Vùng cao Thuận Châu vào năm học mới

Hòa trong không khí vui tươi, náo nức của ngày hội khai trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh ở các trường học thuộc 6 xã vùng cao huyện Thuận Châu hân hoan bước vào năm học mới. Với sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các trường quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Giờ học của cô và trò Trường PTDTBT - THCS Co Mạ, huyện Thuận Châu. Ảnh: Trung Kiên

Lên vùng cao Co Mạ ngày đầu năm học mới, không khí của ngày khai trường thật náo nức. Nổi bật giữa núi rừng xanh là Trường PTDTBT - THCS Co Mạ và THPT Co Mạ được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, nhiều thế hệ học sinh được ăn, ở bán trú và học tập tri thức. Trường THPT Co Mạ, ngôi trường được xây dựng phục vụ việc dạy và học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số 6 xã vùng cao gồm: Mường Bám, Co Tòng, Pá Lông, Long Hẹ, É Tòng và Co Mạ. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục 6 xã vùng cao còn nhiều gian khó này.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Công có thâm niên 19 năm công tác tại trường, nhớ lại: Thời điểm mới thành lập, trường không có điện, không có nước, hằng ngày, thầy cô phải chở từng can nước từ suối về để sử dụng sinh hoạt. Vượt qua khó khăn, các thầy, cô giáo đã bám trường, bám lớp để dạy học, đến nhà vận động phụ huynh cho con đi học. 2 năm học đầu tiên, trường có 5 thầy cô giáo, với 3 lớp 10 và 3 lớp 11. Suốt 20 năm qua, các thầy cô giáo nơi đây đã nỗ lực vượt qua mọi gian khó mang tri thức về với con em 6 xã vùng cao này. Trong 3 năm học trở lại đây, 100% học sinh của trường đều đỗ tốt nghiệp, nhiều em đi học đại học và ra làm cán bộ trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước. Năm học 2024-2025, nhà trường có 16 lớp với hơn 700 học sinh.

Nói về giáo dục vùng cao nơi đây, ông Sùng Chờ Nó, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, cho biết: Hơn 30 năm về trước, các xã vùng cao chỉ có 1 trường học bậc tiểu học, THCS chỉ có lớp nhô, giáo dục mầm non hầu như không có; tỷ lệ mù chữ rất cao. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục, các phong trào xóa nạn mù chữ, đưa trẻ 5 tuổi ra lớp được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng.

Với sự kiên trì cho sự phát triển giáo dục vùng cao đã đem lại những kết quả tích cực bằng những con số ấn tượng. Đến nay, 6 xã vùng cao có 17 trường học, với hơn 9.000 học sinh. Trong đó có 6 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 4 trường TH và THCS, 1 trường THCS, 1 trường PTDTBT THCS, 1 trường THPT. Các xã đạt PCGD tiểu học mức độ 3; đạt PCGD THCS đạt mức độ 2; đạt xóa mù chữ mức độ 2.

Đến Trường Mầm non Long Hẹ, chúng tôi ấn tượng với cách thiết kế vườn hoa, khu vui chơi, góc học tập đa dạng, tạo sự thân thiện, gần gũi. Năm học này, nhà trường có 5 điểm trường, 13 lớp, với 368 học sinh. Địa bàn rộng, giao thông khó khăn, điểm gần khu trung tâm xã nhất là 16 km, xa nhất là 47 km.

Cô giáo Lò Thị Xuân, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Long Hẹ, thông tin: Từ đầu tháng 8, nhà trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên tập trung vệ sinh trong và ngoài lớp học, như cắt tỉa cành cây, trồng hoa, lau dọn phòng học, sắp xếp lại đồ dùng, đồ chơi, trang trí khuôn viên, lớp học, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp để đón trẻ đến trường.

Quan tâm phát triển giáo dục, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cùng với cấp ủy chính quyền, trường học đã nỗ lực vận động học sinh ra lớp, nhất là những học sinh có nguy cơ bỏ học ở các bản cách xa trung tâm xã. Chương trình kiên cố hóa trường lớp học được triển khai; thiết bị dạy học, sách giáo khoa của học sinh được quan tâm, đáp ứng nhu cầu học tập của các em.

Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Huyện đã huy động nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học thuộc các xã vùng cao. Riêng năm 2024, có 1 nhà lớp học được xây mới tại Trường TH-THCS É Tòng; sửa chữa lớp học, khu bán trú tại các Trường TH và THCS Long Hẹ, Trường Mầm non Co Tòng, TH - THCS Co Tòng, Tiểu học Co Mạ 2, PTDTBT THCS Co Mạ, Tiểu học Mường Bám 2, với tổng kinh phí 7,8 tỷ đồng. Nhiều công trình được hoàn thành trước thời điểm năm học mới, đáp ứng nhu cầu dạy và học của các trường.

Ông Lê Trung Kiên, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Co Mạ, cho biết: Năm học 2024-2025, trường tiếp tục được đầu tư xây nhà bán trú 18 phòng ở và sửa chữa 2 nhà lớp học, tuyến kè chắn đất khu vực nhà bếp ăn, với tổng kinh phí 7,6 tỷ đồng. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường sẽ nỗ lực thi đua “Dạy tốt, học tốt”; duy trì sĩ số học sinh; xây dựng đội ngũ giáo viên tận tâm và chuyên nghiệp; áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Phấn đấu trong năm học mới, nâng tỷ lệ đạt danh hiệu học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, hầu hết các trường học trên địa bàn 6 xã vùng cao đều thực hiện nấu ăn bán trú. Do vậy, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường đảm bảo các điều kiện phục vụ nấu ăn bán trú; các khu vực nhà bếp, nhà ăn, nhà bán trú gọn gàng, sạch sẽ; kho thực phẩm được sắp xếp khoa học, lập sổ theo dõi thực phẩm nhập kho, xuất kho. Nhân viên nấu ăn sử dụng bảo hộ lao động theo quy định, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh.

Em Vừ Tiểu Mai, học sinh lớp 9, Trường PTDTBT - THCS Co Mạ, cho biết: Nhà em ở bản Cửa Rừng, cách trường 17 km nên em được Nhà nước hỗ trợ chế độ ăn, ở bán trú và chi phí học tập. Năm học mới, em đã chuẩn bị đủ sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập để phục vụ việc học. Em rất háo hức mong chờ năm học này, bởi đây là năm cuối cấp THCS, em sẽ cố gắng học tập tốt để đạt kết quả cao trong năm học và trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Tiếng trống trường năm học 2024-2025 đã điểm, với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tin rằng thầy và trò các trường vùng cao trên địa bàn huyện Thuận Châu tiếp tục vượt qua những khó khăn để gặt hái được những kết quả cao trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại địa phương.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/vung-cao-thuan-chau-vao-nam-hoc-moi-FxKH77eIg.html
Zalo