Vững chí thanh xuân trên biển trời tây nam
Trong hải trình đến thăm quân và dân trên các đảo tiền tiêu thuộc quần đảo Trường Sa, vùng biển tây nam của Tổ quốc, mỗi câu chuyện, hình ảnh về những người lính kiên trường; những tình cảm khăng khít của quân và dân đất liền với biển đảo;… thêm một lần giúp chúng tôi hiểu hơn về giá trị đức hy sinh, tình yêu quê hương đất nước của lớp lớp thế hệ cha ông đi trước, của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám biển, bám đảo.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Giàu làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/10.
Trên các hòn đảo tiền tiêu phía tây nam của Tổ quốc, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ ngày đêm kiên trung làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo quê hương đọng lại trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Thanh xuân của những chàng trai tuổi đôi mươi gắn bó nơi đây khiến họ càng thêm bản lĩnh, rạng ngời với niềm tự hào về nhiệm vụ thiêng liêng giữa biển trời quê hương.
Mỗi hòn đảo, theo thời gian như đã trở thành ngôi nhà thứ hai đối với những chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ. Đó là ngôi nhà của tình yêu thương từ đồng đội, từ nhân dân. Điều mà trước đó, họ tưởng như sẽ rất khó vượt qua khi những thử thách, khó khăn với họ là rất lớn, từ môi trường công tác đến điều kiện sinh hoạt.
Từ xa lạ đến thành thân quen
Bước sang năm thứ hai nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/10, Trung sĩ Nguyễn Văn Giàu là chiến sĩ trẻ nhất tại đơn vị khi vừa bước sang tuổi 21. Nhớ lại những ngày đầu bỡ ngỡ đến với mái nhà giữa biển khơi này, Giàu không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà, nhớ những người thân của mình.
Đến với nhà giàn cũng là lần đầu tiên Giàu xa gia đình lâu và cách biệt đến vậy. Rồi từ sự bao bọc của đồng chí, đồng đội, Giàu tập trung vào công tác chuyên môn để bảo đảm các nhiệm vụ cấp trên giao phó.
Giàu của ngày hôm nay nhìn cứng cáp hơn hẳn so với chính mình trước đó. Tự hào hơn, Nguyễn Văn Giàu đến với Nhà giàn này khi em đang là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Giàu tâm sự: “Mơ ước được trải nghiệm trong môi trường quân ngũ đã thôi thúc em viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Và cho đến bây giờ, em chưa bao giờ ân hận với quyết định của mình”.
Hằng ngày, bên cạnh các nhiệm vụ công tác, niềm vui của Giàu là cùng các cán bộ, chiến sĩ tham gia tăng gia sản xuất, đọc sách, sinh hoạt chung tại đơn vị. “Khi đặt chân lên Nhà giàn này, bản thân em nhận thức được sẽ phải trải qua những khó khăn rất lớn so với đời sống ở đất liền. Sinh hoạt tại môi trường này, em không thấy mình thiệt thòi mà chính nơi đây đã cho em rất nhiều điều bổ ích, thú vị để thấy bản thân ngày một trưởng thành hơn".

Đoàn cán bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ tại Nhà giàn DK1/10.
Ở Nhà giàn DK1/10, hầu hết các cán bộ, chiến sĩ công tác tại đây đều còn rất trẻ. Đại úy Nguyễn Đình Đức (quê Hà Tĩnh, sinh năm 1990), Chỉ huy trưởng; Thiếu tá Lê Đình Tiến, Chính trị viên, sinh năm 1987; Đại úy Nguyễn Công Hiệu, sinh năm 1996, quê Nam Định, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Chi đoàn;...
Tuổi đời còn rất trẻ nhưng các cán bộ nơi đây đều đã có thâm niên nhiều năm gắn bó với biển, đảo. Thiếu tá Lê Đình Tiến chia sẻ, trong môi trường quân đội, các anh em đều luôn ý thức được những khó khăn, vất vả sẽ phải đối mặt nên toàn đơn vị luôn đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, kiên cường bám trụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.
Cũng vượt lên những khó khăn ban đầu, những tân binh như Nguyễn Trọng Phú (công tác tại đảo Hòn Khoai) đã nỗ lực “nâng cấp” bản thân mình sau những ngày nhận nhiệm vụ trên đảo.
Phú kể với chúng tôi về những ngày đầu đến với hòn đảo này. Lúc ở nhà, gần như em không phải làm những công việc như trồng rau, quét dọn, nấu ăn,… nên khi đến đây, mọi thứ đối với em đều rất lạ lẫm và đầy thử thách. Nhưng qua thời gian huấn luyện, nhất là được sinh hoạt cùng các đồng đội, giờ đây em đã thuần thục rất nhiều công việc.

