Vượt khó làm kinh tế

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng được sự tiếp sức hỗ trợ của chính quyền địa phương nên nhiều gia đình trẻ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng khó huyện Đam Rông luôn ý thức vươn lên trong lao động sản xuất. Đây là động lực tinh thần to lớn giúp đồng bào vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình…

Nhờ vượt khó lao động sản xuất, gia đình anh K’Nghị ổn định cuộc sống

Nhờ vượt khó lao động sản xuất, gia đình anh K’Nghị ổn định cuộc sống

Anh Liêng Jrang K’Nghị (sinh 1994) và vợ là Kră Jăn K’Bình (sinh 1995), người dân tộc K’Ho ở thôn Đa Tế, xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông là một trong những cặp vợ chồng được chính quyền địa phương đánh giá là gia đình trẻ luôn ý thức vượt khó phát triển kinh tế. Anh Liêng Jrang K’Nghị chia sẻ: Năm 2017, anh lập gia đình với chị Kră Jăn K’Bình và sống cùng gia đình vợ được 1 năm rồi ra ở riêng. Do không có vốn liếng làm ăn, nên những ngày đầu ra ở riêng, vợ chồng anh luôn trăn trở, băn khoăn về định hướng phát triển kinh tế. Được bố mẹ anh hỗ trợ 50 triệu đồng cùng số tiền vay mượn họ hàng, vợ chồng anh K’Nghị đã xây căn nhà cấp 4 với diện tích 60 m2. Bên cạnh đó, với 6,5 sào đất sản xuất được gia đình vợ chia cho và số tiền tích lũy của vợ chồng mua được, anh K’Nghị đã bàn với vợ chuyển đổi 2,5 sào đất kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm thực hiện theo phương châm “lấy ngắn, nuôi dài” để đầu tư phát triển cây cà phê; đồng thời, tận dụng khoảnh đất trống gần nhà xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn đen, nuôi dê lai và đàn gia cầm.

Anh Liêng Jrang K’Nghị bày tỏ: “Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 1 sào lúa nước và vài sào cà phê nên rất chật vật, khó khăn. Từ năm 2022, gia đình anh nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước thông qua các mô hình sinh kế như: hỗ trợ đàn dê giống, dụng cụ nuôi tằm. Ngoài ra, gia đình còn tích cực tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng dâu, nuôi tằm và phát triển kinh tế…”.

Cũng theo vợ chồng anh K’Nghị, để đàn vật nuôi phát triển ổn định, gia đình anh luôn thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, định kỳ hàng tuần, hàng tháng làm vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường… Mặc dù, mô hình chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, nhưng đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập ổn định đời sống.

Do diện tích chuồng trại khá khiêm tốn nên gia đình anh K’Nghị chỉ nuôi 1 con lợn nái và lợn đực giống, bình quân mỗi năm cung cấp 16 con lợn giống cho bà con trong vùng. Còn về đàn dê, sau gần 2 năm nuôi từ 6 con dê giống ban đầu, đến nay, đã phát triển 12 con, vừa qua, gia đình đã xuất bán 4 con để trang trải cuộc sống sinh hoạt gia đình. “Từ trồng trọt, chăn nuôi, nhất là từ nuôi tằm, đến nay, kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn. Để thuận lợi trong việc nuôi tằm, vừa qua, gia đình tôi đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà nuôi tằm có diện tích trên 30 m2”, chị Kră Jăn K’Bình nói.

Với sự đồng cam cộng khổ và biết chia sẻ để quyết tâm thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn; đến nay, cuộc sống gia đình anh K’Nghị dần được ổn định và trở thành một trong những gia đình trẻ điển hình về ý thức, nỗ lực vượt khó trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã Đạ M’rông.

Chị Ma Rương - cán bộ khuyến nông Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm Đạ M’rông cho biết: “Vợ chồng anh Liêng Jrang K’Nghị và Kră Jăn K’Bình là đôi vợ chồng trẻ thuần nông như bao gia đình khác, nhưng họ luôn chịu khó học hỏi vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Nhờ kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, đến nay, đời sống kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Đây có thể xem là gia đình trẻ tiêu biểu có tinh thần vượt khó làm kinh tế của xã cần được nhân rộng cho bà con ở địa phương noi theo”.

LAM PHƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202411/vuot-kho-lam-kinh-te-0f7378a/
Zalo