Hiệu quả thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở

Trong hơn10 năm qua, triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp tặng sách về pháp luật cho phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định).

Sở Tư pháp tặng sách về pháp luật cho phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định).

Ngay khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2014), UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn Luật và thực hiện các đề án về công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện của địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng các văn bản, phối hợp với các huyện, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tỉnh xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuẩn bị các tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ, tài liệu hỗ trợ, tham khảo. Trong 10 năm qua, Sở đã tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 720 hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền lưu động các nội dung về pháp luật hòa giải ở cơ sở và các đề án liên quan cho hơn 79 nghìn lượt cán bộ, hòa giải viên cơ sở. Bên cạnh đó, Sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức hội nghị trực tuyến với khoảng 300 điểm cầu bồi dưỡng pháp luật về hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở; biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở và đề nghị Phòng Tư pháp các huyện, thành phố hướng dẫn cán bộ, công chức, hòa giải viên trên địa bàn nghiên cứu, áp dụng; tổ chức phát hành hàng nghìn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở; xây dựng chuyên mục hỏi đáp pháp luật, bản tin tư pháp, sổ tay pháp luật...; biên tập các tin, bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Hằng năm Sở Tư pháp còn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức từ 5 đến 10 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên của các địa phương; phối hợp với Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức ký kết mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến pháp luật và hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ, hội viên theo các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành.

UBND các huyện, thành phố đã giao Phòng Tư pháp phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuẩn bị tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ, tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên và mạng lưới tuyên truyền viên; phát tờ rời, tờ gấp, sổ tay, sách pháp luật trong các cuộc họp của thôn, xóm, tổ dân phố; tổ chức tổng kết thi đua công tác hòa giải của các đơn vị và các hội, đoàn thể. Huyện Trực Ninh là một trong những đơn vị tiêu biểu trong công tác tuyên truyền thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Ngay sau khi Luật và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung văn bản luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hòa giải, gồm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các xã, thị trấn; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận; tổ trưởng tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật. Phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể tích cực tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở thông qua các hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt thường kỳ và tích cực tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác hòa giải thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, kỹ năng thực hiện công tác hòa giải. Trong 10 năm qua, huyện Trực Ninh đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về dân sự, hành chính, đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo và tập huấn nghiệp vụ cho hơn 450 lượt người tham dự là lãnh đạo các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, báo cáo viên pháp luật, trưởng thôn, tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải. Các xã, thị trấn đã tổ chức hơn 300 hội nghị, sinh hoạt tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho trưởng thôn, tổ trưởng khu dân cư, trưởng ban công tác Mặt trận, hòa giải viên cơ sở. Nhờ tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn trong 10 năm qua các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận hàng nghìn vụ hòa giải, các vụ việc hòa giải thành chiếm tỷ lệ 80,6%.

Đồng chí Dương Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để Luật Hòa giải ở cơ sở được thực hiện hiệu quả, ngoài công tác tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, hàng năm, Sở còn tích cực hưởng ứng các hoạt động do Bộ Tư pháp phát động như tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc; khuyến khích các địa phương, các tổ chức đoàn thể kiện toàn tổ hòa giải, thành lập mới các tổ hòa giải ở cơ sở. Sau 10 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 2.100 tổ hòa giải ở cơ sở với hơn 14 nghìn hòa giải viên, trong đó thành viên tổ hòa giải là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên ban công tác Mặt trận và đại diện của các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên... Trong 10 năm qua, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận giải quyết hơn 16 nghìn vụ việc, trong đó hòa giải thành hơn 11.400 vụ việc, đạt tỷ lệ 70,6%... giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu kiện vượt cấp góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hòa giải cơ sở, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tích cực mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, làm tốt công tác phối hợp tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở; xây dựng và mở rộng các mô hình hòa giải hoạt động có hiệu quả; tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Bài và ảnh: Ngọc Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202411/hieu-quathuc-hien-luat-hoa-giai-o-co-so-01f1e80/
Zalo