Vướng mặt bằng, vẫn quyết tâm thông xe cầu tạm Ô Môn dịp 1/5
Mặc dù còn vướng 3 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đường dẫn, vướng đường ống cấp nước, cột điện cũ với đường dây điện và cáp viễn thông chằng chịt nhưng đơn vị thi công vẫn quyết tâm đẩy tiến độ thông xe cầu tạm Ô Môn vào dịp 1/5.
Sáng 17/4, ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc dự án gói thầu CĐT-XL02 – Ban Quản lý các dự án Đường thủy (Bộ Xây dựng) cho biết, công tác giải phóng mặt bằng công trình cầu Ô Môn (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) còn chậm, chưa đảm bảo theo kế hoạch.
Công trình này được khởi công từ tháng 4/2024, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025 nhưng đến ngày 11/3, hộ dân mới bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tiếp tục thi công đấu nối đường dẫn cầu tạm.

Cầu tạm Ô Môn được xây dựng cạnh bên cầu cũ với thiết kế tải trọng, bề rộng, độ cao thông thuyền như cầu Ô Môn hiện hữu để điều tiết giao thông khi phá dỡ cầu cũ để xây mới.
"Tiến độ công trình bị chậm khoảng 90 ngày do chậm bàn giao mặt bằng vì vướng một hộ dân tại mố M2 cầu tạm", ông Nguyễn Văn Thưởng thông tin.
Ông Nguyễn Văn Cao, Giám đốc Ban điều hành gói thầu CĐT-XL02 Cần Thơ, Công ty Cổ phần 873 – Xây dựng công trình giao thông (đơn vị thi công cầu Ô Môn) cho biết, có lúc cả máy móc thiết bị, công nhân phải nằm không suốt 3 tháng vì chờ mặt bằng.
Cầu tạm Ô Môn được thi công bằng kết cấu sắt với 7 nhịp, độ rộng, độ cao tĩnh không tương đương với cầu Ô Môn hiện hữu để đảm bảo điều tiết giao thông hai chiều.
"Tuy nhiên, khi thi công hoàn thành được 5 nhịp thì phải dừng vì vướng mặt bằng (nhà) của một hộ dân chắn ngay vị trí mố M2. Đến ngày 11/3 hộ dân này đã bàn giao mặt bằng, chúng tôi tiến hành thi công mố M2 ngay, nhưng vẫn còn vướng nhiều thứ khác", ông Cao nói.

