'Vượt ngàn chông gai', kinh tế năm 2024 về đích ngoạn mục

Vượt mọi dự báo, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,09% trong năm 2024, cả 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cả lượng và chất của nền kinh tế đều được cải thiện tích cực.

Mức tăng trưởng 7,09 % của nền kinh tế trong năm 2024 - như mục tiêu phấn đấu mà Chính phủ đặt ra, đã vượt mọi dự báo của các tổ chức quốc tế cùng mục tiêu mà Quốc hội quyết nghị. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Mức tăng trưởng 7,09 % của nền kinh tế trong năm 2024 - như mục tiêu phấn đấu mà Chính phủ đặt ra, đã vượt mọi dự báo của các tổ chức quốc tế cùng mục tiêu mà Quốc hội quyết nghị. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Vượt chông gai, về đích ngoạn mục

Vượt mọi dự báo và vượt qua nhiều chông gai, thử thách, kinh tế Việt Nam năm 2024 đã “về đích ngoạn mục”. Không chỉ là 14 chỉ tiêu như dự báo trước đó, hay chỉ là “khả năng” nữa, mà chính thức cả 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Đáng chú ý nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Với việc nỗ lực vượt bậc để đạt mức tăng trưởng 7,55% trong quý cuối cùng của năm, tăng trưởng GDP của nền kinh tế cả năm 2024 đã đạt 7,09% - như mục tiêu phấn đấu mà Chính phủ đã đặt ra, vượt mọi dự báo của các tổ chức quốc tế và vượt cả mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị.

“Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và trong nước, kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã nói như vậy.

Điều quan trọng, với mức tăng trưởng trên 7%, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2024 đã tăng lên 476,3 tỷ USD. Theo đó, GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.

GDP bình quân đầu người là mục tiêu duy nhất mà cách đây ít tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo khó đạt mục tiêu đề ra. Thời điểm đầu tháng 9/2024, khi dự báo kinh tế 2024, chuẩn bị xây dựng kế hoạch 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Chính phủ rằng, GDP bình quân đầu người có thể chỉ đạt 4.647 USD, xấp xỉ mức mục tiêu. “Nếu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%, thì mục tiêu này sẽ đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói vào thời điểm đó.

Và hiện giờ, khi số liệu thống kê chính thức được công bố, có thể thấy, sau nhiều nỗ lực, nền kinh tế đã đạt và vượt mọi chỉ tiêu đề ra. Thậm chí, không chỉ là về lượng, mà cả về chất, các chỉ số đều cải thiện rõ.

Hôm nay (8/1), theo kế hoạch, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương để bàn các giải pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đây là cơ hội để tất cả cùng tìm ra “chìa khóa” cho sự tăng tốc, bứt phá của nền kinh tế, làm sao đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%.

Một ví dụ, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023). Nếu theo giá so sánh, thì năng suất lao động đã tăng 5,88% so với năm 2023, vượt mục tiêu đề ra (4,8-5,3%).

Ngoài các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên, rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng có thể chứng minh kinh tế năm 2024 đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Chẳng hạn, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng 3,63%, chứng tỏ kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục 25,35 tỷ USD; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 786 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023, trong đó riêng xuất khẩu vượt mốc trên 405 tỷ USD…

Kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Ảnh: Đ.T

Kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Ảnh: Đ.T

Tăng tốc, tạo đột phá

Kinh tế năm 2024, như lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã đạt được những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tạo cơ đồ, vị thế, thời cơ, cơ hội để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Trong nỗ lực chung đó, có thể nói, nhiều địa phương đã có sự nỗ lực rất lớn để tăng tốc, bứt phá, nhất là các địa phương động lực như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương… Các địa phương này đã đạt mức tăng trưởng GRDP cao trong năm 2024.

Cao nhất, giữ vị trí quán quân về tăng trưởng GRDP năm nay là Bắc Giang, với con số lên tới 13,85%. Trong khi đó, Hải Phòng tăng trưởng 11,01%. Tuy chỉ đứng thứ 3 cả nước, sau Thanh Hóa - với mức tăng trưởng là 12,16%, nhưng đây đã là năm thứ 10 liên tiếp, Hải Phòng duy trì mức tăng trưởng 2 con số, một thành tựu không dễ đạt được.

“Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, đặt dấu mốc là năm đầu tiên Thành phố bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu hoàn thành sớm hơn dự kiến, vượt mức kế hoạch đề ra”, ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng nói.

Không chỉ các địa phương trên, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đạt tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2024. TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,17%, tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi tích cực. Trong khi đó, Đà Nẵng tăng trưởng 7,51%. Con số ở Hà Nội là tăng 6,52%; Nghệ An tăng 9,01%...

Ngay cả Bắc Ninh, tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 6,03%. “Tỉnh bước vào năm 2024 với bộn bề khó khăn, khi năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh âm sâu nhất cả nước (âm 9,27% - PV). Nhưng năm nay, chúng tôi đã hoàn thành được 19/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh hồ hởi nói.

Chính sự nỗ lực của các địa phương đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế tăng tốc, bứt phá trong năm 2024.

Đón tin mừng của kinh tế năm 2024 cũng là lúc năm 2025 đã bắt đầu. Đây chính là năm mà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, là phấn đấu tăng trưởng GDP đạt mức 2 con số, đặc biệt là các địa phương động lực phải tăng trưởng cao, đạt mức 2 con số.

Trọng trách đã được giao, nhiều địa phương đang quyết tâm đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2025. TP.HCM cũng xác định tập trung mọi nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%.

“Để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, có nhiều việc phải làm. Đó là tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng, các ngành, các địa phương động lực, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vuot-ngan-chong-gai-kinh-te-nam-2024-ve-dich-ngoan-muc-d239616.html
Zalo