Vướng mắc giá FIT cho điện tái tạo: Bộ Công thương thúc EVN xử lý
Bộ Công thương yêu cầu EVN khẩn trương báo cáo giải quyết vấn đề hưởng giá FIT các dự án điện gió, điện mặt trời theo đúng yêu cầu Nghị quyết 233 của Chính phủ.
EVN chịu trách nhiệm toàn diện về lựa chọn phương án xử lý
Bộ Công thương vừa thông tin về việc giải quyết vướng mắc hưởng giá FIT thuộc thẩm quyền giải quyết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Nghị quyết 233 của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Cụ thể, Bộ Công thương đánh giá các báo cáo liên quan của EVN chưa đảm bảo theo yêu cầu của Nghị quyết 233 đặt ra. Đồng thời, Bộ cho biết đã tiếp tục đôn đốc EVN khẩn trương báo cáo giải quyết vấn đề hưởng giá FIT điện gió, điện mặt trời.
Từ tháng 1 tới nay, ghi nhận tổng cộng tám lần báo cáo của EVN về vấn đề này.
Một thông tin đáng chú ý là tại cuộc họp Chính phủ hôm 15/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết các nhà đầu tư tham gia đối thoại với EVN đều không nhất trí phương án giải quyết giá FIT do EVN đề xuất.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long, quá trình làm việc với các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài như Euro Charm, Thai Charm, cho thấy các tổ chức này đều đưa ra khả năng có thể xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Từ đây, Bộ Công thương kiến nghị Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo EVN khẩn trương thực hiện một số nội dung cụ thể.
Điển hình, EVN sớm hoàn thành, báo cáo kết quả về vấn đề hưởng giá FIT các dự án điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà quy mô lớn xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng.
Đối với các dự án có liên quan đến kiểm tra công tác nghiệm thu trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, EVN rà soát lại hồ sơ, tài liệu, có bằng chứng hợp pháp, đúng quy định, báo cáo Bộ Công thương phương án đề xuất, xử lý theo quy định pháp luật.
Về phần các dự án điện gió, điện mặt trời, Bộ kiến nghị EVN báo cáo rõ, cụ thể và chịu trách nhiệm toàn diện về lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở đã phân tích, đánh giá tác động, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội và hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hài hòa lợi ích nhà nước – nhà đầu tư.
Nhà đầu tư chưa "phục"?
Tháng 1/2025, EVN thông tin cụ thể về nguyên tắc thanh toán cho các chủ đầu tư.
Chi tiết, 25 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời với tổng công suất gần 1.300MW đang thanh toán theo FIT1 sẽ tạm thanh toán theo FIT2, 93 trường hợp điện mặt trời với công suất khoảng 7.260MW tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp. Còn 14 trường hợp điện gió với công suất 649MW sẽ tạm thanh toán theo giá trần chuyển tiếp.
Cập nhật mới nhất của EVN hôm 12/4 ghi nhận 172 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm công nhận vận hành thương mại (COD).
Trong số này, EVN cho biết đang dừng thanh toán với 14 trường hợp chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu không tham gia họp với Công ty Mua bán điện (EPTC).
Đối với 159 trường hợp còn lại, 39 trường hợp đã nêu ý kiến về việc đã có văn bản hoặc báo cáo đề nghị cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và chấp thuận kết quả nghiệm thu trước ngày COD.
Với nguyên tắc thanh toán nêu trên, trong hàng loạt buổi làm việc với EPTC, chủ đầu tư các dự án chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: Thời điểm các dự án được COD, các quy định hiện hành không yêu cầu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều kiện để được COD.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng đề cập việc chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu là vi phạm pháp luật về xây dựng và chủ đầu tư đã khắc phục, chịu phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư đã gửi văn bản đề nghị nghiệm thu công trình trước ngày COD nhưng vì các lý do khách quan như đại dịch Covid nên Bộ Công thương và Sở Công thương không thể đi kiểm tra, dẫn đến văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu được ban hành sau ngày COD.
Một điểm quan trọng khác được nêu lên tại các buổi làm việc giữa EPTC và chủ đầu tư, là tác động tài chính của việc tạm thanh toán đối với các dự án đã và đang đối mặt với việc phải vi phạm nghĩa vụ trả nợ với các tổ chức cho vay trong nước và quốc tế.
Được biết, hiện có 65 nhà máy hoặc phần nhà máy có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vốn, trong đó 27 trường hợp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Nguy cơ vỡ nợ nếu hồi tố giá FIT
Kiến nghị “khẩn” của Bộ Công thương kèm theo yêu cầu thực hiện các công việc cụ thể đối với EVN, diễn ra sau khi chủ đầu tư 58 dự án điện gió, điện mặt trời cùng ký văn bản gửi Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công thương và EVN kiến nghị khẩn cấp về việc duy trì giá FIT và COD.

