Yếu tố then chốt đưa 2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh 'về đích' trước 6 tháng
2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh thông xe nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm áp lực về giao thông mà còn mở ra không gian, động lực phát triển mới cho Hà Tĩnh. Đó cũng là niềm tự hào của Hà Tĩnh và chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi đã cùng nỗ lực, quyết tâm cao, vượt tiến độ 6 tháng.

2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh thông xe nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm áp lực về giao thông mà còn mở ra không gian, động lực phát triển mới cho Hà Tĩnh. Đó cũng là niềm tự hào của Hà Tĩnh và chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi đã cùng nỗ lực, quyết tâm cao, vượt tiến độ 6 tháng.

Trước thời điểm bắt tay vào thi công cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh, điều khiến chủ đầu tư, nhà thầu lo lắng đó chính là vấn đề về giải phóng mặt bằng (GPMB). Điều này xuất phát từ các dự án thành phần cao tốc được triển khai trước đó bị “hụt” tiến độ do nhà thầu “ngóng” mặt bằng, dẫn tới dự án không thể “về đích” đúng hẹn.
THU HỒI 912 HA ĐẤT CÁC LOẠI VỚI GẦN 9.500 HỘ DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG, CẤT BỐC HƠN 1.000 MỒ MẢ, XÂY DỰNG 26 KHU TÁI ĐỊNH CƯ, 4 NGHĨA TRANG, DI DỜI NHIỀU CÔNG TRÌNH, HẠ TẦNG KỸ THUẬT KHÁC…
Tại Hà Tĩnh, với 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 gồm Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng có tổng chiều dài 102,38km được triển khai qua địa bàn, tương đương gần 40% chiều dài đoạn tuyến Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị và 3 tuyến đường kết nối cao tốc (đường Ngô Quyền – đường tỉnh 550, đường song hành cao tốc nối đường tỉnh 550 – Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1) dài 12,18 km. Để triển khai thi công, tỉnh cần thu hồi 912 ha đất các loại với gần 9.500 hộ dân bị ảnh hưởng, cất bốc hơn 1.000 mồ mả, xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang, di dời nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác…

Tháng 4/2022, mốc thực địa GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh được cắm ở xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh. Ảnh tư liệu
Trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, đã có hàng nghìn hộ dân Hà Tĩnh bị ảnh hưởng đất đai, nhà cửa, đất canh tác nhưng với mong muốn dự án trọng điểm được thi công thuận lợi, người dân đã sẵn sàng di dời nhà cửa, nhường đất ở, đất canh tác, bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương.

Huyện Thạch Hà là một trong những địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam (ảnh chụp ngày 8/11/2022).
“Khi triển khai dự án cao tốc, gia đình tôi có 3 mảnh đất cùng nhà cửa nằm trong phạm vi GPMB. Dù phải rời xa nơi gắn bó nhiều đời nhưng để dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thuận lợi, gia đình chúng tôi đã tiên phong nhận tiền đền bù, di dời tái định cư. Chứng kiến tuyến cao tốc đã hoàn thành, sắp được được đưa vào khai thác, chúng tôi vui vì có thể góp chút sức mình vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước”, bà Nguyễn Thị Nga (SN 1973, trú xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc) chia sẻ.
Ông Lê Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: Ngay từ thời điểm đầu dự án được triển khai, Hà Tĩnh xác định công tác GPMB là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nên yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung cao nhất cho công tác này bằng việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu, chấp hành pháp luật liên quan tới các chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy vậy, với khối lượng công việc lớn, có mốc thời gian bàn giao mặt bằng cụ thể từ yêu cầu của Trung ương, Hà Tĩnh cũng gặp không ít “áp lực”.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát công trường cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh và thăm hỏi, động viên người dân huyện Can Lộc bị ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc - Nam (tháng 1/2023). Ảnh tư liệu
Ngoài ra, những vướng mắc liên quan đến việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng gây khó cho công tác GPMB khi phần việc này được giao cho cấp huyện làm chủ đầu tư trong khi cấp huyện chưa từng tiếp cận với những công trình có yêu cầu kỹ thuật cao; quy trình thủ tục thực hiện di dời các công trình cũng rất phức tạp, dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện còn khó khăn, lúng túng. Khó khăn là vậy nhưng trên tinh thần quyết tâm, đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, bám sát quy định pháp luật, Hà Tĩnh đã từng bước tháo gỡ và tới cuối năm 2022 đã bàn giao 81% mặt bằng cho chủ đầu tư - đảm bảo cho dự án được khởi công đúng kế hoạch mà Trung ương đề ra (ngày 1/1/2023). Thời gian sau đó, các ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới mặt bằng thi công. Tới nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành, bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án.

