Vun đắp tình yêu quê hương qua huyền thoại Báo Luông - Slao Cải

Là người con của dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Cao Bằng, từ thủa nhỏ em đã được nghe ông bà, bố mẹ kể những câu truyện dân gian của dân tộc mình. Lớn lên, được tiếp thu kiến thức về văn học dân gian ở trường học. Bản thân tự tìm hiểu, đọc truyện dân gian Tây - Nùng, trong đó, 'Báo Luông - Slao Cải' là một trong những huyền thoại nổi tiếng của kho tàng văn hóa dân gian tỉnh Cao Bằng.

"Báo Luông - Slao Cải" dưới con mắt dân gian là truyện kể về nguồn gốc vũ trụ, việc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của người dân tộc Tày. Làm một việc vĩ đại thì phải có con người vĩ đại, siêu thần, vì thế, con người trong huyền thoại được siêu thần hóa để có sức mạnh vô biên như Bảo Luông và Slao Cải.

Huyền thoại "Báo Luông - Slao Cải" được kể lại như sau: Cao Bằng thời ấy đất đai bỏ hoang, mọc đầy cây cỏ, non ngàn cây cối mọc sum suê, dây dợ nhằng nhịt; ngàn vạn chim muông ở rừng tha hồ nhảy nhót, bay liệng nhởn nhơ. Mặt đất lúc đó chỉ có hai con người: Gái tên là Slao Cải người lớn như cây lai, tay dài như cành cây trám đen: anh con trai tên gọi Báo Luông to như cây đa cổ thụ ngàn năm, tay dài bằng cành cây gạo đỏ. bước chân rộng, mỗi bước có thể bước từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Hai người ở trần, trên mình mọc đầy lông dài. Khi rét họ tìm vỏ cây về che thân, không quần áo, không nhà cửa, tối đến tiện đâu ngủ đấy, lúc thì ở gốc cây, lúc thì ở hang hốc.

Một ngày nọ Slao Cải từ Nặm Quét (nay thuộc Bảo Lạc), về Pác Măn (nay là thị trấn Nguyên Bình) săn hươu gặp Báo Luông đang săn cáo cầy ở đó. Trời bỗng mưa hai người ba chân bốn cẳng chạy về phía mặt trời mọc, đến dòng Ngườm Bốc (còn gọi Động Ngả, nay thuộc xã Hồng Việt, Hòa An), vào trú mưa. Ở trong động ấm áp, không gió rét, hai người bèn ăn ở nơi đó, sinh sôi con cái, họ thành vợ chồng.

Đề thờ Pú Lương Quân ở Bản Vạn, thị trấn Nước Hai (Hòa An). Ảnh: Tư liệu.

Đề thờ Pú Lương Quân ở Bản Vạn, thị trấn Nước Hai (Hòa An). Ảnh: Tư liệu.

Ban đầu họ còn dẫn dắt con đi săn muông thú trong rừng, chim chóc trên ngọn cây, hoặc là ăn 1 quả chín trên cảnh. Về sau các con vẫn kêu đói, bố mẹ lại dẫn lũ con xuống suối nhặt những con ốc suối về ăn thay bữa. Đến mùa đông sương sa giá phủ, lũ con kêu rét, họ dẫn đàn con đi chặt cây sui tước vỏ về che thân.

Một hôm mưa to gió lớn, đá núi lở, rừng già động ầm ầm, có một tia lửa vụt bay từ trời xuống, cây móc (đùng đình) bị chẻ đôi. Lửa cháy không ngừng, mưa tạnh. Đi xem cây móc, họ trông thấy con tắc kè chết cong trong đó, thơm ngào ngát. Họ chia nhau nếm thử thịt con tắc kè, ai cũng nói ngọt ngào hơn mọi khi ăn sống. Họ còn đi qua những rừng nứa vào những ngày nắng to, gặp lúc gió lớn, nửa cọ vào nhau phát lửa, rừng nửa bốc cháy, những con muông thú chạy không kịp bèn chết thiêu trong lửa. Họ đem về ăn thấy ngon quá, lại rủ nhau đi tiếp kiếm tìm. Từ đó họ biết làm ra lửa và ăn thức ăn chín.