Tổng giá trị đầu tư bị ảnh hưởng bởi vấn đề xử lý giá FIT tính riêng với các dự án thuộc sở hữu nước ngoài ước tính lên tới 4 tỷ USD, bao gồm hơn 3,6GW dự án điện mặt trời và 160MW dự án điện gió.Ảnh: Hoàng Anh
Nhóm doanh nghiệp và tổ chức này quan ngại sâu sắc về phương án xử lý đối với 173 dự án điện gió và điện mặt trời đã được xác định COD trước và trong năm 2021 nhưng chưa có chấp thuận nghiệm thu tại thời điểm COD.
Theo đó, kể từ tháng 9/2023, nhiều dự án bị trì hoãn thanh toán vô thời hạn hoặc chỉ được thanh toán một phần theo các hợp đồng mua bán điện đã ký với EVN, mà không có thông báo về căn cứ pháp lý rõ ràng nào, ngoài việc được đề cập trong Kết luận Thanh tra 1027/KL-TTCP ban hành tháng 4/2023 của Thanh tra Chính phủ.
Việc này, được các nhà đầu tư cảnh báo là có tác động tài chính rất nghiêm trọng. Thậm chí, một số dự án đã và đang đối mặt với việc phải vi phạm nghĩa vụ trả nợ với các tổ chức cho vay trong nước và quốc tế.
Theo tính toán, xấp xỉ 30% số dự án bị ảnh hưởng có tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu và châu Á. Tổng giá trị đầu tư bị ảnh hưởng tính riêng với các dự án thuộc sở hữu nước ngoài ước tính lên tới 4 tỷ USD, bao gồm hơn 3,6GW dự án điện mặt trời và 160MW dự án điện gió.
Hơn nữa, đề xuất gần đây về việc áp dụng hồi tố ngày COD, bằng cách xác định điều kiện hưởng giá điện ưu đãi theo chính sách hỗ trợ (giá FIT) dựa trên ngày cấp chấp thuận nghiệm thu thay vì ngày COD ban đầu, đã gây lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư.
Đơn kiến nghị của nhóm doanh nghiệp này cho rằng, nếu được áp dụng, đề xuất này có thể dẫn đến thiệt hại tương ứng gần 100% vốn chủ sở hữu của các dự án bị ảnh hưởng và tạo tín hiệu tiêu cực đến những nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai tại Việt Nam.
Mấu chốt của vấn đề dẫn tới tình trạng “kiến nghị tập thể” này, nằm ở cách hiểu, cách áp dụng và thời điểm xuất hiện quy định phải có chấp thuận nghiệm thu mới được hưởng giá FIT.
Cụ thể, tại thời điểm các dự án này được chấp thuận COD, các quy định khi đó không yêu cầu “chấp thuận nghiệm thu” là điều kiện để được COD.
Nhóm nhà đầu tư cũng tách bạch yêu cầu về “chấp thuận nghiệm thu” và yêu cầu về COD.
Thậm chí, dù có vi phạm về chấp thuận nghiệm thu theo pháp luật xây dựng cũng chỉ dẫn đến xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả (nếu áp dụng), chứ không làm thay đổi thực tế rằng dự án đã đáp ứng các điều kiện COD theo quy định có hiệu lực vào thời điểm đó và đã có được chấp thuận COD của EVN.
FIT - Feed-In Tariff - là biểu giá điện hỗ trợ, một chính sách do Chính phủ đưa ra nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời, điện năng lượng gió.
Giá FIT 1 được Bộ Công thương đưa ra vào năm 2017 với mức 9,35 US cent/Kwh, chỉ áp dụng (trong 20 năm) cho các dự án điện mặt trời ký hợp đồng thương mại trước 30/6/2019.
Năm 2019, FIT 1 được thay thế bằng FIT 2 là 6,67 US cent/Kwh đến 10,87 US cent/Kwh (tùy thuộc vào khu vực lắp đặt và loại công nghệ mặt trời được triển khai) và ngừng lại vào 30/12/2020, đến nay chưa có giá FIT mới cho các dự án điện mặt trời.
Trường hợp dự án điện mặt trời không kịp FIT2, sẽ được áp dụng theo giá chuyển tiếp ở mức khoảng 1.100 đồng/kWh với ĐMT mặt đất và hơn 1.500 đồng/kWh với ĐMT nổi.
Về phần điện gió, giá FIT ưu đãi là khoảng 1.927 đồng/kWh (với điện gió trên bờ) và khoảng 2.223 đồng/kWh (điện gió trên biển), áp dụng cho các dự án vận hành thương mại trước 31/10/2021. Trước mốc này, giá chuyển tiếp tương ứng lần lượt là gần 1.600 đồng/kWh và 1.815 đồng/kWh.