HR thà dùng robot AI còn hơn tuyển gen Z mới tốt nghiệp

Các nhà tuyển dụng tại Mỹ đánh giá gen Z có nhiều nhược điểm khó khắc phục nên họ thà tuyển robot AI thay vì tuyển người trẻ.

 Nhiều công ty ở Mỹ có ý định sử dụng robot AI vì dễ đào tạo, tiết kiệm chi phí. Ảnh: PhonlamaiPhoto.

Nhiều công ty ở Mỹ có ý định sử dụng robot AI vì dễ đào tạo, tiết kiệm chi phí. Ảnh: PhonlamaiPhoto.

Một khảo sát do trường Kinh doanh Quốc tế Hult (Mỹ) tài trợ với 800 giám đốc nhân sự ở các doanh nghiệp cho thấy nhiều doanh nghiệp muốn thuê robot AI thay vì sinh viên gen Z mới tốt nghiệp.

Cụ thể, trong số 800 người được hỏi, 98% cho biết họ đang phải vật lộn để kiếm nhân tài, nhưng đến 89% muốn tránh tuyển những người mới tốt nghiệp.

Khi được hỏi AI có phải là mối đe dọa mới nhất của gen Z khi tìm việc làm hay không, 37% nhà quản lý trong khảo sát này trả lời là "có", "AI được ưa chuộng hơn gen Z", theo Forbes.

Gen Z đi làm được 90 ngày là bị sa thải

Được biết đến là thế hệ người bản địa kỹ thuật số đầu tiên, những người lao động gen Z có ưu điểm là thành thạo về công nghệ và có khả năng thích ứng với vai trò của bản thân. Tuy nhiên, gen Z cũng thường bị chỉ trích vì thiếu khả năng phục hồi, thiếu đạo đức nghề nghiệp và chưa có khả năng xử lý những phản hồi mang tính xây dựng.

Khảo sát cũng tiết lộ 54% nhân viên gen Z bị sa thải trong vòng 90 ngày đầu làm việc. Thống kê này nhấn mạnh những khó khăn mà người sử dụng lao động và cả người lao động trẻ phải đối mặt trong việc thích nghi với kỳ vọng của đối phương.

Trong bối cảnh này, trí tuệ nhân tạo - mặc dù chưa hoàn thiện - lại được coi là phương án tiết kiệm chi phí, có thể mở rộng quy mô và không vướng phải những thách thức mang tính cá nhân.

Cũng trong khảo sát này, khi được hỏi về lý do thất vọng với gen Z, các nhà quản lý nhân sự nói rằng các lý do hàng đầu bao gồm: Không có kinh nghiệm thực tế (60%), thiếu tư duy toàn cầu (57%), không biết làm việc nhóm (55%), đào tạo quá tốn kém (53%)...

Ông Kevin Thompson, chuyên gia tài chính, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của 9i Capital Group, nói với Newsweek rằng vấn đề nằm ở kinh tế và tính hiệu quả. Các công ty thấy rằng đào tạo AI dễ hơn và tiết kiệm hơn nhiều so với đào tạo con người, trong khi vẫn phải trả lương cho họ khi làm việc.

"AI thực hiện nhiệm vụ chính xác như đã lập trình với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với con người. Nhiều nhà tuyển dụng thấy được giá trị khi tận dụng AI để quản lý nhiệm vụ cơ bản, đặc biệt là trong các vai trò hỗ trợ và vị trí đầu vào", ông Thompson nhấn mạnh.

 Gen Z phát triển trong thời đại công nghệ nên có thế mạnh riêng, nhưng cũng gặp trở ngại về vấn đề giao tiếp. Ảnh: Unplash.

Gen Z phát triển trong thời đại công nghệ nên có thế mạnh riêng, nhưng cũng gặp trở ngại về vấn đề giao tiếp. Ảnh: Unplash.

Gen Z vẫn có thế mạnh riêng

Bất chấp chỉ trích, lao động gen Z vẫn sở hữu những phẩm chất khiến họ trở nên vô giá trong nền kinh tế hiện đại. Họ là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng Internet và sự thành thạo về công nghệ giúp họ thể hiện tốt hơn trong những nhiệm vụ như điều khiển công nghệ, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và phân tích dữ liệu.

Sự thoải mái với các công cụ học và làm việc trực tuyến cũng mang lại cho gen Z lợi thế trong môi trường làm việc kết hợp.

Hơn nữa, gen Z có xu hướng coi trọng giá trị, ủng hộ công lý, tính bền vững và sự đa dạng - những yếu tố phù hợp với mục tiêu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiện đại.

Bên cạnh khảo sát quản lý nhân sự, 800 lao động gen Z cũng được hỏi các vấn đề liên quan công việc sau khi ra trường. Kết quả, 77% người được hỏi cho biết chỉ trong 6 tháng làm việc ở công ty, họ học được nhiều điều hơn 4 năm học ở trường đại học; 87% thừa nhận họ được nhà tuyển dụng đào tạo nghề nghiệp tốt hơn so với khi học đại học.

85% người trẻ cũng nói rằng họ mong trường đại học trang bị cho sinh viên kỹ năng tốt hơn để làm việc, đặc biệt là trong bối cảnh AI trở thành đối thủ cạnh tranh rất mạnh.

Đáng chú ý, khoảng 55% người trẻ làm khảo sát cho biết chương trình giáo dục đại học không chuẩn bị cho họ điều gì để gia nhập thị trường lao động.

Chuyên gia tư vấn nhân sự Brian Driscoll nói với Newsweek rằng hệ thống giáo dục đang gặp thất bại vì không chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng làm việc thực tế. Ông nhận định giáo dục ngày nay đang nhấn mạnh vào lý thuyết nhiều hơn thực hành khiến sinh viên gặp nhiều thách thức.

Những thách thức đầu tiên được đề cập chính là giao tiếp. Nhiều gen Z phát triển kỹ năng xã hội thông qua mạng xã hội. Do đó, tương tác thực tế có thể là chuyện khó khăn với một số người.

Ngoài ra, cứ 5 lao động gen Z lại có một người nói rằng họ chưa từng trò chuyện trực tiếp với đồng nghiệp trên 50 tuổi ở nơi làm việc. Bàn về vấn đề này, bà Charlotte Davies, chuyên gia nghề nghiệp, nói với Fortune rằng công tác cố vấn có thể giúp thu hẹp khoảng cách thế hệ ở nơi làm việc và giúp các thế hệ hiểu nhau hơn.

Tuy nhiên, cũng giống như gen Z, các lao động trên 55 tuổi cũng hiếm khi trò chuyện với lao động gen Z. Nữ chuyên gia nghề nghiệp nhận định đây là thách thức của lao động ở mọi độ tuổi, không riêng gen Z.

Qua đó, bà Davies kết luận rằng việc lắng nghe đồng nghiệp thuộc thế hệ khác cũng có thể giúp gen Z tránh khỏi nguy cơ bị đánh giá tiêu cực về thái độ làm việc, giúp xây dựng lòng tin. Đồng thời, những mối quan hệ đó cũng cho phép gen Z học hỏi kinh nghiệm làm việc từ người đi trước.

"Trước khi gán sự thất bại cho gen Z và đòi AI thay thế, bạn có thể cân nhắc sức mạnh của những cuộc trò chuyện. Kết nối các cá nhân là bước đầu để phá vỡ các khuôn mẫu và đảo ngược những xu hướng đáng lo ngại hiện tại", bà Davies khuyên.

Tú Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hr-tha-dung-robot-ai-con-hon-tuyen-gen-z-moi-tot-nghiep-post1529137.html
Zalo