Bài 3: Cho Bù Đăng thêm xanh
50 năm sau ngày giải phóng (14-12-1974 – 14-12-2024), Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Bù Đăng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với khát vọng vươn lên, Bù Đăng chú trọng xây dựng các mô hình Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân và hướng tới xuất khẩu.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Theo chân đoàn công tác của Huyện ủy Bù Đăng, chúng tôi đến thăm xã Đồng Nai, có đông các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng giống sóc Bom Bo thời kháng chiến, người dân xã Đồng Nai một lòng theo cách mạng. Sau giải phóng 1975, địa phương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bà con nông dân xã Đồng Nai đang xây dựng các HTX nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế.
HTX nông nghiệp điều hữu cơ trảng cỏ Bù Lạch do chị Thị Khưi (người đồng bào M’nông) làm giám đốc. Thời điểm vụ mùa thu hoạch đã xong, bà con HTX đang tập trung dọn vườn, bón phân, làm cỏ để tái chăm sóc khu vườn. Dẫn khách vào thăm quan vườn cây, chị Thị Khưi mừng rỡ cho biết, HTX có 165 hội viên với khoảng 1.000 hécta trồng xen canh điều, tiêu, cà phê và cây ăn trái. HTX không lo đầu ra vì đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Taghet Việt Nam, Công ty chế biến hàng xuất khẩu LAFOOCO Long An, Công ty TNHH Điều Itersack Việt Nam để chế biến, xuất khẩu nông sản sang châu Âu, Nhật Bản. HTX dùng máy công nghệ cao sấy nông sản, không gây khói bụi, tiếng ồn và bảo vệ môi trường. Chỉ tính trong năm 2023, doanh thu của HTX lên tới 20 tỷ đồng và bà con đang mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm người đồng bào dân tộc thiểu số.
Cách đó không xa là HTX nông nghiệp K&M được thành lập năm 2023, hiện có 30 hộ nông dân tham gia và hơn 800 thành viên liên kết sản xuất, kinh doanh với tổng diện tích 1.500 ha điều hữu cơ. Nhìn những vạt điều đang vươn lên xanh tốt, cành to khỏe, Giám đốc HTX là chị Thị Mơm (người đồng bào Châu Mạ) chia sẻ, trước đây, bà con nông dân làm manh mún, luẩn quẩn vòng xoáy “trồng – chặt – trồng”, mỗi khi thu hoạch bị thương lái ép giá. Ban đầu người dân e ngại vào HTX do thích làm tự do, không muốn bị rằng buộc. Nhưng khi vào đây, bà con được hỗ trợ phân bón, khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nên ai nấy đều phấn khởi. Chị Thị Mơm mừng rỡ: “Hiện 100% thành viên HTX có cuộc sống ổn định hơn, nhiều gia đình mua sắm được xe hơi, nhà cửa khang trang, con cái ăn học đàng hoàng”.
Sau khi nghe đại diện các HTX báo cáo công việc sản xuất, đồng chí Vũ Lương, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng ghi nhận sự nỗ lực của bà con nông dân xây dựng HTX, tạo ra sản phẩm chất lượng cao vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời yêu cầu đơn vị chuyên môn rà soát cơ chế, chính sách để tham mưu cho lãnh đạo huyện có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTX, nhất là nguồn vốn sản xuất, tạo đà phát triển cho ngành nông nghiệp địa phương.
Theo ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, địa phương đang chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, như sầu riêng, hồ tiêu, điều và quan tâm việc đăng ký mã vùng trồng, nhằm giới thiệu sản phẩm đến thị trường trong, ngoài tỉnh. Thành công của các HTX đang làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân, trong đó, nhiều mô hình khẳng định được thương hiệu, để Bù Đăng hướng tới phát triển một ngành nông nghiệp xanh, bền vững.
