Vươn mình mạnh mẽ sau giải phóng

50 năm sau ngày giải phóng và 36 năm tái lập, Bù Đăng từ một huyện miền núi nghèo khó, hạ tầng kinh tế kém phát triển, đến nay đời sống nhân dân đổi thay rõ rệt, kinh tế - xã hội phát triển khá. Diện mạo của huyện Bù Đăng đang đổi thay từng ngày. Bù Đăng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Bù Đăng từ một huyện miền núi nghèo khó, hạ tầng kinh tế kém phát triển, đến nay toàn huyện có 15 xã, 1 thị trấn với hơn 150 ngàn dân của 31 dân tộc anh em chung sống đoàn kết. Tỷ trọng nông nghiệp từ 90% đến nay giảm còn 39,9%, tăng tỷ trọng công nghiệp lên 26,1%, dịch vụ chiếm 34%. Kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân tăng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,35%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, đường liên xã được nhựa hóa. 100% đường liên thôn được cứng hóa. 99% số hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở tiếp tục được hoàn thiện. 99,85% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. 33/54 trường đạt chuẩn quốc gia. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Đến nay, toàn huyện có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Đức Phong ngày càng xanh, sạch, đẹp, đạt chuẩn đô thị loại V.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và chính quyền địa phương thăm, tặng quà cho các cháu tại điểm trường mầm non thôn 7, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và chính quyền địa phương thăm, tặng quà cho các cháu tại điểm trường mầm non thôn 7, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Ông Đoàn Văn Bé, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bù Đăng phấn khởi cho hay: Bù Đăng ngày nay đã có nhiều đổi thay, đời sống bà con ngày một phát triển. Công tác xóa đói giảm nghèo được các cấp chính quyền địa phương thực hiện rất tốt. Đồng quan điểm với nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đoàn Văn Bé, ông Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện chia sẻ: Nền kinh tế và cơ sở hạ tầng, diện mạo của huyện cho thấy sự đổi thay ngoạn mục của Bù Đăng hôm nay. Chúng tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung vì sự phát triển chung.

Diện mạo đổi thay tích cực

“Phát triển vượt bậc” cũng là khẳng định của Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Mười khi tổng kết chặng đường 50 năm sau ngày giải phóng. Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua cho thấy một Bù Đăng phát triển vượt bậc, vươn mình mạnh mẽ với những kết quả đạt được khá toàn diện.

Diện mạo huyện Bù Đăng hôm nay

Diện mạo huyện Bù Đăng hôm nay

Trong 15 năm xây dựng NTM (2010-2024), với chủ trương đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, Bù Đăng đã tranh thủ, huy động từ nhiều nguồn lực đầu tư, tập trung là các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nâng cấp, cải tạo, làm mới một số tuyến đường trong huyện và thị trấn Đức Phong. Các tuyến đường liên xã đến nay cơ bản đã được nhựa hóa; 100% thôn có đường sỏi đỏ, đường thâm nhập nhựa hoặc bê tông xi măng. Thực hiện chương trình làm đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn huyện đã vận động làm mới 447km đường giao thông. Huyện cũng đã đầu tư nâng cấp, xây dựng các trạm và hệ thống lưới điện cho các xã, thị trấn bằng nhiều nguồn vốn. Từ đó đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và liên tục phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,86%, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Nhờ hạ tầng cơ sở phát triển, nền kinh tế Bù Đăng đang dần chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, thương mại - dịch vụ chiếm 33,6% cơ cấu nền kinh tế huyện; công nghiệp - xây dựng - giao thông chiếm 24,6%. Huyện đang phấn đấu đưa thị trấn Đức Phong lên đô thị loại IV và xã Đức Liễu đạt chuẩn đô thị loại V trong thời gian tới.

Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành kinh tế khác để thúc đẩy phát triển, đưa kinh tế Bù Đăng tương xứng với tiềm năng, lợi thế, rút ngắn khoảng cách với các huyện, thị bạn trong tỉnh. Trong đó tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng và giữa các huyện, các tỉnh”.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện VŨ VĂN MƯỜI

Bù Đăng đã có bước tiến dài sau 50 năm giải phóng, nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, với nhận thức rõ ràng về lợi thế đất đai, khí hậu, nhiều danh lam thắng cảnh, cùng những nét văn hóa đặc trưng các dân tộc…, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Bù Đăng sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm phát huy các bản sắc, xây dựng huyện nhà phát triển theo hướng “Cuộc sống xanh, điểm đến bình yên”.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, người yếu thế được các cấp ngành, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện chu đáo

Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, người yếu thế được các cấp ngành, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện chu đáo

Phạm Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/166481/vuon-minh-manh-me-sau-giai-phong
Zalo