Vững vàng thương hiệu Điện lực TKV
Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương tiêu thụ than nâu mỏ Na Dương; xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn tiêu thụ than xấu từ mỏ Khánh Hòa và Núi Hồng; giải bài toán công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương… Đó là những 'viên gạch hồng đầu tiên' mà Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) đã đặt nền móng cho sự phát triển vững vàng của lĩnh vực công nghiệp điện mang thương hiệu riêng của TKV.
Biến “nguy” thành “cơ”
Từ đầu những năm 1990, ngành Than đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các nhà máy xi măng ở Việt Nam đang sử dụng than Na Dương chuyển đổi sang công nghệ mới không cần dùng than nơi đây. Trữ lượng than của mỏ Na Dương khi ấy còn khoảng 90 triệu tấn, mỏ mới được đầu tư cải tạo, nâng công suất. Không tiêu thụ được than, mỏ Na Dương đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Để “cứu” hơn 850 công nhân của mỏ than Na Dương trước nguy cơ mất việc làm, ngành Than đã nghiên cứu và đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng của than Na Dương theo hướng sử dụng để phát điện thông qua công nghệ mới bằng lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB). Nhà máy Nhiệt điện Na Dương với quy mô công suất 2x55MW được đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đưa vào vận hành ngày 3/11/2005. Đồng thời, nhằm tiêu thụ than xấu mỏ Khánh Hòa và Núi Hồng, bổ sung nguồn điện để đáp ứng nhu cầu cho khu vực và cả nước, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn với công suất 2x57,5MW được đầu tư và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 20/7/2007.
Ngày 21/10/2009, Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP (Vinacomin Power) trực thuộc TKV chính thức được thành lập với nhiệm vụ làm chủ đầu tư và quản lý vận hành các dự án điện với 7 đơn vị trực thuộc và 1 công ty con. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, các đơn vị khối điện lực TKV đã phấn đấu không ngừng, phát triển về mọi mặt để xây dựng lĩnh vực điện lực trở thành một trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn; đưa vào vận hành khai thác thương mại 7 dự án nguồn điện nối lưới với tổng công suất đặt 1.735MW, bao gồm các nhà máy nhiệt điện: Na Dương, Cao Ngạn, Cẩm Phả, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn và Thủy điện Đồng Nai 5.
Ngoài ra, TKV còn xây dựng, quản lý vận hành 2 nhà máy nhiệt điện than công suất đặt 30 MW/nhà máy tại Công ty Nhôm Lâm Đồng và Đắk Nông với nhiệm vụ cung cấp hơi và điện tự dùng cho dây chuyền sản xuất alumina. Tất cả các nhà máy nhiệt điện của TKV đều sử dụng công nghệ lò hơi CFB, đốt than chất lượng thấp nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên than để phát điện, góp phần bảo vệ môi trường. Cùng với đó, theo Quy hoạch điện VIII, TKV được giao làm chủ đầu tư dự án NMNĐ Na Dương II, dự kiến đưa vào vận hành năm 2026, nâng tổng công suất các nhà máy điện của TKV lên 1.845MW.
Có thể nói, việc tiên phong trong tận dụng hiệu quả các loại than có chất lượng thấp để phát điện, cũng như sử dụng công nghệ lò CFB là bước tiến vượt bậc của TKV, hoàn toàn mới so với công nghệ truyền thống (PC, FB) mà ngành điện và ngành giấy thời điểm đó đang áp dụng, được Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện ngay tại vùng mỏ, các vùng sâu vùng xa (Nông Sơn, Na Dương, Sơn Động, Đồng Nai 5…) còn mang ý nghĩa tận dụng được tối đa nguồn tài nguyên, nguồn than chất lượng thấp để phát điện, bổ sung đáng kể sản lượng điện cho hệ thống điện quốc gia, đóng góp ngân sách cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các tổ hợp than - điện của TKV.
Nhằm nâng cao tuổi thọ, hiệu suất thiết bị, cải thiện điều kiện vận hành, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao của các nhà máy điện, TKV tập trung công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị định kỳ, đầu tư duy trì, thay thế, cải tạo nâng cấp thiết bị. Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất các nhà máy điện, nghiên cứu áp dụng công nghệ giảm phát thải, công nghệ xanh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, cũng như bảo vệ môi trường. Hằng năm, công tác ATVSLĐ được xây dựng chi tiết và đồng bộ với hoạt động sản xuất kinh doanh. Người lao động được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết với mục tiêu bảo đảm môi trường làm việc an toàn, trong lành. Đội ngũ CBCNV-NLĐ khối điện được đào tạo thực tiễn, có trình độ, kinh nghiệm về quản lý vận hành các nhà máy điện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Trên đà bước tới
Thực hiện định hướng của Quy hoạch điện VIII trong việc chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than sang sinh khối và amoniac, thời gian qua, Vinacomin Power đã tích cực làm việc với các đối tác Nhật Bản, Đức, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Viện Năng lượng… để xem xét khả năng hợp tác nghiên cứu phương án chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy điện đốt than của TKV. Ngoài ra, các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc đang tìm hiểu, quan tâm trong việc nghiên cứu cải tạo, nâng cấp các NMNĐ than hiện có của TKV. Trước mắt, TKV sẽ tiến hành các bước nghiên cứu thử nghiệm đốt phối trộn than với nhiên liệu sinh khối tại một số nhà máy có thời gian vận hành lâu nhất để nghiên cứu, đề xuất các chính sách phù hợp, tạo điều kiện triển khai, cũng như tạo tiền đề để áp dụng cho các nhà máy tiếp theo khi các cơ chế, chính sách được ban hành.
