng lòng đưa ra quyết định hiến tạng của người thân để giúp nhiều người bệnh hiểm nghèo có cơ hội “hồi sinh”. Dưới sự điều phối trực tiếp của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, sự phối hợp của Trung tâm ghép tạng – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trung tâm Ghép mô và bộ phận cơ thể người – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Mắt trung ương, các tạng đã được đưa đến người nhận bao gồm: 4 thận ghép cho 4 người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; 2 tim và 1 gan ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 1 gan ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và 4 giác mạc được chuyển về Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương để ghép cho những người bệnh chờ ghép. Đến sáng 27/12/2024, những người được ghép mô, tạng từ 2 người bệnh chết não đều đang có tiến triển tốt.
Từ đầu năm đến nay, đã có 5 ca hiến tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ 5 người bệnh chết não hiến tạng đã gieo mầm sống, “hồi sinh” cuộc đời cho nhiều người không may mắc bệnh. Điều này đã khẳng định những hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động hiến ghép mô, tạng cũng như hoạt động của Tổ Tư vấn hiến tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Góp phần gia tăng nguồn tạng hiến, mở ra thêm nhiều cơ hội “hồi sinh” cuộc sống cho người bệnh hiểm nghèo và tạo nên những thay đổi tích cực, mang lại hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nhiều người bệnh.
Đối với thân nhân của những người hiến tạng đã ra đi mãi mãi, dù nỗi nhớ thương da diết, nỗi đau quặn thắt về sự mất mát, nhưng điều hạnh phúc và niềm tự hào, sự động viên, an ủi lớn nhất là người thân của mình vẫn hiện hữu trong cơ thể của người khác bằng những bộ phận được cấy ghép. Hiến tạng – nghĩa cử vô cùng cao đẹp, đáng trân trọng, lan tỏa thông điệp “cho đi là còn mãi”.