Vươn mình trên dấu tích hào hùng

Ngược dòng sông Hàn, đi qua những khu phố thị náo nhiệt. Tại điểm hợp lưu của con sông Cẩm Lệ, thời gian như lắng đọng, ôm trọn những dấu tích thiêng liêng của khu căn cứ cách mạng K20. Từ một vùng đất thép kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, K20 đang vươn mình trỗi dậy trong thời đại mới.

Chi bộ Trường trung học cơ sở Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) tìm hiểu khu căn cứ cách mạng K20.

Chi bộ Trường trung học cơ sở Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) tìm hiểu khu căn cứ cách mạng K20.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa bàn Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa (nay thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là nơi tập trung nhiều cơ sở cách mạng trung kiên của quân và dân ta. Năm 1971, sau khi có mật danh là K20, nơi đây trở thành bàn đạp để quân dân ta tiến công, uy hiếp khu liên hợp quân sự lớn nhất của Mỹ-ngụy tại miền nam.

Căn cứ của lòng dân

Một chiều cuối tháng 3, người dân khu dân cư Đa Mặn 5 hòa cùng thành phố tổ chức ngày hội toàn dân chào mừng 50 năm ngày quê hương giải phóng. Vùng đất K20 khói lửa ngày nào giờ đây rạo rực trong không khí đón chào một ngày trọng đại. Những mái đầu điểm sương, những gương mặt in hằn dấu thời gian chiến chinh, nay rạng rỡ gặp lại nhau, siết chặt bàn tay chai sạn, trong đó có những người từng tham gia đào hầm nuôi giấu cán bộ, làm cảnh giới, truyền tin cho cách mạng.

“Hồi đó nhà nào cũng đào hầm. Các mẹ, các chị đào hầm suốt đêm. Bọn trẻ chăn trâu như tụi tôi, hễ thấy địch là quất mạnh vào lưng trâu bò, cho chúng lồng lên báo động”, ông Nguyễn Minh Anh, một người dân kể. Nói đoạn, ông chỉ tay về những ngôi nhà nhuốm màu thời gian, nơi từng nuôi giấu cán bộ như: nhà ông Huỳnh Trưng, nhà ông Huỳnh Phiên, nhà bà Nguyễn Thị Hải...

Xây dựng căn cứ cách mạng an toàn là yếu tố sống còn trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Nếu căn cứ ở vùng giải phóng, đồi núi hiểm trở có địa lợi, thì căn cứ nội đô như K20 lại là bài toán nan giải, đòi hỏi sự mưu trí cũng như được người dân bảo bọc. Giải quyết vấn đề này, một trận địa dưới lòng đất và trong lòng dân ra đời. Song, nếu ta xem đây là địa bàn chiến lược để xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ngay trong lòng địch, thì chúng cũng coi đây là điểm chốt chặn.

Dẫu địch có kìm kẹp, kiểm soát, càn quét, điệp báo chỉ điểm, đánh phá, K20 vẫn là pháo đài lòng dân kiên cố, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam vẫn được gìn giữ đến ngày nay.

Trở về hiện tại, những vật chứng của một thời đã qua như: Chiếc cuốc cán mòn, cây đèn dầu làm tín hiệu liên lạc, nồi đồng nấu cơm... vẫn được lưu giữ trang trọng trong không gian nhà truyền thống, gợi lên bao câu chuyện thấm đẫm mồ hôi và cả máu của quân và dân K20.

Ba Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là người con của K20 những ngày này cũng trở về căn cứ xưa để cùng ôn lại ký ức hào hùng, gồm bà Huỳnh Thị Thơ nổi tiếng gan dạ, ông Trần Ngọc Trung - một xạ thủ B40 và ông Trần Công Dũng - một cán bộ an ninh sắc sảo. Chìm đắm trong câu chuyện của ba người là miền ký ức lịch sử về K20: Anh hùng Huỳnh Thị Thơ ngày làm giao liên, đêm thức trắng canh gác, lặng lẽ đưa bộ đội qua sông, bí mật đào hầm, rồi chỉ huy biệt động dùng mìn đánh sập trụ sở của một tổ tình báo CIA của Mỹ tại Mỹ Thị.

Anh hùng Trần Công Dũng cùng đồng chí Đặng Văn Khá trở về K20 sau những trận càn quét đẫm máu của địch, gieo lại mầm sống cách mạng, diệt trừ mật thám, phá tan xiềng xích kìm kẹp của quân thù. Anh hùng Trần Ngọc Trung cùng đồng đội Tiểu đoàn 489 Đặc công lập nên những chiến công lẫy lừng, mà đỉnh cao là trận đánh Chi khu cảnh sát Đông Giang.

