'Vùng vàng' du lịch Tây Bắc khi Lào Cai và Yên Bái sáp nhập

Lào Cai - Yên Bái sau sáp nhập được kỳ vọng trở thành vùng du lịch trọng điểm của Tây Bắc, nơi hội tụ trọn vẹn cảnh quan kỳ vĩ, bản sắc văn hóa phong phú và lợi thế vị trí địa lý.

 Du khách check-in ruộng bậc thang ở Sa Pa. Ảnh: Braven Nguyen/Pexel.

Du khách check-in ruộng bậc thang ở Sa Pa. Ảnh: Braven Nguyen/Pexel.

Theo danh sách dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 tỉnh, thành phố mới sau khi sáp nhập theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, Lào Cai và Yên Bái sẽ sáp nhập, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm hành chính đặt tại Yên Bái.

Thực tế trong quá khứ, từ 1976 đến 1991, ba tỉnh Yên Bái - Nghĩa Lộ - Lào Cai từng hợp nhất thành một thực thể hành chính có tên Hoàng Liên Sơn. Đó là giai đoạn tồn tại một địa bàn du lịch "khổng lồ" kéo dài từ đỉnh Fansipan đến lòng hồ Thác Bà - những cái tên đã đi vào bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Việc tái sáp nhập sau hơn 30 năm tách biệt không chỉ mang ý nghĩa quản trị hành chính tinh gọn, mà còn mở ra viễn cảnh mới cho ngành du lịch Tây Bắc.

Điểm sáng Sa Pa, Mù Cang Chải

Trong bản đồ du lịch phía Bắc, hiếm có cặp tỉnh nào mang tính bổ trợ hoàn hảo như Lào Cai và Yên Bái. Nếu Lào Cai được xem là “cửa ngõ du lịch vùng cao” với thương hiệu quốc tế Sa Pa, thì Yên Bái là “vùng đất bản nguyên” với những địa danh gắn chặt với văn hóa dân tộc và cảnh sắc hoang sơ.

Lào Cai sở hữu Sa Pa – một trong những thị trấn du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam, duy nhất lọt top 16 thị trấn đẹp nhất thế giới do tạp chí Time Out (Anh) bình chọn.

Với khí hậu mát lạnh quanh năm, Sa Pa được ví như “tiểu châu Âu” giữa lòng Tây Bắc. Không chỉ có "nóc nhà Đông Dương" Fansipan hay thung lũng Mường Hoa kỳ vĩ, Sa Pa còn là nơi đậm đà bản sắc của người Mông, Dao đỏ qua phiên chợ tình, nghề dệt thổ cẩm và các bản làng nằm yên bình trong mây.

Hơn nữa, "xứ sở sương mù" vùng Tây Bắc từng là điểm dừng chân nghỉ dưỡng của những vị khách đặc biệt là chính khách, tỷ phú, người nổi tiếng.

Chẳng hạn trong chuyến du lịch Việt Nam vào cuối năm 2012, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook, cùng bạn gái (hiện tại là vợ) Priscilla Chan lựa chọn Sa Pa làm điểm dừng chân sau khi tham quan vịnh Hạ Long.

Tại đây, Zuckerberg nghỉ tại khu nghỉ dưỡng sinh thái Topas Ecolodge, tham quan các bản làng của người Tày và người Mông. Đáng chú ý, anh đặc biệt thích thú với hoạt động cưỡi trâu, một trải nghiệm mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa.

Sa Pa được ví như “tiểu châu Âu” giữa lòng Tây Bắc. Địa điểm này từn lot top 16 thị trấn đẹp nhất thế giới do một tạp chí du lịch quốc tế bình chọn. Ảnh: Blog Của Rọt.

Sa Pa được ví như “tiểu châu Âu” giữa lòng Tây Bắc. Địa điểm này từn lot top 16 thị trấn đẹp nhất thế giới do một tạp chí du lịch quốc tế bình chọn. Ảnh: Blog Của Rọt.

Ngoài ra, Tháng 4/2015, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã đến thăm Sa Pa và trở thành vị Thủ tướng nước ngoài đầu tiên đặt chân tới vùng núi cao này. Chuyến thăm nằm trong chuỗi hoạt động liên quan đến các dự án giáo dục, y tế và bảo vệ rừng do Chính phủ Na Uy tài trợ tại Lào Cai.

Trong khi đó, Yên Bái nổi bật với Mù Cang Chải, vùng ruộng bậc thang được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, thường xuyên được báo chí quốc tế ca ngợi là điểm đến đẹp bậc nhất Đông Nam Á. Không gian nguyên sơ, màu lúa chín rực rỡ vào thu, những lễ hội truyền thống của người Mông như Tết Độc lập, chợ vùng cao… tạo nên một tổng thể giàu cảm xúc và trải nghiệm.

Hơn nữa, Suối Giàng với rừng chè Shan Tuyết cổ thụ, hồ Thác Bà với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ, hay thị xã Nghĩa Lộ đậm sắc văn hóa Thái cũng là những điểm đến đặc sắc, ghi dấu riêng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Giao thông kết nối dần hoàn thiện

Về địa lý, tỉnh Lào Cai và Yên Bái liền kề nhau, có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, đóng vai trò trung chuyển giữa vùng cao và trung du Bắc Bộ. Việc sáp nhập sẽ giúp hình thành một vùng liên kết du lịch rộng lớn, mở ra khả năng phát triển các tuyến, cụm du lịch xuyên tỉnh với quy mô, chất lượng và độ phủ truyền thông tốt hơn.

"Mùa vàng" ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là thời điểm thu hút hàng nghìn du khách quốc tế đến khám phá. Ảnh: Blog Của Rọt.

"Mùa vàng" ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là thời điểm thu hút hàng nghìn du khách quốc tế đến khám phá. Ảnh: Blog Của Rọt.

Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai hiện là động mạch chính đưa du khách từ Hà Nội lên Sa Pa chỉ trong khoảng 4-5 giờ. Trong khi đó, Yên Bái đang kết nối vào trục cao tốc nối miền xuôi với vùng di sản Tây Bắc như Mù Cang Chải - Trạm Tấu - Nghĩa Lộ. Nếu được quy hoạch bài bản, hệ thống giao thông liên vùng giữa Sa Pa - Mù Cang Chải - Văn Chấn - hồ Thác Bà có thể trở thành trục du lịch trọng điểm phía Bắc.

Việc hình thành một “vành đai di sản” kéo dài từ đỉnh Fansipan đến lòng hồ Thác Bà không chỉ mở rộng quỹ điểm đến, mà còn tăng thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu và mức độ trải nghiệm của du khách.

Sáp nhập không chỉ là bài toán về địa giới hành chính. Trong trường hợp của Lào Cai - Yên Bái, đây còn là phép cộng chiến lược về du lịch, khi hai địa phương có thể bổ trợ nhau: một bên mạnh về thương hiệu và hạ tầng, bên kia nổi bật bởi chiều sâu bản sắc và vẻ đẹp nguyên bản.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vung-vang-du-lich-tay-bac-khi-lao-cai-va-yen-bai-sap-nhap-post1546647.html
Zalo