Chuyên gia hướng dẫn cách xử trí khi con xem phim 18+

Việc trẻ em vô tình xem được những nội dung nhạy cảm trên Internet là điều khó tránh khỏi trong thời đại số, nhiều cha mẹ đã lúng túng khi rơi vào tình huống này.

 Các bạn trẻ thuộc thế hệ Y, Z, Alpha tiếp cận những hình thức nội dung khác nhau. Ảnh: Đức Huy.

Các bạn trẻ thuộc thế hệ Y, Z, Alpha tiếp cận những hình thức nội dung khác nhau. Ảnh: Đức Huy.

Theo TS Nguyễn Thụy Anh, trong thời đại Internet, phụ huynh sẽ khó khăn hơn khi cố gắng kiểm soát mọi thứ con cái xem được. Vì vậy, tình huống cha mẹ bắt gặp con cái xem phim đồi trụy hoàn toàn ở lứa tuổi dậy thì có thể xảy ra trong các gia đình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ xây dựng một kết nối đủ mạnh với trẻ từ bé, họ vẫn có thể mở ra những cuộc đối thoại về những vấn đề nhạy cảm.

“Những cuộc trò chuyện cởi mở ngay từ khi trẻ còn nhỏ là nền tảng để giảm bớt xung đột ở tuổi dậy thì. Khi phát hiện con xem nội dung không phù hợp, cha mẹ hãy trao đổi một cách bình tĩnh và chuẩn bị tâm lý từ trước”, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ tại buổi ra mắt sách Thế hệ lo âu sáng ngày 4/1.

Những rủi ro từ thế giới số với trẻ nhỏ

Với thế hệ Alpha - những đứa trẻ sinh ra trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 - sự hiện diện của Internet, mạng xã hội, và các thiết bị thông minh như điện thoại di động và máy tính bảng đã tạo ra những tác động sâu rộng, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Bùi Thị Hải Yến, giảm tương tác xã hội là một hệ quả đáng kể khi trẻ đắm chìm trong thế giới số. Người sử dụng nhỏ tuổi ngày nay thường bị cuốn vào thế giới ảo, nơi những tin nhắn, hình ảnh và video thay thế cho các cuộc trò chuyện trực tiếp.

Thêm vào đó, thời gian sử dụng thiết bị thông minh kéo dài dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. “Giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề khi các nội dung trên mạng xã hội và trò chơi trực tuyến kích thích não bộ, khiến trẻ khó thư giãn và ngủ sâu. Việc thiếu ngủ không chỉ làm giảm khả năng học tập mà còn khiến trẻ dễ cáu gắt và mất tập trung. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em tiếp xúc thường xuyên với thiết bị công nghệ có nguy cơ cao mắc các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm”, chuyên gia tâm lý giáo dục Bùi Thị Hải Yến cho biết.

 Cuốn sách Thế hệ lo âu.

Cuốn sách Thế hệ lo âu.

Mặt khác, mạng xã hội với những hình ảnh hoàn hảo và chỉnh sửa quá mức đang tạo ra áp lực so sánh và mất tự tin ở trẻ, đặc biệt là ở các bé gái. Những bức ảnh với vòng eo lý tưởng hay gương mặt không tì vết khiến trẻ dễ cảm thấy bản thân không đạt chuẩn, từ đó phát sinh cảm giác tự ti và bất an. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn hình ảnh cơ thể, làm suy giảm lòng tự trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cá nhân.

Không chỉ dừng lại ở đó, các thiết bị thông minh còn có khả năng gây nghiện cao. Các nhà sản xuất ứng dụng thường thiết kế nội dung hấp dẫn để giữ chân người dùng, khiến trẻ em dễ dàng bị cuốn hút mà không tự thoát ra được.

Để đối mặt với những thách thức này, việc giáo dục trẻ em cách sử dụng công nghệ một cách lành mạnh và cân đối là cần thiết. Cha mẹ và nhà trường cần phối hợp để thiết lập giới hạn thời gian sử dụng thiết bị, khuyến khích các hoạt động tương tác xã hội thực tế, và nâng cao nhận thức cho trẻ về những nguy cơ tiềm ẩn từ thế giới số. Chỉ khi đó, thế hệ Z hay Alpha mới có thể tận dụng tối đa lợi ích từ công nghệ mà không bị cuốn vào những mặt trái đáng sợ của nó

Học cách kết nối với thế hệ Z và Alpha

Từ góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng một trong những tình huống nhạy cảm mà nhiều phụ huynh có thể gặp phải là phát hiện con xem phim đồi trụy, nội dung không phù hợp lứa tuổi. Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và không phản ứng thái quá. Phụ huynh nên xem đây là cơ hội để giáo dục, thay vì chỉ trích hay trừng phạt.

“Rủi ro từ môi trường số là điều khó có thể tránh khỏi. Điều quan trọng là phụ huynh cần xây dựng niềm tin để trẻ cảm thấy an tâm chia sẻ những vấn đề của mình”, TS Nguyễn Thụy Anh nói tại buổi ra mắt sách.

 TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Từ thực trạng trên, tác giả bộ sách Chào tiếng Việt đưa ra các giải pháp khác nhau tập trung vào việc xây dựng kết nối gia đình. Đầu tiên, truyền thống chung là một trong những yếu tố cần phải giáo dục cho trẻ từ nhỏ. Những bữa cơm gia đình vào cuối tuần, những buổi tối ngày Tết cùng nhau thức đến giao thừa, hay thậm chí là những buổi cùng nhau đọc sách, có thể trở thành những kỷ niệm đẹp và giúp gắn kết các thành viên. Điều này tạo ra một “vầng hào quang” giúp trẻ luôn cảm thấy gia đình là nơi an toàn để quay về.

Thay vì chờ đến khi xảy ra vấn đề mới tìm cách kết nối, phụ huynh cần xây dựng mối quan hệ gần gũi với con từ sớm. Trò chuyện hàng ngày, dù chỉ là những câu hỏi đơn giản như “Hôm nay con thế nào?”, có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Đối với các bậc phụ huynh bận rộn, việc dành thời gian chất lượng, thay vì số lượng, cũng là một cách hiệu quả.

Trong thời đại số, việc duy trì sự kết nối với con đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía cha mẹ. Bằng cách hiểu và đồng cảm với con, đồng thời xây dựng các giá trị gia đình bền vững, phụ huynh có thể giúp con vượt qua những cám dỗ của thế giới ảo, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp và phát triển một cách toàn diện.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/phu-huynh-nen-lam-gi-khi-bat-gap-con-xem-phim-doi-truy-post1522708.html
Zalo