Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều giảm mạnh
Sau gần một tuần lực lượng chức năng áp dụng xử phạt vi phạm giao thông theo quy định tại Nghị định 168/2024, tại các ngã ba, ngã tư, tình trạng vượt đèn đỏ, lấn vạch, lấn làn, đi ngược chiều đã giảm mạnh.
Giao thông trật tự, an toàn hơn
Trong các khung giờ cao điểm sáng và chiều 6/1, PV Báo Giao thông có mặt trên nhiều tuyến phố khu vực nội thành Hà Nội và ghi nhận, lực lượng CSGT công an thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn kết hợp xử lý vi phạm theo quy định mới.
Tại ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, quận Cầu Giấy, nơi có mật độ phương tiện đông nhất là đầu giờ sáng và lúc tan tầm, khoảng 16h15 ngày 6/1, nhiều cán bộ của Đội CSGT đường bộ số 6 đã có mặt để làm nhiệm vụ.
Trực tiếp có mặt tại ngã tư này, trung tá Nguyễn Quốc Huy, Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết, sau gần một tuần triển khai Nghị định 168/2024, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Theo trung tá Huy, trước đây rất nhiều người vô tư vượt đèn đỏ, thậm chí đi ngược chiều ngay cả khi có sự hiện diện của lực lượng chức năng. Song những ngày gần đây, khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, trường hợp cố tình vi phạm gần như không còn.
Còn tại ngã 5 Ô Chợ Dừa - Xã Đàn, quận Đống Đa, Đội CSGT số 3 cũng điều một tổ công tác làm nhiệm vụ như thường lệ. Quan sát của PV, các phương tiện đều dừng ngay ngắn khi đèn tín hiệu bật màu đỏ, không xe nào lấn vạch dừng, nhốn nháo như thường thấy. Tình trạng xe lấn làn rẽ phải của phương tiện khác cũng chấm dứt.
Nhớ đời vì mức phạt nặng
Tại TP.HCM, ngày 3/1, tại giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng, quận 1, lực lượng CSGT phát hiện chị M (24 tuổi) vượt đèn đỏ khi rẽ trái. Sau khi được xem lại video bằng chứng, chị M chấp nhận mức phạt 5 triệu đồng (trước đây 800.000 - 1 triệu đồng). Với mức phạt này, chị M bày tỏ sẽ không bao giờ dám vi phạm thêm một lần nào nữa.
Trước đó, trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, anh H.M.T bị xử phạt 5 triệu đồng và trừ 2 điểm giấy phép lái xe do đi xe trên vỉa hè. Anh chia sẻ, đây là bài học lớn, chỉ vì không thấy lực lượng CSGT nên vẫn thường cố tình vi phạm.
Tại nhiều địa phương khác trên cả nước, tình hình cũng diễn ra tương tự khi gần như 100% người dân đều chấp hành nghiêm hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến phố.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an Hà Nội, trong gần một tuần áp dụng mức phạt mới, lực lượng chức năng toàn thành phố đã xử lý 3.329 trường hợp vi phạm, phạt tiền khoảng 8,5 tỷ đồng, tạm giữ là 983 phương tiện, tước 102 bằng lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe đối với 350 trường hợp...
Thượng tá Lê Văn Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, chỉ trong 4 ngày đầu, toàn thành phố đã xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 10 tỷ đồng.
Tiếp tục xử lý nghiêm kết hợp tuyên truyền
Sau một tuần áp dụng các mức phạt mới, CSGT Hà Nội khuyến cáo, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm rõ quy định, nâng cao ý thức tự giác chấp hành.
Một cán bộ làm nhiệm vụ nhìn nhận, đối với những lỗi bị tăng mức phạt theo quy định tại Nghị định 168/2024, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm gần như giảm hẳn. Tuy nhiên, một số hành vi vi phạm như chở hàng bằng xe tự chế, không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy trên vỉa hè… vẫn diễn ra. Với việc CSGT kiên quyết xử lý, chắc chắn nhiều người sẽ phải từ bỏ thói quen tùy tiện này.
Thượng tá Lê Văn Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM chia sẻ: "Nhiều người bày tỏ sự đồng tình với các biện pháp nghiêm ngặt, họ nhận thức được giao thông an toàn là lợi ích chung của cả xã hội, từ đó hạn chế vi phạm".
Tại Bắc Giang, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, sau gần 1 tuần, toàn tỉnh phát hiện, xử lý gần 2.300 nghìn trường hợp vi phạm. Cùng với xử phạt trực tiếp, CSGT còn rà soát toàn bộ dữ liệu camera giám sát giao thông để phạt nguội.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, CSGT còn lắp đặt biển báo phụ, thông báo mức phạt áp dụng đối với hành vi vượt đèn đỏ tại 99 nút giao, cụm đèn tín hiệu hiện có trên toàn tỉnh để người dân nắm rõ.