Quá trình kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Hà Tĩnh trong công tác GPMB, tạo thuận lợi dự án thi công (tháng 2/2024). Ảnh tư liệu
Cùng với công tác GPMB, nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) cũng là yếu tố quan trọng để dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai thi công đúng tiến độ. Trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu, Hà Tĩnh đã chấp thuận bản xác nhận về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp khai thác và bảo vệ môi trường với 13 mỏ khoáng sản (10 mỏ đất san lấp, 3 mỏ cát) làm nguồn VLXD. Từ cuối tháng 8/2023, nhà thầu đã hoàn thành thủ tục, trình tự và tiến hành khai thác các mỏ khoáng sản làm VLXD thi công dự án. Kể từ khi nguồn VLXD được khơi thông, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc chia “3 ca, 4 kíp” đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần đưa 2/3 tuyến cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh về đích trước 6 tháng (riêng tuyến Vũng Áng - Bùng hoàn thành trước 30/6/2025 theo kế hoạch).



Trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu, Hà Tĩnh đã chấp thuận bản xác nhận về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp khai thác và bảo vệ môi trường với 13 mỏ khoáng sản (10 mỏ đất san lấp, 3 mỏ cát) làm nguồn VLXD. Ảnh tư liệu
Thiếu tá Bùi Đình Ngân – Chỉ huy trưởng dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi của Tổng Công ty 319 cho hay: "Quá trình thi công dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, đơn vị nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ các ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương, nhất là trong giải quyết các vấn đề về mặt bằng, về nguồn VLXD. Đây là yếu tố quan trọng giúp dự án vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra".
Video: Thiếu tá Trần Đình Ngân - Chỉ huy trưởng dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi của Công ty 319 Bộ Quốc phòng cảm ơn các cấp chính quyền, người dân Hà Tĩnh về đồng hành trong thi công cao tốc.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG LUÔN GHI NHẬN, ĐÁNH GIÁ HÀ TĨNH LÀ “ĐIỂM SÁNG” TRONG CÔNG TÁC GPMB, ĐÁP ỨNG NGUỒN VLXD THI CÔNG DỰ ÁN.
......................................
Ông Nguyễn Khắc Trung - Trưởng ban Điều hành dự án cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng
Ông Nguyễn Khắc Trung - Trưởng ban Điều hành dự án cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng cho hay: Tiến độ 2 dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng được thông xe kỹ thuật ngày 19/4, khai thác vào dịp 30/4 chính là minh chứng rõ nhất cho sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, đồng hành của Hà Tĩnh với chủ đầu tư, nhà thầu trong suốt quá trình cao tốc Bắc – Nam được triển khai.
Theo ông Nguyễn Khắc Trung, quá trình kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh, từ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng luôn ghi nhận, đánh giá Hà Tĩnh là “điểm sáng” trong công tác GPMB, đáp ứng nguồn VLXD thi công dự án.
Video: Ông Nguyễn Khắc Trung - Giám đốc điều hành dự án Hàm Nghi - Vũng Áng chia sẻ về sự đồng hành của Hà Tĩnh trong thi công cao tốc

Sự thuận lợi về mặt bằng và nguồn cung vật liệu và công tác dân vận được các cấp ở Hà Tĩnh tập trung thực hiện tốt, là điều kiện quan trọng để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc – Nam.
22 giờ ngày 17/4, trước thời điểm thông xe kỹ thuật chưa đến 2 ngày, khi nhiều người chìm vào giấc ngủ, nhóm kỹ sư, công nhân của Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) vẫn tất bật với những mẻ thảm bê tông nhựa mặt đường các tuyến đường nhánh, hạng mục nút giao cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi với đường tỉnh 550 ở xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà). Tranh thủ uống vội ngụm nước, anh Hoàng Văn Đạt (công nhân Tổng Công ty 319) chia sẻ: “Công trường đang vào giai đoạn nước rút nên anh em làm từ 5 giờ sáng tới 23 giờ đêm, thậm chí có nhiều ngày tới 1 – 2 giờ sáng mới nghỉ. Những ngày này, Hà Tĩnh nắng nóng nên chúng tôi phải tranh thủ làm buổi đêm mới kịp tiến độ”.


Công nhân cùng với dây chuyền thảm của Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) miệt mài thi công trong đêm.
Video: Chong đèn thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh.
Đồng hồ điểm sáng 23 giờ đêm cũng là lúc mẻ lu kết thúc. Lúc này, các kỹ sư, công nhân mới nghỉ tay dùng bữa cơm phụ ngay trên mặt đường. Có mặt tại vị trí làm việc, Thiếu tá Bùi Đình Ngân – Chỉ huy trưởng dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi của Tổng Công ty 319 vừa thăm hỏi, động viên anh em vừa nhanh chóng tới vị trí mặt đường đã thảm xong trao đổi nhanh với cán bộ kỹ thuật.
Thiếu tá Bùi Đình Ngân chia sẻ: "Tổng Công ty 319 là 1 trong 2 nhà thầu thi công cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi với 13km tuyến chính cùng 10 cây cầu lớn trên tuyến. Từ thời điểm dự án được khởi công (1/1/2023), nhà thầu đã xây dựng phương án chi tiết, huy động nhân lực, máy móc tối đa thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, giai đoạn đầu dự án, quá trình thi công vẫn gặp phải khá nhiều khó khăn nhất định về mặt bằng, nhiều đoạn tuyến mất nhiều thời gian xử lý nền đất yếu, khan hiếm vật liệu (đất đắp và cát) cũng như thời tiết mưa gió phức tạp. Có thời điểm suốt mấy tháng, đơn vị không đắp được xe đất nào khi thi công nền, móng đường do ảnh hưởng thời tiết. Để bù lại, chúng tôi huy động thêm nhân lực, chia 3 ca, 4 kíp thi công suốt ngày đêm. Thời điểm nước rút, toàn bộ nhân lực, máy móc được huy động gấp đôi, gấp ba".

