Vùng cao Đà Bắc tất bật chuẩn bị đào Tết
Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, thời gian này, người trồng đào trên địa bàn huyện Đà Bắc tất bật chăm sóc để đào nở đúng vụ, kịp khoe sắc trong dịp Tết cổ truyền.
Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, thời gian này, người trồng đào trên địa bàn huyện Đà Bắc tất bật chăm sóc để đào nở đúng vụ, kịp khoe sắc trong dịp Tết cổ truyền.
Những năm gần đây, người dân ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện chú trọng trồng đào để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, Toàn Sơn là xã có nhiều vườn đào quy mô lớn, sản phẩm đa dạng cho khách hàng chọn lựa. Gia đình ông Hoàng Minh Thắm, xóm Trúc Sơn là một trong những hộ đã trồng đào trên 10 năm. Với kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, mỗi độ vào Tết, ông Thắm lại đem đến nhiều cây đào đẹp. Năm nay, Tết như đến sớm hơn mọi năm với gia đình ông Thắm, khi ít ngày trước gần 40 gốc đào cổ thụ trong vườn đã được một khách hàng mua hết.
Ông Thắm chia sẻ: "Năm nay, giá đào ổn định so với năm ngoái. Vừa rồi, có khách hàng đã mua 36 gốc đào, chủ yếu là đào cổ thụ nên hiện trong vườn chỉ còn những cây đào nhỏ. Sau khi bán gần hết vườn, gia đình đã mua phôi đào mới để ghép cành, chuẩn bị cho vụ đào Tết năm sau”.
Với giá bán bình quân trên 10 triệu đồng/cây đào, vụ này, gia đình ông Thắm đã thu được gần 500 triệu đồng. Thế nhưng để được khách hàng "chốt” sớm như vậy, chất lượng sản phẩm là tiêu chí đầu tiên. Theo ông Thắm, nếu thời tiết lạnh sớm thì từ 20/10 âm lịch gia đình sẽ thuê người tuốt lá để đào ra hoa vào đúng dịp Tết. Còn năm nay, thời tiết ấm hơn nên có những cây đào phải đến tháng 11 âm lịch mới tuốt lá. Đó là yếu tố quan trọng để đào nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
Vườn đào Thanh Tú cũng là một trong những vườn có quy mô lớn ở xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn. Thời điểm này, nhiều nhân công tất bật tuốt lá, tỉa cành cho những cây đào. Anh Trần Thanh Tú, chủ vườn chia sẻ: Hiện nay, những gốc đào cổ thụ trong vườn đã bắt đầu có người tìm đến thuê với giá cao hơn so với vụ đào năm ngoái. Trong đó có những gốc đào lớn giá từ 20 – 30 triệu đồng. Để cây đào có thế độc đáo, bông đẹp và phát triển tốt thì người trồng phải đảm bảo nhiều yếu tố, như: thời gian tạo thế cây, quá trình chăm sóc trong từng thời điểm. Đặc biệt, khi ghép mắt, ghép cành phải lựa những giống đào được chọn lọc với cây khỏe, khuôn cánh hoa cân đối. Trong đó, công đoạn quan trọng nhất quyết định giá trị của cây đào là quy trình cắt tỉa, tạo tán, tạo thế.
Nếu như ở Toàn Sơn, các vườn chú trọng sản phẩm đào thế được ghép từ các cây đào cổ thụ thì ở xã Cao Sơn, có những hộ chuyên trồng đào phôi để bán cho các nhà vườn. Theo đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Những năm trở lại đây, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích đất vườn sang trồng đào. Bên cạnh đó, bà con cũng tận dụng một số diện tích bưa, bãi để trồng đào. Hiện, diện tích đào toàn xã vào khoảng 5 ha. Thời gian trồng đến khi xuất bán từ 2 - 3 năm, giá bán khoảng 200 – 300 nghìn đồng/cây. "Đến thời điểm này, nhiều vườn đào đã có tiểu thương đến mua. Nếu đầu ra ổn định, trồng đào phôi sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân. Xã đang chú trọng trồng đào dọc các tuyến đường để vừa tạo cảnh quan, bà con lại có thêm thu nhập trong dịp Tết cổ truyền”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết.
Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Không chỉ ở xã Toàn Sơn, thị trấn Đà Bắc và xã Cao Sơn, mà ở nhiều xã khác, bà con đã trồng đào nhưng chưa xác định là cây trồng chính. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, huyện Đà Bắc có tiềm năng lớn để phát triển trồng đào. Những năm đầu ra thuận lợi, nghề trồng đào đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Trong đó có những vườn quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, mỗi dịp Tết thu được vài trăm triệu đồng. Khi Tết Nguyên đán đang đến gần, với những tín hiệu tốt trong việc tiêu thụ, người trồng đào trong huyện tất bật chuẩn bị để đưa ra thị trường những cây đào đẹp nhất đến khách hàng.