Vững chắc thế trận biên phòng toàn dân
Bảo vệ bình yên biên giới, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng chuyên trách mà còn có sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân. Trong đó, thời gian qua, tỉnh triển khai, thực hiện Nghị định số 106/2021/NĐ-CP, ngày 06/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Biên phòng (BP) Việt Nam, từ đó góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Lực lượng bộ đội biên phòng và người dân gặp gỡ, trao đổi thông tin
Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ biên giới
Tỉnh Long An có tuyến biên giới quốc gia dài gần 135km, tiếp giáp tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Trên dải đất biên cương, 20 xã biên giới thuộc 5 huyện và 1 thị xã của tỉnh đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc trong thế trận BP toàn dân. Đó là thế trận được xây dựng bằng ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc của nhân dân.
Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới, xem đây là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân khu vực biên giới. Đối với người dân nơi đây, các buổi tuyên truyền lưu động, những cụm loa truyền thanh phát vào mỗi chiều với nội dung về Luật BP Việt Nam, các hiệp định và quy chế liên quan đến biên giới đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống. Những điều luật tưởng chừng khô khan đã dần trở nên gần gũi, dễ hiểu, thấm sâu vào nhận thức và hành động của người dân một cách tự nhiên và hiệu quả.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, tỉnh đã triển khai toàn diện Đề án Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật BP Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021-2025, qua đó cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 1474/KH-UBND, ngày 23/5/2022 để phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Thực hiện kế hoạch này, đến nay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp tổ chức hơn 2.700 cuộc tuyên truyền về Luật BP Việt Nam, Nghị định số 106 và các nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thu hút hơn 77.000 lượt người tham dự. Ngoài ra, hơn 17.500 lượt người được tuyên truyền nhỏ, lẻ; 7.000 tờ rơi được phát hành; 14 cụm loa truyền thanh phát sóng đều đặn mỗi ngày 30 phút. Trên mạng xã hội, gần 9.500 tin, bài, hình ảnh, video được đăng tải, lan tỏa đến cộng đồng với hơn 6 triệu lượt tiếp cận, hàng triệu lượt chia sẻ, tương tác. Các hoạt động này minh chứng sức lan tỏa mạnh mẽ của công tác tuyên truyền thời đại số.
Ông Nguyễn Văn Phước, người dân xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, hồ hởi nói: “Mỗi phương thức tuyên truyền đều tác động đến ý thức của người dân. Qua đó, người dân nâng cao ý thức, chung sức, đồng lòng làm những việc tốt đẹp, có ích để góp phần xây dựng biên giới bình yên, nội biên vững mạnh”.
Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới cũng lan tỏa sâu, rộng, thu hút sự tham gia tích cực của người dân vùng biên. Người dân không chỉ gìn giữ đường biên, cột mốc mà còn tích cực tố giác hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh từ cơ sở.
Bà Phạm Thị Ba, người dân xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, chia sẻ: “Trong quá trình sinh sống, lao động tại địa bàn, nếu thấy điều gì lạ, bất thường, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tôi báo liền cho lực lượng chức năng. Đó cũng là trách nhiệm để cùng gìn giữ, bảo vệ sự bình yên, ổn định biên giới”.
Vững biên cương, ấm lòng dân

Bộ đội Biên phòng tỉnh (bên trái) tuần tra song phương bảo vệ biên giới với lực lượng nước bạn Campuchia
Dưới nắng gắt hay trong đêm mưa, những bước chân tuần tra trên đường biên vẫn không dừng lại. Không chỉ là những cán bộ, chiến sĩ BĐBP mà cả công an, quân sự, dân quân và chính quyền địa phương cũng chung tay gìn giữ vùng phên giậu Tổ quốc.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như công an, BĐBP, quân sự và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ BP được đẩy mạnh, nhất là thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều đợt tuần tra, kiểm soát biên giới, trong đó có tuần tra song phương với phía Campuchia đã góp phần giữ vững nguyên trạng đường biên, mốc giới và phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm xuyên biên giới.
Kết quả, hơn 3 năm qua, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, triệt phá 22 chuyên án; xử lý 595 vụ án, vụ việc, bắt giữ 737 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm 245kg ma túy, 191 bánh heroin, 1.713 viên ma túy tổng hợp, hơn 699.000 gói thuốc lá ngoại, hơn 12.500kg pháo, gần 66.000kg đường cát, 40kg vàng, 16 khẩu súng, 136 viên đạn,... Các cơ quan chức năng đã khởi tố 24 vụ, 44 bị can; xử phạt hành chính 198 vụ, 467 đối tượng với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng.
Giữ gìn biên giới còn là hành trình thầm lặng, bền bỉ chăm lo cho đời sống người dân vùng biên. Tại hội nghị tổng kết công tác BP gần đây, Đại tá Đàm Quang Ngoạt - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, nhấn mạnh việc chăm lo đời sống người dân vùng biên cũng là giải pháp quan trọng để xây dựng thế trận BP toàn dân vững chắc.
Các cấp, các ngành phối hợp tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, trao tặng quà và thực hiện các chương trình tạo sinh kế cho người dân còn khó khăn ở vùng biên. Trong đó, BĐBP tỉnh thực hiện nhiều mô hình nhân văn, thiết thực như Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn BP, Lớp học tình thương, Xuân BP ấm lòng dân bản, Đồng hành cùng phụ nữ biên cương,... Các mô hình góp phần tạo nên điểm tựa vững chắc cho người dân nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện Luật BP Việt Nam, triển khai, thực hiện Nghị định số 106/2021/NĐ-CP đã cho thấy quyết tâm chính trị cao và sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.
Giữa miền biên giới gió lộng, người dân chính là những “chiến sĩ thầm lặng” bảo vệ bình yên, chủ quyền lãnh thổ. Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của nhân dân, biên giới ngày càng đổi mới, phát triển./.