Cứ ngóng chờ thú vật bị thiêu cháy mãi thì lấy đâu, họ rủ nhau đi săn, bắt được nhiều con trong núi, lùa về nhốt, thừa thãi, bèn để nuôi. Những nơi nhốt thú vật sau này có tên gọi Lùng Hoài (lũng trâu), Khau Mạ (núi ngựa), Lùng Mò (lũng bò), Vỏ Bẻ (đồi dê). Doỏc Kít (gò Sơn Dương), Chông Mu (bờm lợn), Lậu Pất (chuồng vịt), Tu Dảo (cửa chuồng lợn lòi), chỗ nhốt cá gọi là Nà Pia (ruộng cá), chỗ đường hẹp, voi qua bị kẹp giữ lại gọi là Gáp Dạng (kẹp voi)... những địa danh này thuộc huyện Hòa An ngày nay.

Con cháu họ được mẹ Slao Cải dạy bảo, biết nhiều đạo lý, nhiều đường ăn ở, biết thương yêu anh em đông đúc. Tên đặt của các con sau này trở thành các họ, như: Mã, Lê, Lương, Lâm, Tô, Vũ, Trương, Hoàng, Hà, Nông, Bế, Đoạn, Đàm, Đinh, Đào, Lý... Các con họ tỏa đi sinh sống ở khắp nơi, tên tuổi của họ còn gắn với địa danh từ xưa đến nay ở vùng đất Cao Bằng.

Đến khi già ông Pú Luông và bà Giả Cải mất, con cháu ở xa gần từ các bản mường nhắn tin nhau, kéo về, khóc trời, khóc đất, rồi dọn ông bà đi chôn ở đồi Bằng Hà (đằng sau chợ Háng Cáp bây giờ); lại còn lập miếu để thờ phụng ở bờ suối Tả Sẩy (nay thuộc thị trấn Nước Hai, Hòa An), gọi là miếu Cụ Lương Quân (Pú Lương Quân), hoặc còn gọi miếu Thần Nông (Theo Huyền thoại dân tộc Tày - Tác giả Triều Ân).

Theo truyện kể, ông bà Báo Luông, Slao Cải là bóng dáng của con người thực. Siêu thần mà không xa xôi, trái lại còn gần gũi thân quen. Đó là những tiên linh mang hệ huyết thống gia đình, dòng họ. Giá trị nhân văn là ở đó. Người xưa đã ý thức được sức mạnh của mình, tự nhận chính mình là tác giả tạo dựng nên thiên nhiên hùng vĩ. Vì bản năng sinh tồn phải khắc phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên để duy trì sự sống, người Tày phải nghĩ cách chế tác công cụ lao động, tìm ra lửa, thuần dưỡng các giống cây, các giống súc vật thành gia súc, gia cầm, thành vật gia dụng...

Sau này tên của các con Pú Luông - Giả Cải trở thành họ chính của các bản, tất cả con, cháu của Pú Luông - Giả Cải đã nỗ lực sản xuất, góp phần xây dựng nên đất đai trù phú, trở thành vựa thóc trung tâm của tỉnh Cao Bằng. Khi 2 cụ qua đời, họ lập miếu thờ, tưởng nhớ tổ tiên - người làm ruộng ở khu vực này.

Ý thức cội nguồn cũng là một nét nổi bật và chung nhất của tư duy nguyên thủy của người dân tộc Tày. Ý thức đó được thể hiện qua hình tượng người mẹ Slao Cải - người mẹ to lớn, vĩ đại, sinh được nhiều con. Lớn lên con của bố Báo Luông và mẹ Slao Cải đi khắp nơi làm ăn nhưng đều bình đẳng. Khẳng định dân tộc Tày là một khối cộng đồng, nền văn hóa đậm đà màu sắc bản địa.

Ngoài yếu tố thần thoại, "Báo Luông - Slao Cải" còn chứa đựng những bài học đạo đức và triết lý sâu sắc về cuộc sống. Thông qua câu chuyện, người Tày truyền lại những giá trị như lòng trung thực, dũng cảm, tinh thần đoàn kết và lòng biết ơn. Huyền thoại "Báo Luông - Slao Cải" không chỉ giúp giải trí mà còn giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương và sự gắn bó với cộng đồng.

Là học sinh trường THPT, em nghĩ rằng việc vun đắp tình yêu quê hương cách mạng Cao Bằng thông qua huyền thoại "Báo Luông - Slao Cải" là một việc làm cần thiết. Bác Hồ kính yêu đã nói: Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Học tập Bác, chúng ta nên hiểu tường tận về cội nguồn của dân tộc mình. Mỗi học sinh góp phần nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyện dân gian dân tộc Tày Cao Bằng để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và nâng cao nhận thức toàn cầu về văn hóa Việt Nam.

Đàm Đức Tú

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/vun-dap-tinh-yeu-que-huong-qua-huyen-thoai-bao-luong-slao-cai-3173516.html
Zalo