Tại Quảng Ngãi, tình hình vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn TP Quảng Ngãi và các địa phương lân cận như Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh… cũng có chuyển biến rõ nét.
Thượng tá Vũ Thanh Giang, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi thông tin, tại các nút giao có đèn tín hiệu người dân dừng phương tiện ngay ngắn, không dám vượt đèn đỏ. Các lỗi vi phạm khác như đi ngược chiều, đi xe trên vỉa hè giảm rất mạnh. Nhiều vị trí chốt trước đây người dân vi phạm cả chục trường hợp một ngày thì nay chỉ lác đác 1 hoặc 2 trường hợp.
Sáng 6/1, khi kiểm tra thực tế tại nút giao ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng và nút giao Ô Chợ Dừa (Hà Nội), đại tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT đánh giá, lực lượng CSGT Thủ đô trong gần một tuần qua đã rất nỗ lực, bước đầu tạo hình ảnh đẹp trên mỗi ngã ba, ngã tư.
Đại tá Phạm Quang Huy lưu ý, CSGT Hà Nội cần chọn những nút giao thông quan trọng, tạo điểm nhấn về hiệu quả thực hiện Nghị định 168/2024 và duy trì những nét đẹp văn hóa giao thông đang được định hình.
Ngoài ra, để duy trì các kết quả ban đầu, cần tập trung xử lý nghiêm các tài xế xe ôm, xe công nghệ chở hàng cồng kềnh, người đi xe đạp… Những người này thường viện lý do thu nhập thấp, là lao động phổ thông để vi phạm.
Tăng nặng nhiều mức phạt
Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ 1/1/2025. Nhiều lỗi sẽ bị tăng mạnh mức xử phạt như tài xế ô tô tham gia giao thông vượt đèn đỏ bị phạt 18-20 triệu đồng, gấp hơn 3 lần so với quy định trước. Tài xế vi phạm nồng độ cồn mức 0,25-0,4 mg/lít khí thở hoặc 50-80 mg/100ml máu bị phạt 18-20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng.
Đối với xe mô tô, lái xe vượt đèn đỏ, thay vì bị phạt 800.000 - 1 triệu đồng, thì từ 1/1/2025, lỗi này từ 4-6 triệu (tức gấp 5-6 lần).
Người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/lít khí thở sẽ bị phạt 6 - 8 triệu (tăng 2-3 triệu so với hiện hành).
Ngoài ra, một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp từ 3-30 lần so với hiện hành.
Không để người dân bị phạt oan
Sáng 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2024.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao hiệu ứng của quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ theo Nghị định 168/2024, đồng thời đề nghị quan tâm bảo trì hệ thống tín hiệu đèn giao thông.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, ý thức của người dân tốt hơn. Tuy nhiên, ngành chức năng cần phối hợp kiểm tra điều kiện kỹ thuật của hệ thống đèn tín hiệu, không để người dân bị phạt oan.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, qua theo dõi, hiệu ứng lan tỏa của Nghị định 168 đối với trật tự ATGT rất tích cực, ý thức tham gia giao thông của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, hệ thống tín hiệu giao thông có chỗ hoạt động chưa đảm bảo đúng quy định, còn trục trặc kỹ thuật. Do đó, ông đề nghị cơ quan chức năng quản lý, bảo trì hệ thống đèn giao thông xử lý sớm để có cơ sở xử lý nghiêm sai phạm.
Phát biểu tại phiên họp, thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp thu các ý kiến được thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại phiên họp.
P.Đô
Trừ tối đa 10 điểm bằng lái mỗi vi phạm
Theo Cục CSGT, để kế thừa những kết quả đạt được của Nghị định 100/2019 và quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm… kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, ban soạn thảo Nghị định 168 nhận thấy cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm.
Bên cạnh việc tăng mức xử phạt, cơ quan chức năng còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung là trừ điểm và tước bằng lái xe.
Theo đó, tùy theo tính chất vi phạm, lái xe sẽ bị trừ tối thiểu là 2 điểm và tối đa là 10 điểm đối với mỗi hành vi vi phạm. Đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, xâm phạm trật tự ATGT đường bộ, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tước ngay bằng lái, không quy định việc trừ tối đa 12 điểm như dự thảo trước đây.
Ví dụ đối với vi phạm nồng độ cồn, tài xế có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở sẽ bị trừ 4 điểm (quy định hiện hành là bị tước bằng 10-12 tháng). Tài xế có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/l khí thở sẽ bị trừ 10 điểm (quy định hiện nay là bị tước bằng 16-18 tháng).
Đáng chú ý, với mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất là vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở, lái xe bị tước ngay bằng lái 22-24 tháng và không quy định trừ điểm.
Theo Cục CSGT, giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển xe theo giấy phép đó.
Sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, tài xế được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, do CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
L.Hoàng