Cầu tạm Ô Môn đã hoàn thành 5 nhịp, đang đẩy nhanh tiến độ kịp thông xe dịp 1/5.
Theo ông Nguyễn Văn Cao, khu vực thi công cầu Ô Môn thuộc trung tâm phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, khá hẹp nhưng lưu lượng phương tiện cơ giới lưu thông rất lớn.
Mặc khác, do người dân có nhà bị giải tỏa đều sử dụng mặt bằng để kinh doanh, mua bán nên việc di dời, tháo dỡ các công trình bị ảnh hưởng khá khó khăn và mất nhiều thời gian, cụ thể là vướng đường ống cấp nước và các cột điện.
Quan sát tại công trường, đơn vị thi công đã tập kết 2 cần cẩu loại cao 20m, 3 máy đào lớn nhỏ, 2 xe lu và khoảng 20 công nhân làm việc.
Tuy nhiên, do khu vực này còn vướng các cột điện cũ, các đường dây điện, cáp viễn thông chằng chịt, lại rất thấp nên các máy đào cũng gặp khó khăn.
Phía bờ đối diện, nơi cần cẩu cao đã sẵn sàng vào vị trí để đóng cọc mố M2, các công nhân, thợ hàn tất bật trên công trường thì cạnh đó vẫn còn một cột điện chắn giữa tim đường dẫn kết nối với cầu tạm.
Đường ống cấp nước lớn sau khi "vượt sông" cũng "đi" vào đường dẫn này nên các thiết bị, máy móc cũng chưa thể triển khai làm việc.
Từ khu vực mố M2 nhìn thẳng về cuối đường dẫn của cầu tạm, kết nối vào đường tránh Ô Môn vẫn còn vài căn nhà cắt ngang. Vạch sơn đỏ đánh dấu khu vực cần giải tỏa đến tận nửa căn nhà này.
Liền kề đó là hai căn nhà khác đang đặt biển "cho thuê mặt bằng", chứ không chịu bàn giao hay chấp nhận phương án bồi thường của chính quyền địa phương.
"Do còn vướng khoảng ba, bốn hộ nên chúng tôi đề nghị điều chỉnh tuyến đường dẫn kết nối với cầu tạm, để đảm bảo điều tiết giao thông sau khi được thông xe.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thông xe cầu tạm vào dịp 1/5. Đồng thời tiến hành phá dỡ cầu Ô Môn cũ để triển khai thi công đảm bảo tiến độ theo kế hoạch", ông Nguyễn Văn Cao nói thêm.
Ông Trần Văn Mười, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ô Môn cho biết, dự án xây dựng cầu Ô Môn có 89 trường hợp bị ảnh hưởng phải giải phóng mặt bằng, tổng diện tích khoảng 0,53ha. Đến thời điểm này đã có 81 trường hợp nhận chi trả bồi thường, 55 hộ bàn giao mặt bằng.
"Riêng còn 3 hộ phía cuối đường dẫn cầu tạm hiện chưa chấp thuận với giá bồi thường, trong đó có 2 hộ đang khiếu nại.
Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện việc giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật để bàn giao cho đơn vị thi công. Đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền, nếu không thể vận động thì có thể cưỡng chế để công trình không bị chậm trễ", ông Trần Văn Mười nói.
Cũng theo ông Mười, đối với các đường ống cấp nước và cột điện nằm trong đường dẫn cầu tạm Ô Môn, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất đã hai lần có văn bản gửi các công ty này, đề nghị hỗ trợ di dời kịp thời tạo điều kiện cho đơn vị thi công triển khai công trình.
Công trình xây mới cầu Ô Môn trên tuyến quốc lộ 91, thuộc quận Ô Môn (TP Cần Thơ) thuộc Dự án Nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia – giai đoạn 1 (khu vực phía Nam). Cầu Ô Môn thuộc công trình cầu đường bộ, cấp III, có khổ thông thuyền 30 x 6m, mặt cầu rộng 12m gồm 7 nhịp super T, tĩnh không 3,5m, có tổng giá trị 135,7 tỷ đồng.
Cầu Ô Môn mới được xây dựng trùng tim cầu cũ (hiện hữu), điều tiết giao thông bằng cầu tạm bên trái cầu chính.
Một số hình ảnh PV Báo Xây dựng ghi nhận tại công trình xây dựng cầu Ô Môn sáng 17/4:

Đường dẫn cầu tạm Ô Môn bờ trung tâm phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn còn ngổn ngang vì mới được bàn giao mặt bằng, vướng cả cột điện khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn.

Nhịp cầu tạm bị rào chắn lại tạm thời vì chưa thi công kết nối với đường dẫn bờ trung tâm phường Châu Văn Liêm.

Các đường dây điện, cáp viễn thông chằng chịt và thòng thấp xuống khu vực công trường.

Vướng cột điện và đường dây điện, cáp viễn thông ngay tim đường dẫn kết nối cầu tạm Ô Môn phía bờ trung tâm phường Châu Văn Liêm.

Cầu tạm nhưng được thi công vững chắc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực công trình xây dựng.

Đường ống cấp nước nằm cặp bên chân cầu tạm và "đi" vào đường dẫn phía bờ bên kia sông phường Châu Văn Liêm.

Thiết bị máy móc và công nhân tất bật hàn các trụ sắt thi công mố M2 cầu tạm Ô Môn.

Mặc dù chính quyền và ngành chức năng quận Ô Môn đã nỗ lực tháo gỡ, nhưng vẫn còn 3 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cầu Ô Môn, khiến tiến độ chung dự án bị trễ 90 ngày.