Vượt qua nỗi ám ảnh ngày Tết
Nghĩ đến việc phải đối mặt với những cuộc tụ họp và các câu hỏi về sự nghiệp, cuộc sống cá nhân, nhiều người cảm thấy gánh nặng hơn là vui vẻ khi nói đến những ngày Tết.
Một tháng trước Tết, Trần Hào (31 tuổi) vẫn chưa mua vé máy bay về quê ăn Tết. Chàng trai quê Quảng Bình và đang làm việc tại một công ty trong mảng giáo dục ở TP.HCM. Lý do Hào chưa mua vé là vì chưa nhận được tiền thưởng cuối năm và quan trọng hơn là không còn cảm thấy hào hứng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
"Năm nay tôi hơn 30 tuổi và như nhiều bạn bè bằng tuổi khác, tôi sợ đối mặt với những câu hỏi như: Người yêu đâu? Bao giờ lấy vợ? Lương tháng bao nhiêu?", Hào chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Đã lập gia đình và sinh con, Phương Nhi (30 tuổi) lại có những nỗi sợ riêng khi nghĩ về ngày Tết. Cô nói lo nhất là vấn đề tiền bạc, sau đó là đến những cuộc tụ tập ngày này qua ngày khác.
"Đi làm cả năm đã đủ mệt rồi, ngày nghỉ tôi chỉ muốn ở nhà nằm ngủ, nghỉ ngơi chứ không phải suốt ngày lo nấu ăn, rửa bát", cô cho hay.
Ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, Tết Nguyên đán vốn tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình, thời điểm nhìn lại những nỗ lực trong năm cũ và đặt hy vọng về một năm mới hạnh phúc, thịnh vượng hơn. Nhưng xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh hơn cùng các giá trị thay đổi đã phần nào làm biến đổi ý nghĩa của ngày Tết.
Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, lễ hội từng được mong đợi một thời đã trở thành thời điểm đầy áp lực, làm nảy sinh hiện tượng được gọi là "nỗi ám ảnh năm mới". Khi bước vào tuổi trưởng thành, mọi người nhận ra lễ Tết mang đến nhiều thách thức mới, từ việc trở thành người cho thay vì người nhận bao lì xì cho đến chuyện phải đối mặt với áp lực hôn nhân, xây dựng sự nghiệp.
Sự căng thẳng tinh thần do kỳ vọng của xã hội, áp lực kinh tế và "nỗi ám ảnh Tết" có thể phủ bóng đen lên dịp lễ vui vẻ một thời của giới trẻ.
Lý thuyết về xung đột tránh tiếp cận của nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức Kurt Lewin cung cấp cái nhìn sâu sắc về hiện tượng này. Trong khi giới trẻ khao khát sự ấm áp, niềm vui của những buổi họp mặt cũng như tìm kiếm bầu không khí hỗ trợ, hòa nhập, họ có thể cảm thấy choáng ngợp trước sức nặng của những kỳ vọng của gia đình. Nhiều người trẻ sợ rằng bản thân không thể đáp ứng được những mong đợi của người lớn tuổi về sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.
Mạng xã hội cũng khuếch đại nỗi lo lắng liên quan đến áp lực hôn nhân, so sánh thu nhập và chi tiêu quá mức, góp phần phá vỡ vùng an toàn của giới trẻ, gây ra cảm giác sợ hãi.
Nhà tâm lý học lâm sàng Amanda Li Chiu-Ming, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội StoryTaler, nói với SCMP rằng các bài đăng và quảng cáo trên Instagram đều nói về việc mọi người có một Tết Nguyên đán vui vẻ, lên kế hoạch cho các bữa tiệc, buổi tụ họp. Điều này khiến những người đã căng thẳng càng trở nên hoảng loạn hơn.
"Nếu thấy bạn bè đang ăn tiệc cùng gia đình, trông có vẻ vui vẻ, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp nếu mình không có điều đó. Nhưng hãy nhớ rằng Instagram chỉ hiển thị khía cạnh vui vẻ".
Để vượt qua "nỗi ám ảnh ngày Tết", chuyên gia tâm lý đề xuất những giải pháp sau:
1. Cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc khác nhau nảy sinh trong lễ hội: "Không sao nếu bạn không cảm thấy vui vẻ, không sao nếu bạn vừa yêu vừa ghét lễ hội, không sao nếu bạn cảm thấy vừa vui vừa khó chịu. Hãy cho phép bản thân cảm nhận những điều khác biệt này - chúng là điều bình thường và nên được chia sẻ", Li nói.
Chỉ vì lễ Tết thường được cho là thời điểm vui vẻ, không có nghĩa là chúng ta phải cảm thấy vui vẻ. Tất cả chúng ta có những câu chuyện, trải nghiệm khác nhau, hoàn toàn dễ hiểu khi mỗi người có những cảm xúc riêng biệt.
2. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về một buổi họp mặt gia đình, hãy tìm sự hỗ trợ. ''Chia sẻ mối lo ngại của bạn với một thành viên gia đình thân thiết hiểu được hoàn cảnh của bạn và cho họ biết nếu nó trở nên quá sức chịu đựng. Hoặc nhắn tin cho một người bạn thân trong suốt sự kiện".
3. Giảm thời gian lướt mạng xã hội: "Nếu Instagram khiến bạn cảm thấy quá tải, đừng xem nó nữa", chuyên gia đưa ra lời khuyên.
4. Với những câu hỏi kém duyên, hãy nhớ rằng bạn có quyền từ chối trả lời. Nếu bạn nghĩ mình có thể phải đối mặt với những câu hỏi khó chịu, hãy chuẩn bị trước câu trả lời. Một câu hỏi trực tiếp từ họ hàng về số tiền bạn kiếm được có thể bị chuyển hướng bằng câu nói "Tôi đủ sống" hoặc "Tốt hơn mức đủ sống". Còn nếu không muốn trả lời, bạn có thể lịch sự nói: "Tôi chưa sẵn sàng để nói về điều đó ngay bây giờ".