Dẫu chiến công rực rỡ là vậy, nhưng trong sâu thẳm tâm trí những người con ưu tú ấy, vẫn vẹn nguyên hình ảnh về lòng dân. Đó là những công sự, hầm bí mật được người dân K20 đào sâu dưới lũy tre làng, bờ giậu xóm, ngay trong gian thờ tổ tiên, góc bếp,...; những lần nhường cơm, sẻ áo; những ngọn đèn dầu bí mật phát tín hiệu cho cán bộ, chiến sĩ trở về căn cứ.

Ông Trần Công Dũng kể: “Thanh niên ngày ấy có thể nhận thức cách mạng chưa thấu đáo, nhưng ở K20, gần như nhà ai cũng có người tham gia kháng chiến. Tình làng nghĩa xóm sâu nặng lắm, thấy cán bộ mình gian khổ bám trụ, ai cũng xót, cũng thương. Từ đó mà hun đúc nên tinh thần cách mạng ở mỗi người”. Từ năm 1964 đến 1975, người dân nơi đây đã xây dựng hơn 150 hầm bí mật và hệ thống địa đạo để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng. Lòng dân K20 là một thứ “vàng mười” không thể lay chuyển.

Thế trận lòng dân hôm nay

Có thể nói, hệ thống hầm hào bí mật của K20 không chỉ ẩn sâu dưới lòng đất, mà còn được bao bọc bởi một thành trì vô hình, kiên cố hơn mọi bê- tông cốt thép, không thể xuyên thủng, đó là lòng dân. Anh hùng Trần Ngọc Trung nhấn mạnh: “Một vùng lõm cách mạng vỏn vẹn có vài chục hộ, nhưng có hơn 100 hầm bí mật để nuôi giấu, che chở các đại đội của Tiểu đoàn 489 Đặc công cho trận đánh Sân bay Nước Mặn và nhiều trận đánh khác. Nếu thế trận lòng dân không vững, không có nhân dân K20 che chở, thì khó lòng đạt được những thắng lợi”.

Dấu son lịch sử nối dài đến hiện tại, trong 20 năm thành lập phường Khuê Mỹ, K20 đã khoác lên mình diện mạo mới với những đổi thay rõ rệt: Nhà cao tầng san sát, đường rộng thênh thang, phố thị rực rỡ và nhịp sống sôi động.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Bí thư Chi bộ khu dân cư Đa Mặn 5 Nguyễn Chung vẫn nhớ như in trong tâm trí những mùa mưa tháng chín khắc nghiệt. Xóm Đồng chìm trong biển nước, mỗi nhà bất đắc dĩ phải sắm một cái ghe, cư dân phải chật vật di dời sang xóm Cát tránh lũ. Vậy mà giờ đây, mưa lũ nơi đây đã không còn. “Đời sống người dân ngày càng đi lên. Đó là cái ai ở đây cũng thấy”, ông Chung phấn khởi nói.

Cội nguồn sức mạnh lòng dân của K20 còn được bồi đắp từ mạch nguồn lịch sử khai hoang sâu lắng. Sử sách “Đồng Khánh dư địa chí” xưa đã khắc họa khí chất người dân nơi đây rằng: “Dân trong huyện phần nhiều thanh tú, hào hiệp, chuộng khí tiết”. Từ thuở mở đất, những cộng đồng tộc họ, làng xã đã hình thành bền chặt trên mảnh đất này, trân trọng nghĩa tình xóm giềng, hướng đến những giá trị chân phương. Rồi ngọn lửa yêu nước, tinh thần cách mạng bùng lên, tôi luyện thêm những giá trị đó. Giữa cảnh người không kể tuổi tác đang tất bật góp sức chuẩn bị cho ngày hội hôm nay, những giá trị về lòng dân lại càng thêm tỏa sáng.

Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) Trần Thị Ngọc Lan cho biết: Trong 20 năm thành lập phường, đảng bộ, chính quyền và nhân dân nỗ lực xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức và bộ máy, hệ thống chính trị từ phường đến khu dân cư; tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng và sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh vượt lên những khó khăn, thách thức để tổ chức lãnh đạo thực hiện có kết quả những nhiệm vụ chính trị đề ra.

Bài và ảnh: CÔNG VINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vuon-minh-tren-dau-tich-hao-hung-post873629.html
Zalo