Tổng Công ty 319 là 1 trong 2 nhà thầu thi công cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi với 13km tuyến chính cùng 10 cây cầu lớn trên tuyến.
Rời công địa thi công của Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) trên tuyến cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến khu vực gói thầu xây lắp của tuyến cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng mà Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đang thi công. Dù làm việc về đêm để tránh cái nóng nhưng với nền nhiệt của bê tông nhựa nóng luôn được duy trì từ 160 – 170 độ C, các công nhân vẫn mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ ửng.



Công nhân ăn cơm ngay trên công trường để kịp tiến độ thi công cao tốc.
Xuân Trường là nhà thầu đảm nhận thi công 42/54,2km của cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng. Là “anh cả” trong đoạn tuyến cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng, ngay sau khi dự án khởi công, nhà thầu đã tập trung tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị đáp ứng tiến độ thi công. Thời điểm cao nhất, nhà thầu huy động hơn 1.200 công nhân cùng hàng trăm đầu máy thiết bị, chia làm cả trăm mũi thi công đồng loạt trên công trường.
Công trường trải dài qua khu dân cư, đồi núi và đồng ruộng nên quá trình thi công của nhà thầu Xuân Trường gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh, nhà thầu đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thi công. Sau hơn 2 năm, hiện nay, trên đoạn tuyến cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng đã thảm xong bê tông nhựa mặt đường, lắp đặt dải phân cách cứng, hộ lan tôn, biển báo giao thông, đường gom dân sinh…, đảm bảo có thể cho phương tiện lưu thông khi thông tuyến chính.




Nhiều đoạn tuyến trên cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng đã hoàn thành tất cả các phần việc, dải phân cách cứng đã được lắp đặt; sơn kẻ vạch đường; cỏ đã được trồng ở taluy âm; hệ thống biển báo giao thông được hoàn thiện. Dọc 2 tuyến cao tốc được bố trí các hầm chui dân sinh, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Những ngày qua, để chuẩn bị cho lễ thông xe tổ chức vào ngày 19/4, cũng là thời điểm cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), không khí thi công trên công trường cao tốc Bắc – Nam nhộn nhịp hơn bất cứ lúc nào. Trên mỗi chiếc xe lu, xe tải, máy thảm nhựa, xe cẩu, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới dường như tiếp thêm động lực để mỗi tốp thợ, công nhân thêm hăng hái thi công.

2 tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng được thông xe, đưa vào khai thác không chỉ giảm áp lực về giao thông mà còn mở ra không gian, động lực phát triển mới.
Gần thời điểm hoàn thành các thủ tục để tổ chức lễ thông xe kỹ thuật, lãnh đạo Bộ Xây dựng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp tới hiện trường động viên, thăm hỏi và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành địa phương. Mọi việc đã xong, chỉ chờ “ấn nút” để tuyến cao tốc nối liền từ Bắc tới Nam. Nhìn tuyến cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh như “dải lụa”, ít ai có thể hình dung được, trước đây, đó là những cánh đồng thấp trũng, những đồi núi cao trập trùng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm kiểm tra tiến độ thi công và công tác chuẩn bị cho lễ thông xe kỹ thuật 2 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam tại Hà Tĩnh.
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SẼ LÀ DẤU MỐC MỐC QUAN TRỌNG TRONG LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC, KHU VỰC VÀ TỈNH NHÀ, GIÚP GIẢM ÁP LỰC VỀ GIAO THÔNG VÀ MỞ RA KHÔNG GIAN, ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN MỚI.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Xây dựng, trách nhiệm cao của các bộ ngành, nỗ lực cả hệ thống chính trị và Nhân dân Hà Tĩnh, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của nhân lực thi công, 2/3 tuyến cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh thông xe kỹ thuật ngày 19/4 và sẽ đưa vào khai thác từ ngày 28/4 tới đây. Kết quả đạt được sẽ là dấu mốc quan trọng trong lộ trình phát triển của đất nước, khu vực và tỉnh nhà, giúp giảm áp lực về giao thông và mở ra không gian, động lực phát triển mới. Trước mắt là tạo động lực để Hà Tĩnh đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% như Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra.
Video: Cận cảnh 2 tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
BÀI, ẢNH: VĂN ĐỨC- MẠNH HÀ
THIẾT KẾ: HUY TÙNG