Tân binh Nguyễn Trọng Phú (trái) cùng đồng đội chăm sóc vườn thuốc nam trên đảo Hòn Khoai.
Nhìn những loại rau được trồng ngay hàng thẳng lối, thậm chí có hẳn cả một vườn thuốc nam do chính các chiến sĩ trẻ ở đây tự tay trồng đã cho thấy sự trưởng thành, bản lĩnh dù những khó khăn về điều kiện sống vẫn còn rất lớn.
Đại úy Bùi Ngọc Định, Chính trị viên Trạm rada 595, cho biết, cụm đảo Hòn Khoai thuộc địa phận xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau thường xuyên có thời tiết khắc nghiệt, mưa giông, sấm sét nhiều, thường xuyên đánh trực tiếp về khu vực trạm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thế nhưng, những điều đó đã được các cán bộ, chiến sĩ nơi đây nỗ lực, đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn.
Nhiều năm qua, đơn vị đã triển khai có hiệu quả các giải pháp xây dựng Trạm vững mạnh về chính trị, tư tưởng. 100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ trẻ.
Hiểu để thêm yêu biển đảo quê hương
Mỗi điểm đảo đi qua là vô vàn cảm xúc, hình ảnh cảm động tình quân dân đã xuất hiện. Trong đó, hình ảnh những người lính trẻ tuổi đời mười tám đôi mươi đầy sức sống đọng lại trong chúng tôi những cảm xúc đặc biệt.
Chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi đoàn viên, thanh niên khi có cơ hội đến với các vùng biển đảo tiền tiêu, Nhà giàn DK phía nam của Tổ quốc sẽ có cơ hội được trải nhiệm, thấm đẫm hơn nữa những khó khăn gian khổ của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Ngoài giờ công tác, các chiến sĩ trên đảo Thổ Chu tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao chất lượng bữa ăn cho đơn vị.
Những năm qua, tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết thực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo đến các đoàn viên, thanh niên, sinh viên và các tầng lớp nhân dân.
Thế hệ trẻ đang làm nhiệm vụ trên đảo nhận thức sâu sắc những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước từ đó nỗ lực, phấn đấu để phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong giai đoạn hiện nay. Đó là một trong những phẩm chất quý giá của người lính cụ Hồ.
Chuẩn Đô đốc Lê Bá Quân, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân
Trong hành trình lần đầu tiên đến với các hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, Nguyễn Nhật Bằng, Phó Bí thư Thường trực Đoàn Trường đại học Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Chứng kiến sự khó khăn, vất vả và tinh thần bền bỉ của các chiến sĩ và người dân trên các đảo là bài học quý giá về lòng dũng cảm và nghị lực cho bản thân.
Những điều đó đã góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và tình yêu quê hương biển đảo; đồng thời thấy được trách nhiệm của mình khi quay trở về cuộc sống thường nhật.
Tâm huyết, cảm phục những tấm gương trẻ trên các đảo, thời gian qua, Nhật Bằng đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình tuyên truyền đến sinh viên của trường để nhân lên, lan tỏa hơn nữa tình yêu biển, đảo quê hương, đất nước.

Thành quả của các chiến sĩ trên đảo Hòn Chuối sau những ngày kiên trì chăm bón cho giàn bí.
Điều này thúc đẩy phong trào Đoàn ngày càng mạnh mẽ, thu hút nhiều thanh niên tham gia chương trình vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đánh giá về những cán bộ, chiến sĩ trẻ, Chuẩn Đô đốc Lê Bá Quân, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, nhấn mạnh: Nhiều cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đây dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chứng tỏ được bản lĩnh, kiên trung trong mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó.
Điều đó khẳng định rằng, thế hệ trẻ đang làm nhiệm vụ trên đảo nhận thức sâu sắc những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, từ đó nỗ lực, phấn đấu để phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong giai đoạn hiện nay. Đó là một trong những phẩm chất quý giá của người lính cụ Hồ.
Thời gian qua, tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 400 lượt thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động tình nguyện tại đảo Thổ Chu; kết nối hơn 100 lượt tri thức, giảng viên, nhà khoa học trẻ tham gia nghiên cứu đề xuất, hiến kế các phần việc tại đảo. Chín đội hình sinh viên, thanh niên tình nguyện phát huy chuyên môn cũng đã ra đây để tham gia xây dựng các công trình trọng điểm, tư vấn sức khỏe, tập huấn nông nghiệp, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao với tổng số kinh phí thực hiện hơn 8 tỷ đồng.
Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh