Hà Nội ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sởi từ đầu năm đến nay, 1 trường hợp tử vong

Hầu hết trường hợp mắc sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội là chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh; bệnh nhân chủ yếu dưới 15 tuổi, số mắc gia tăng ở nhóm từ 10 tuổi trở lên.

Triệu chứng nổi ban đỏ điển hình của bệnh sởi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Triệu chứng nổi ban đỏ điển hình của bệnh sởi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Chiều 6/5, tại Hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố tháng 5/2025, do Ban Tuyên giáo và Dân vận tổ chức, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết trong 4 tháng đầu năm, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, chưa ghi nhận các trường hợp mắc dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H5N1, Mers-CoV.

Các dịch bệnh sốt xuất huyết, ho gà ghi nhận số mắc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024.

Số ca mắc sởi và tay chân miệng có xu hướng gia tăng theo chu kỳ dịch hằng năm nhưng vẫn nằm trong kiểm soát.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 25/4, toàn thành phố ghi nhận 2.074 trường hợp mắc sởi, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Bệnh nhân phân bổ tại tất cả các quận, huyện, thị xã nhưng chủ yếu tập trung ở nội thành (chiếm 65,3%).

Hầu hết trường hợp mắc sởi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh. Bệnh nhân chủ yếu dưới 15 tuổi, số mắc gia tăng ở nhóm từ 10 tuổi trở lên.

Bệnh tay chân miệng ghi nhận 1.506 trường hợp mắc, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ 2024. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 30 quận, huyện, thị xã, chủ yếu ở nhóm trẻ từ ba tuổi trở xuống (95%).

Ngoài ra, thành phố ghi nhận 223 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2024; 13 ca mắc ho gà, 1 ca mắc não mô cầu...

 Nhân viên y tế huyện Đan Phượng tuyên truyền, kiểm tra việc diệt cung quăng, bọ gậy tại các vật dụng chứa nước thừa ở các hộ dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhân viên y tế huyện Đan Phượng tuyên truyền, kiểm tra việc diệt cung quăng, bọ gậy tại các vật dụng chứa nước thừa ở các hộ dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

“Đối với bệnh sốt xuất huyết, hiện tại số mắc đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên trong thời gian tới, số ca mắc có thể gia tăng do bắt đầu bước vào mùa dịch sốt xuất huyết hằng năm (từ tháng 6-12),” ông Vũ Cao Cương lưu ý.

Trước diễn biến phức tạp của một số dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong mùa hè, Sở Y tế đã chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trong ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch sởi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tổ chức giám sát chặt chẽ sức khỏe hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhập cảnh vào thành phố; phối hợp với các Trung tâm Y tế tổ chức giám sát chủ động phát hiện bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại 71 bệnh viện/cơ sở y tế trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch trên địa bàn để kịp thời tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình thực tiễn; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các trường học, các khu vực nguy cơ, khu vực tập trung đông người, điểm tổ chức lễ hội;…

Tại Hà Nội, dự báo năm 2025, tình hình sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, ngành Y tế đẩy mạnh chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, thả cá, phun hóa chất chủ động phòng bệnh; đảm bảo mua sắm đủ hóa chất máy phun các loại để không bị lúng túng, bị động khi có dịch xảy ra...

Đối với phòng chống bệnh sởi, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan y tế, giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, đảm bảo đạt tiến độ theo yêu cầu đề ra.

Các đơn vị thực hiện tốt việc cấp cứu, khám sàng lọc, thu dung, phân luồng cách ly bệnh nhân; phát hiện sớm và điều trị kịp thời ca mắc sởi, giảm tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong…

Ngành Y tế và Giáo dục tăng cường phối hợp để phòng chống các dịch bệnh trong trường học; tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ em để tiêm chủng bổ sung...

Các đơn vị tăng cường các hoạt động truyền thông để người dân không chủ quan và chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế; tổ chức hoạt động tiêm chủng mở rộng hằng tháng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Các đơn vị tiêm chủng thuộc bệnh viện tăng cường tiêm cho những đối tượng có chỉ định tiêm chủng, đặc biệt những đối tượng cần thực hiện mũi tiêm tại bệnh viện./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-ghi-nhan-hon-2000-ca-mac-soi-tu-dau-nam-den-nay-1-truong-hop-tu-vong-post1036923.vnp
Zalo