Vượt 'cơn gió ngược'

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định như những cơn gió ngược, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn là một bức tranh có nhiều điểm sáng, đánh dấu sự phát triển, vị thế của đất nước.

Nhận diện những “nốt trầm”

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nội tại và bên ngoài. Các chuyên gia tại HSBC nhận định: “Với nền kinh tế mở và hội nhập đa phương diện, không khó để hình dung kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều nốt thăng trầm”. Về các tác động bên ngoài, có thể thấy kinh tế thế giới đã trải qua một năm nhiều bất ổn, cùng những biến động khó lường. Căng thẳng địa chính trị kéo dài, xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược, các kịch bản xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng nhiều sự kiện kinh tế - chính trị khác đã khiến bức tranh kinh tế vốn đã phân hóa lại trở nên ngày càng phức tạp hơn.

Ở trong nước, khó khăn, thách thức đầu tiên có thể kể đến là phải xử lý những vướng mắc, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ nhiều năm qua, đồng thời phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh, đặc biệt là hậu quả của bão số 3 (bão Yagi). Tiếp đó là những “điểm nghẽn” về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Là tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các siêu cường; số doanh nghiệp phá sản, phải dừng hoạt động tăng cao, gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng... Những “nốt trầm” có thể kể ra, đó là Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nhất trước sự chậm lại trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ, cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển đến Hoa Kỳ từ “nền kinh tế trung gian”.

Theo thống kê, Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ. Đối với thị trường tiền tệ, dựa vào diễn biến giá thuận lợi hơn đặc biệt là giá dầu và giá hàng hóa, lạm phát đã cho thấy sự điều tiết đáng kể. Về tỷ giá, cặp tỷ giá USD-VNĐ tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường. Cũng như nhiều loại tiền tệ khác trong khu vực, ngoại tệ của các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều biến số khó lường, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và các căng thẳng địa chính trị khác. Về lãi suất, trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề khi điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, khi tỷ giá đứng trước áp lực tăng, chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia vẫn chưa chuyển hướng rõ rệt đặt ra rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, một trong những trụ cột còn lại là tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt.

Và những gam màu tươi sáng

Đứng trước những thách thức đó, với tinh thần nỗ lực vượt bậc “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “biến nguy thành cơ”, “thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, bám sát thực tiễn và yêu cầu phát triển để thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, chủ động nắm bắt và khai thác mọi thời cơ, cơ hội thuận lợi cho tăng trưởng và phát triển. Đồng thời, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo để làm tốt hơn công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, khẳng định sự phục hồi rõ nét.

Thành quả từ những quyết sách đó là số liệu cụ thể với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 ước tính đạt 7,09%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn từ năm 2011-2024. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước quý sau cao hơn quý. Chỉ số tăng này đã vượt xa chỉ số được Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo cho Việt Nam. Cụ thể: WB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đạt 6,1%; IMF dự báo 6,1%; ADB dự báo 6,4%; OECD dự báo 6,9%. Cũng nhờ chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng hiện tại, Việt Nam đã được đánh giá thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới. Các tổ chức đã đánh giá Việt Nam là nước ASEAN duy nhất nằm trong nhóm 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới và thuộc nhóm 5 nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện. Năng suất lao động ước tính tăng 5,98%, vượt mục tiêu đề ra là 4,8 5,3%. Chỉ tiêu GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người (tương đương 4.700 USD) tăng 377 USD so với năm 2023. Ngoài ra, chỉ số tự do kinh tế cũng tăng 13 bậc, xếp hạng thứ 59 thế giới. Công nghiệp, dịch vụ tiếp tục có đóng góp quan trọng vào giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Đồng thời, lạm phát được kiểm soát với mức tăng 3,63% so với năm 2023 và dưới mức mục tiêu Quốc hội đề ra (4 - 4,5%). Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, chính xác, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa điều hành lãi suất và tỷ giá. Chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng và hợp lý, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất điều hành được giữ ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm nhẹ (-0,5%) so với cuối năm 2023.

Một điểm sáng đáng ghi nhận nữa, đó là tổng thu Ngân sách nhà nước năm 2024 ước tính đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán; tăng 164,2 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10, 11/2024), tăng 16,2% so với thực hiện năm 2023. Kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng đạt những kỷ lục mới khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7% . Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần năm 2024 khoảng 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023. Tổng vốn FDI giải ngân ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay. Điều này cũng cho thấy các nhà đầu tư nhìn thấy rõ, Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể trong việc chuẩn bị, sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Đặc biệt, du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024 của đất nước, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Trong tháng 12/2024, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,75 triệu lượt người - tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người - tăng 39,5% so với năm trước.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Đường lớn đã mở, năm 2025 nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội lớn đi kèm thách thức từ chủ quan và khách quan. Năm nay, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, trong khi Chính phủ đặt dự kiến ít nhất 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo, để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Với những thành tựu kinh tế ấn tượng của năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục được các tổ chức dự báo tích cực.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm ngoái đã điều chỉnh tăng trưởng GDP của Việt Nam lên mức 6,6% so với mức 6,2% dự báo trước đó, là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực Ðông Nam Á. Theo ADB, GDP của Việt Nam năm 2025 có thể tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025. Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng cập nhật dự báo triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực với mức tăng trưởng 6,7%. Seasia Stats - trang thống kê uy tín về các nước trong khu vực Đông Nam Á - dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ đứng thứ 12 châu Á, với quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt khoảng 506 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là một trong những cường quốc sản xuất và thương mại. CEBR đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thực tế, trong năm nay, hàng loạt “ông lớn” ngoại đã đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tập đoàn Nvidia của tỷ phú Jensen Huang cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm R&D AI của Nvidia tại Việt Nam (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI. Ngoài ra, SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng cho biết có ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, còn Tập đoàn Trump Organization đã quyết định đầu tư vào Hưng Yên. PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 được đánh giá tích cực, nhờ vào các yếu tố nội tại mạnh mẽ và sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Long cho rằng, các giải pháp đột phá như cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp và người dân cần được triển khai quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam 2025 cũng đối mặt những thách thức nhất định. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm 2025 như: Giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu. Mặc dù lạm phát năm 2024 dự kiến dưới 4,5%, nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua. Theo TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 rất cần những giải pháp quyết liệt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Vị chuyên gia này cũng cho hay, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. Dẫu còn có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên nhìn chung các chuyên gia kinh tế và các tổ chức tài chính quốc tế đều có nhận định rằng năm 2025 nền kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh”. Điều đó đến từ nội lực của nền kinh tế cũng như quyết tâm rất cao của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hiệp định song phương, đa phương cũng là tiền đề để kinh tế nước nhà chắp cánh bay xa. Từ đó, thế và lực của Việt Nam sẽ được củng cố, mang về những giá trị đích thực.

Mạnh Quân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/vuot-con-gio-nguoc-96448.html
Zalo