Vượt khó ở các môn thể thao mới
Còn khá 'non trẻ' với lực lượng VĐV mới và phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, nhưng bằng sự nỗ lực từ công tác đào tạo trẻ, cho đến tinh thần thi đấu luôn hết mình vì màu cờ sắc áo, đội tuyển các bộ môn mới của thể thao Thanh Hóa có sự tiến bộ rõ rệt về chuyên môn, thành tích.
Tấm HCV môn kurash mà Hoàng Thị Tình - VĐV thuộc biên chế của Đội tuyển judo Thanh Hóa giành được tại SEA Games 30 - năm 2019 đã mở ra triển vọng phát triển môn võ thuật có xuất xứ từ khu vực Trung Á này.
Đội tuyển kurash Thanh Hóa được thành lập từ tháng 5/2021 với vỏn vẹn 6 VĐV, chủ yếu là các gương mặt trẻ được điều động từ một số bộ môn khác chuyển sang. Giai đoạn đầu có thể xem là khó khăn nhất khi lực lượng còn mỏng, đội ngũ ban huấn luyện cũng hoàn toàn mới. Dù vậy, với chủ trương đầu tư dài hơi cho bộ môn này, số lượng VĐV của kurash Thanh Hóa đã tăng lên theo từng năm với 10 VĐV vào năm 2022 và 12 VĐV vào năm 2023 ở cả ba tuyến năng khiếu, trẻ và đội tuyển. Ban huấn luyện cũng rất nỗ lực trong việc tìm kiếm, tuyển chọn các VĐV bổ sung cho đội tuyển kurash. So với các môn võ thuật phổ biến khác, nhiều người còn khá mơ hồ về môn kurash nên chưa hào hứng cho con em mình tham gia. Bằng sự kiên trì, quyết tâm, ban huấn luyện đã cơ bản xây dựng đủ chỉ tiêu VĐV năm 2024 là 16 VĐV đều rất trẻ tuổi.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vừa phải xây dựng lực lượng, vừa phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và chuẩn bị cho các giải đấu, Đội tuyển kurash Thanh Hóa đã bắt đầu có sự tiến bộ rõ rệt. Và năm 2024 được xem là năm đánh dấu bước trưởng thành của kurash Thanh Hóa khi các VĐV xuất sắc giành 2 HCV, 5 HCB, 3 HCĐ tại giải trẻ vô địch quốc gia lần thứ nhất. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực vượt khó và tiến bộ về chuyên môn của Đội tuyển kurash Thanh Hóa. Các gương mặt trẻ như Phạm Đức An, Lê Xuân Đại đều giành được HCV ở đúng lứa tuổi của mình và giành thêm huy chương khi được đôn lên thi đấu ở lứa tuổi cao hơn.
“Việc đưa các VĐV tham gia thi đấu ở hai nhóm tuổi giúp các em có điều kiện được thử sức ở nhiều cấp độ thi đấu khác nhau, qua đó không ngừng nâng cao chuyên môn và có thêm những kinh nghiệm thi đấu quý giá. Trong bối cảnh chưa có nhiều giải quốc gia, đây là giải pháp phù hợp của Đội tuyển kurash Thanh Hóa”, HLV Đội tuyển kurash Thanh Hóa Nguyễn Quỳnh cho biết.
Cũng là bộ môn mới hoàn toàn, đội tuyển bi sắt của tỉnh cũng phải bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh khi đây là môn thể thao còn khá xa lạ ở Thanh Hóa. Toàn bộ ban huấn luyện và các VĐV đều phải vừa học, vừa huấn luyện, tập luyện. Từ những VĐV được tuyển chọn đầu tiên, đến nay Đội tuyển bi sắt Thanh Hóa đã có 14 VĐV ở cả 3 tuyến. Kể từ khi thành lập vào tháng 1/2021 đến nay, đội tuyển chủ yếu tập trung cho công tác huấn luyện VĐV nhằm có sự chuẩn bị lâu dài hơn, hướng tới tương lai. Không đặt nặng thành tích, các VĐV của Thanh Hóa vẫn thể hiện sự cố gắng không ngừng khi được tham gia giải trẻ, giải vô địch quốc gia.
HLV Nguyễn Quý (Đội tuyển bi sắt Thanh Hóa) cho biết: Đây là môn thể thao đã rất quen thuộc tại các kỳ SEA Games và phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ban huấn luyện, các VĐV đều xác định sẽ phải cố gắng 200% - 300% và luôn động viên nhau. Năm 2022, đội chưa có thành tích nhưng tới năm 2023 đã giành được 1 HCB tại giải vô địch quốc gia, 1 HCĐ tại giải đồng đội quốc gia. Và năm 2024 Đội tuyển bi sắt Thanh Hóa đã giành 1 HCV, 2 HCĐ tại giải bi sắt vô địch trẻ, thiếu niên toàn quốc. VĐV Trịnh Đình Luân là cái tên đã đem về tấm HCV đầu tiên ở đấu trường quốc gia cho cho bi sắt Thanh Hóa. Thành tích này đã đem đến sự tự tin và động lực cho các VĐV tiếp tục cố gắng hơn nữa, sẵn sàng cho các giải đấu năm 2025 và đặc biệt là hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X.
Đấu kiếm là bộ môn Olympic, nhưng tại Thanh Hóa đội tuyển đấu kiếm Thanh Hóa lại là một trong số bộ môn mới được đầu tư. Dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn duy trì được “phong độ chuyên môn” cũng như thành tích ở đấu trường quốc gia. Việc đội tuyển đấu kiếm Thanh Hóa từng phải đi “mượn kiếm” để thi đấu ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 2017) không có gì lạ. Đến nay, dù đã được quan tâm mua sắm thêm kiếm phục vụ cho công tác huấn luyện, thi đấu, nhưng vẫn còn đó không ít khó khăn từ khâu tuyển chọn VĐV đầu vào cho tới công tác huấn luyện. Dù vậy, đến nay đấu kiếm được đánh giá là một trong số các bộ môn mới có chuỗi thành tích ổn định và không ngừng tiến bộ. Từ những tấm huy chương đầu tiên ở giải trẻ và giải U23 vào năm 2022, đấu kiếm Thanh Hóa đã lần đầu giành được HCV ở nội dung kiếm liễu hỗn hợp nam nữ tại giải vô địch quốc gia năm 2023.
Từ cột mốc này, Đội tuyển đấu kiếm Thanh Hóa đã không ngừng tiến bộ tại đấu trường quốc gia với chuỗi thành tích ấn tượng như vị trí thứ ba toàn đoàn tại giải vô địch đấu kiếm U23 quốc gia năm 2024 với kết quả 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ; giành 1 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ tại giải vô địch trẻ đấu kiếm quốc gia năm 2024; giành 1 HCV, 2 HCĐ tại giải vô địch quốc gia. Bên cạnh nội dung thế mạnh đồng đội hỗn hợp (nam - nữ) kiếm liễu, đấu kiếm Thanh Hóa đã trình làng nhiều gương mặt triển vọng như Ngân Quốc Kiệt, Lê Thị Hoài Thương, Nguyễn Hoàng Sơn...
Nỗ lực vượt khó và sự linh hoạt, sáng tạo là chìa khóa đem tới sự tiến bộ mạnh mẽ cho các bộ môn mới. Thành công ấn tượng của một số bộ môn mới khác như jujitsu, các đội tuyển được đầu tư mới trở lại như wushu, võ cổ truyền, xe đạp... được xem là cú hích để thể thao Thanh Hóa sẵn sàng cho những mục tiêu mới trong năm 2025 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X - năm 2026.