Vượt khó, làm giàu trên đồng đất quê hương

Vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách, với ý chí kiên định, nghị lực bền bỉ của người lính được rèn luyện trong quân đội, cựu chiến binh (CCB) Trương Văn Khoa, xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa) đã thành công với hướng đi của mình, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế.

CCB Trương Văn Khoa là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Ảnh: Tố Phương

CCB Trương Văn Khoa là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Ảnh: Tố Phương

Tới thăm mô hình kinh tế của CCB Trương Văn Khoa theo lời giới thiệu của Hội CCB huyện Thiệu Hóa, đón chúng tôi bằng nụ cười hiền của người lính, CCB Trương Văn Khoa chia sẻ về những ngày tháng gây dựng cơ nghiệp của mình: “Năm 1982, sau khi rời quân ngũ, tôi trở về sinh sống cùng gia đình tại địa phương. Mặc dù đã làm đủ nghề, lăn lộn đủ việc nhưng cuộc sống gia đình chẳng dư giả gì. Trên mảnh đất thuần nông cha ông để lại, làm gì để tạo ra sản phẩm cho thu nhập cao luôn là điều tôi trăn trở. Sau nhiều năm bươn chải kiếm sống, tôi nhận thấy muốn thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp thì phải nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tôi quyết định khởi nghiệp từ chính đồng đất địa phương”.

Cách đây hơn chục năm, CCB Trương Văn Khoa là người đầu tiên trong xã đầu tư 360 triệu đồng để mua máy gặt lúa phục vụ bà con nông dân. Việc sử dụng máy gặt giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả thu hoạch lúa nên năm 2014, CCB Trương Văn Khoa mạnh dạn đứng ra thành lập HTX cơ giới hóa nông nghiệp do ông làm giám đốc. Từ một máy gặt ban đầu, ông tiếp tục vay vốn ngân hàng hơn 2,4 tỷ đồng mua thêm 4 chiếc máy gặt, trong đó chiếc đắt nhất trị giá 860 triệu đồng. Cùng với máy gặt, ông đầu tư máy cày, máy cấy, sản xuất mạ khay, bán phân bón, lúa giống... phục vụ bà con nông dân. Thời kỳ đầu số máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn ít nên ông Khoa làm ăn khá hiệu quả, được lãnh đạo UBND huyện Thiệu Hóa về thăm và đánh giá rất cao. Không chỉ phục vụ bà con trong xã, trong huyện, ông Khoa còn đi nhiều huyện khác trong tỉnh, đặc biệt qua phục vụ bà con tỉnh Thái Bình, ông đã liên kết và đưa máy gặt vào thu hoạch lúa ở một số tỉnh phía Nam.

Thấy ông làm ăn hiệu quả, chỉ vài năm sau đó, số máy phục vụ sản xuất nông nghiệp trong xã, trong huyện tăng lên, thu nhập giảm đi nên CCB Trương Văn Khoa nhanh chóng bán toàn bộ máy móc nông nghiệp và chuyển hướng làm ăn. Vẫn bám vào cái gốc rễ từ nông nghiệp, khi xã Thiệu Toán thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, ông Khoa bàn với vợ con và quyết định nhận 5ha đất nông nghiệp để thực hiện mô hình cá - lúa kết hợp. Thực hiện mô hình, ông chia thành từng khu riêng biệt như khu nuôi cá giống, khu nuôi cá thịt, khu cá - lúa kết hợp, khu nuôi vịt để tận dụng nguồn thức ăn cho cá. Để không bị thất bại, ông Khoa học hỏi kỹ thuật nuôi cá, đào đắp ao nuôi, mua đầy đủ máy bơm, máy sục khí, lưới... Cùng với việc bảo đảm nguồn nước, ông chọn mua cá từ các trại cá giống bảo đảm chất lượng, ít dịch bệnh để nuôi cá giống. Thấy cá giống dễ nuôi, nhanh lớn, ít rủi ro, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, cộng với kinh nghiệm ngày càng nhiều nên ông duy trì từ năm 2017 đến nay.

CCB Trương Văn Khoa chia sẻ: “Sau một thời gian nuôi cá giống, tôi lựa chọn những con khỏe mạnh nhất và khi lúa cách thời điểm thu hoạch khoảng một tháng thì tôi thả cá vào các ruộng lúa. Việc làm này vừa hạn chế côn trùng hại lúa vừa tận dụng được nguồn thức ăn phong phú ngoài tự nhiên cho cá, nhất là sau các vụ gặt lúa. Không chỉ tiết kiệm được chi phí mua thức ăn, thịt cá nuôi tự nhiên cũng thơm ngon hơn, được thị trường ưa chuộng nên bán được giá cao. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cá lấy thịt, tôi nuôi thêm 2.500 con vịt nhằm tận dụng nguồn thức ăn, giảm chi phí đầu tư nuôi cá để tăng thêm thu nhập”.

Là người ham học hỏi và luôn đi tiên phong trong phát triển kinh tế nên sau khi học được kinh nghiệm trồng sen ở tỉnh Long An, CCB Trương Văn Khoa đã mạnh dạn mua giống và thay thế toàn bộ hơn 2ha diện tích đất trồng lúa sang trồng sen để bán hoa sen, ngó sen, đài sen, hạt sen. Mô hình trồng sen trên đất lúa đã phát huy nhiều ưu điểm nổi bật như vốn đầu tư ít, dễ thích nghi với đất ruộng thấp, ít bị sâu bệnh, đầu ra ổn định, trồng một lần thu hoạch được nhiều vụ, lợi nhuận thu về khá cao nên ông duy trì nhiều năm nay. Từ công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ, bền bỉ, mô hình kinh tế của gia đình CCB Trương Văn Khoa đã cho quả ngọt với thu nhập mỗi năm từ 400 đến 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.

“CCB Trương Văn Khoa là một hội viên năng động, sáng tạo, nhạy bén trong phát triển kinh tế. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, CCB Trương Văn Khoa đã vượt qua khó khăn, xây dựng đời sống ngày càng khá giả. Ở tuổi “xế chiều”, dù có cuộc sống dư giả nhưng CCB Trương Văn Khoa chưa lúc nào ngừng đam mê với công việc, qua đó góp phần đưa phong trào CCB gương mẫu của xã ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả”, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Thiệu Toán, Lê Doãn Bao cho biết.

Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vuot-kho-lam-giau-tren-dong-dat-que-huong-239187.htm
Zalo