Hướng tới nông nghiệp sinh thái
Theo con đường Sao Bọng – Đăng Hà, chúng tôi ngược ra xã Thống Nhất thăm vườn dưa lưới của gia đình anh Đỗ Xuân Trường (ngụ thôn 10, xã Thống Nhất). Gần 11 giờ trưa, khi ánh nắng chiếu rọi xuống đỉnh đầu, anh Trường vẫn hì hục làm việc. Dừng tay một lát, chủ khu vườn kể, mấy năm trước, gia đình trồng 1 hécta điều nhưng năng suất thấp. Năm 2023, gia đình san ủi đất đồi lấy mặt bằng, làm nhà vòm kính trồng dưa lưới. Mỗi năm, gia đình trồng 4 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 4.000kg và dùng phân hữu cơ sinh học để bón cho vườn. Hái mấy trái dưa chín mọng mời khách, chủ vườn cho biết: “Trồng dưa lưới không khó, cái khó là nguồn vốn đầu tư. Tôi cũng quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm trên internet những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất cho vườn dưa”.
Nhiều năm trở lại đây, giá tiêu xuống thấp nên bà con nông dân xã Thống Nhất phá bỏ vườn tiêu để chuyển sang cây trồng khác. Mọi chuyện thay đổi từ năm 2021, HTX tiêu sạch xã thành lập với 20 thành viên, diện tích 17ha và được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam bao tiêu 100% sản phẩm với cam kết cao hơn giá thị trường. Bà con dùng bón phân chuồng, xịt thuốc sinh học để chăm sóc nên vườn tiêu sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Nhờ đó, cuộc sống bà con nông dân khấm khá, nhà cửa khang trang, con cái ăn học đàng hoàng.
Trong khi đó tại xã Đắk Nhau, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đầu tư xây dựng trang trại diện tích 22 héc ta, quy mô 10 ngàn con heo nái, nhằm cung ứng con giống với chất lượng được kiểm soát tốt nhất cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài theo tiêu chuẩn Mỹ. Để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, trang trại được đầu tư hệ thống màng lọc khí hiện đại và hệ thống sấy xe giúp loại bỏ các virus như FMD, PRRS, ASF. Các yếu tố môi trường được công ty chú trọng thông qua việc trang bị hệ thống tiết kiệm nước uống, hệ thống tách phân, xử lý nước thải và biogas. Ông Arif Widjaja, Tổng Giám đốc Công ty Japfa Comfeed Việt Nam cho biết: "Đây là trại heo đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế và xây dựng theo mô hình hoàn toàn mới hiện đang được áp dụng tại Mỹ với 100% thiết bị ngoại nhập. Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ góp phần bình ổn giá cả, thay đổi quy cách làm chuồng trại và nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi heo”.
Không chỉ Thống Nhất và Đắk Nhau mà ở các xã Bom Bo, Đức Liễu, Minh Hưng… cũng đang chú trọng làm nông nghiệp sạch. Các địa phương quan tâm đến việc chọn giống chất lượng cao, ưu tiên dùng thuốc sinh học và ứng dụng khoa học – kỹ thuật để cải tạo vườn cây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, ngành nông - lâm -thủy sản chiếm 44% cơ cấu kinh tế và các cây trồng chủ lực như điều, cao su, cà phê tăng mạnh về diện tích, năng suất, sản lượng. Huyện có 44 tổ hợp tác, HTX cùng 104 trang trại với quy mô 1.400ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng nhìn nhận, giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp và các chuỗi liên kết sản xuất chưa chặt chẽ. Nguyên nhân do đầu tư vào nông nghiệp chưa cao và quá trình triển khai các dự án chậm tiến độ, chương trình nông thôn mới gặp khó bởi quy hoạch bô – xít.
Bù Đăng phấn đấu đến năm 2030, huyện có 10 HTX sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn hữu cơ, 25% diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao được ứng dụng công nghệ cao và 100% số xã, thị trấn có sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu, huyện khuyến khích người dân, doanh nghiệp không sử dụng hóa chất, phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Thông qua đó, ngành nông nghiệp sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như Organic, GlolbalGAP, VietGAP gắn với tiềm năng du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Sau 50 năm giải phóng, Bù Đăng và sóc Bom Bo đang viết tiếp truyền thống trong thời kỳ đổi mới. Khắp bon, sóc rộn ràng không khí lao động của bà con đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông chân chất. Cùng với khát vọng vươn lên, lãnh đạo huyện kỳ vọng xây dựng thành công ngành nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ và cũng để Bù Đăng ngày một thêm xanh.