Trong định hướng phát triển của công nghiệp điện, TKV tiếp tục tập trung bảo đảm duy trì các nhà máy điện hiện có vận hành ổn định, an toàn, tin cậy, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện theo yêu cầu của nền kinh tế; Hoàn thành đầu tư các dự án điện được Chính phủ giao đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ theo quy hoạch; Nghiên cứu, thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, quản trị tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
Với mục tiêu duy trì vận hành ổn định các nhà máy điện hiện có, khối điện lực TKV đặt ra tổng công suất đạt 1.735 - 1.845 MW, sản lượng điện bình quân từ 10-11 tỷ kWh/năm. Điểm nhấn là TKV đang triển khai thi công xây dựng dự án NMNĐ Na Dương II và đưa vào vận hành thành công trong năm 2026; bảo đảm cung cấp nguồn than ổn định cho NMNĐ Na Dương I và II; Cải tạo, nâng cấp, đổi mới công nghệ, chuyển đổi nhiên liệu các NMNĐ than; phát triển năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định các thiết bị nhà máy điện cho các đơn vị cơ khí chế tạo, các viện nghiên cứu của TKV. Cùng với đó là kiện toàn Ban QLDA NMNĐ Na Dương II để tiếp nhận, tổ chức quản lý thực hiện dự án. Tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện dự án NMNĐ Na Dương II bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành trong năm 2026. Đồng thời, nghiên cứu triển khai một số dự án điện năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu, phù hợp với phát triển sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
TKV xác định một trong những giải pháp quan trọng, tập trung công tác sửa chữa phục hồi, đầu tư thay thế thiết bị, khai thác vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy nhiệt điện hiện có, bảo vệ môi trường, giảm giá thành sản xuất điện, tăng doanh thu và lợi nhuận. Trong đó tập trung nghiên cứu phương án cấp than và đầu tư Hệ thống khử lưu huỳnh ngoài lò (FGD) cho NMNĐ Na Dương, đưa vào vận hành trước năm 2026. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, tin học hóa công tác quản lý các nhà máy điện để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải. Hợp tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công nghệ để nâng cao tuổi thọ, hiệu suất thiết bị, cũng như thành lập Trung tâm dịch vụ sửa chữa nhà máy điện trong và ngoài TKV tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa các nhà máy điện, đồng thời nâng cao năng lực các đơn vị cơ khí của TKV. Quản trị tốt nguồn nhân lực, chi phí, quản lý kỹ thuật, vật tư thiết bị.
Trong giai đoạn 2031 - 2050, TKV duy trì các nhà máy điện vận hành ổn định, bảo đảm cung ứng đủ than đáp ứng yêu cầu các NMNĐ của TKV. Tiếp tục thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ, chuyển đổi nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2050, các nhà máy điện than của TKV chuyển đổi hoàn toàn sang nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac; Triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió, hình thành các tổ hợp cung cấp năng lượng theo mô hình tự sản tự tiêu, trong đó tập trung tại các khu vực đ ã kết thúc khai thác bauxite và các khu vực b ãi thải mỏ tiến tới dần hình thành các tổ hợp công nghiệp than - điện - alumin - nhôm. Đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị các đơn vị theo hướng hiện đại, chuyên môn hóa, tinh gọn, hiệu quả.
Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của x ã hội, TKV sẽ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương… xem xét có cơ chế, chính sách phù hợp, sớm xây dựng và ban hành Luật Điện lực sửa đổi; Xây dựng luật, cơ chế, chính sách phù hợp, cụ thể về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia trên thị trường, cũng như mở ra nhiều cơ hội để TKV phấn đấu trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp lớn của đất nước bên cạnh EVN và Petrovietnam cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Hằng năm, khối Điện lực TKV đạt sản lượng điện khoảng 9,5 - 10 tỷ kWh, chiếm hơn 2% sản lượng hệ thống điện quốc gia. Tính đến hết năm 2023, các nhà máy điện của TKV đã sản xuất trên 122 tỷ kWh điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia gần 110 tỷ kWh, tổng doanh thu trên 140 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 6 nghìn tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 2 nghìn lao động, tận dụng tiêu thụ gần 80 triệu tấn than chất lượng thấp, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị SXKD than - điện của Tập đoàn, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường.