'Vua' và 'Chim ưng' - 2 tiêm kích tàng hình sẽ thay đổi bản đồ không quân thế giới

Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh tham vọng sở hữu tiêm kích tàng hình thế hệ 5, mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia tham gia vào cuộc đua vũ khí hiện đại.

Kể từ khi tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ được đưa vào sử dụng năm 2005, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đã trở thành “bá chủ bầu trời”, theo trang Business Insider.

Tính đến nay, có 12 quốc gia đang vận hành một trong bốn mẫu máy bay được công nhận đạt chuẩn thế hệ 5: F-22 và F-35 của Mỹ do hãng Lockheed Martin chế tạo, J-20 của Trung Quốc, và Su-57 của Nga.

Câu lạc bộ các nước sở hữu tiêm kích thế hệ 5 có thể sẽ tăng lên 20 thành viên vào năm 2030. Nhưng không chỉ số lượng nước sử dụng loại máy bay này đang tăng. Ngay cả nhóm các quốc gia tự sản xuất được tiêm kích thế hệ 5 cũng có thể chào đón thêm hai thành viên mới trong thập niên 2030, đó là Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chim ưng chiến đấu” của Hàn Quốc

 Tiêm kích KF-21 (Hàn Quốc). Ảnh: DEFENSE NEWS

Tiêm kích KF-21 (Hàn Quốc). Ảnh: DEFENSE NEWS

Do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) phát triển và chính thức ra mắt vào ngày 9-4-2021, KF-21 là tiêm kích nội địa đầu tiên của Hàn Quốc, với mục tiêu trong tương lai sẽ được nâng cấp thành tiêm kích tàng hình.

Còn được gọi là Boramae – nghĩa là “chim ưng chiến đấu” trong tiếng Hàn, KF-21 có nguồn gốc từ năm 2001, khi Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung tuyên bố ý định thay thế các máy bay F-4 Phantom và F-5 đã cũ của nước này bằng một loại chiến đấu cơ do Hàn Quốc tự sản xuất.

Nguyên mẫu đầu tiên được ra mắt tại trụ sở KAI vào năm 2021. Ngày 19-7-2022, KF-21 thực hiện chuyến bay đầu tiên, và đến ngày 17-1-2023, KF-21 lần đầu tiên đạt đến tốc độ siêu thanh.

Kể từ đó, chương trình KF-21 đã thực hiện hơn 1.000 phi vụ thử nghiệm với sáu nguyên mẫu.

Thông số kỹ thuật của KF-21 cũng ấn tượng không kém với tốc độ có thể đạt đến Mach 1,8 (tương đương khoảng 2.250 km/giờ), trần bay 15.000 m và mang được tới 7.700 kg vũ khí.

KF-21 còn được trang bị hệ thống điện tử và cảm biến tiên tiến, nổi bật là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) – một hệ thống tối tân sử dụng hàng nghìn ăng-ten nhỏ để quét, theo dõi và khóa mục tiêu cùng lúc.

Tuy sở hữu nhiều tính năng hiện đại, KF-21 vẫn chưa được xếp vào loại tiêm kích thế hệ 5, do chưa có khả năng tàng hình toàn diện như các mẫu của Mỹ, Trung Quốc hay Nga.

Mặc dù được thiết kế với nhiều góc cạnh để giảm tiết diện radar, KF-21 không sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar (RAM) trên toàn bộ thân máy bay, cũng không có khoang vũ khí bên trong, thay vào đó phải mang theo vũ khí tại 10 điểm treo ngoài thân.

Do đó, KAI và giới phân tích thường gọi KF-21 là tiêm kích thế hệ 4.5 – tức là một tiêm kích thế hệ 4 tiên tiến với một số đặc điểm của thế hệ 5.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi. KAI đã công bố kế hoạch phát triển một phiên bản KF-21 hoàn toàn tàng hình, với tên gọi KF-21EX. Phiên bản này sẽ được trang bị khoang vũ khí trong thân, lớp phủ RAM cải tiến, ăng-ten phẳng tích hợp vào thân máy bay thay vì ăng-ten nhô ra, và có thể có cả vòi phun động cơ tàng hình giúp giảm tín hiệu hồng ngoại. Việc có khoang vũ khí bên trong rất quan trọng với tiêm kích thế hệ 5, bởi vũ khí treo ngoài thân dễ bị radar phát hiện.

KF-21EX có thể ra mắt vào cuối những năm 2030 hoặc đầu thập niên 2040.

Không quân Hàn Quốc đã ký hợp đồng đầu tiên mua 20 chiếc KF-21 vào năm ngoái, với thời gian giao hàng dự kiến từ cuối năm 2026 đến mùa hè 2027. Đơn hàng thứ hai gồm 20 chiếc nữa dự kiến được ký trước cuối năm nay. Hàn Quốc đặt mục tiêu sở hữu tổng cộng 120 chiếc KF-21 vào năm 2032.

“Vua của các vị vua” của Thổ Nhĩ Kỳ

 Tiêm kích TAI TF Kaan (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: EYEPRESS

Tiêm kích TAI TF Kaan (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: EYEPRESS

Mẫu tiêm kích tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập câu lạc bộ chiến đấu cơ thế hệ 5 là TAI TF Kaan, được tuyên bố là một máy bay tàng hình thực thụ.

Từ năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ đã có kế hoạch thay thế đội tiêm kích F-16 bằng một sự kết hợp giữa các chiến đấu cơ thế hệ 5 hạng cao và hạng trung, trong đó Kaan đóng vai trò ở phân khúc hạng trung, còn khoảng 100 chiếc F-35 mua từ Mỹ sẽ đảm nhận vai trò hạng cao.

Tuy nhiên, sau khi bị loại khỏi chương trình F-35 vào năm 2019 vì mua hệ thống phòng không của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đầu tư phát triển Kaan thành một tiêm kích thế hệ 5 hoàn chỉnh.

Mùa hè năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) đã trưng bày mô hình Kaan kích thước thật tại Triển lãm Hàng không Paris. Các bộ phận đầu tiên được hoàn thiện vào năm 2021. Đến năm 2023, máy bay chính thức ra mắt và được đặt tên là Kaan, nghĩa là “vị vua” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ hơn một năm sau đó, Kaan thực hiện chuyến bay đầu tiên và đến năm 2024, nó tiếp tục bay thử lần thứ hai.

Với sải cánh dài khoảng 13,4 m và chiều dài thân máy bay 20,1 m, Kaan có kích thước và hình dáng tương đương F-22. Theo TAI, Kaan có thể mang tới 9.000 kg vũ khí, dù một số nguồn tin cho biết khoang chứa bên trong của nó chỉ chứa được khoảng 450 kg. Kaan cũng được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).

Việc Thổ Nhĩ Kỳ có đủ năng lực chế tạo tiêm kích thế hệ 5 không phải là điều quá xa vời. Trước đây, nước này từng là đối tác trong chương trình F-35 và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ từng cung cấp khoảng 900 linh kiện cho F-35, bao gồm ống dẫn khí, các tấm vỏ bên ngoài, cửa khoang vũ khí và nhiều bộ phận kết cấu quan trọng khác. Đặc biệt, TAI từng là 1 trong 2 nhà cung cấp thân giữa cho F-35.

Tuy nhiên, mức độ tàng hình của Kaan hiện vẫn chưa rõ ràng, nhất là khi nó sở hữu một số đặc điểm không thuận lợi cho khả năng tránh bị radar phát hiện. Cụ thể, hai động cơ F110-GE-129 (cùng loại dùng trên F-15 và F-16) không được thiết kế cho máy bay tàng hình và thiếu các bộ phận như vòi xả đặc biệt để giảm tín hiệu hồng ngoại và phản xạ radar.

Điều quan trọng hơn là chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu vật liệu hấp thụ sóng radar (RAM) hay chưa. Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang phát triển lớp phủ mỏng nhiều lớp hấp thụ radar cho Kaan. Phía TAI và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định máy bay có công nghệ tiên tiến giúp giảm khả năng bị phát hiện, nhưng chưa có tuyên bố chính thức nào về mức độ hoàn thiện hay chất lượng của lớp RAM.

Hiện có hai nguyên mẫu Kaan nữa đang được chế tạo, và ba nguyên mẫu khác sẽ được hoàn thiện trước khi bắt đầu sản xuất hàng loạt. TAI dự kiến bàn giao chiếc Kaan đầu tiên trong lô 20 chiếc cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2028 hoặc 2029.

Nhiều nước sản xuất, nhiều khách hàng

KF-21 của Hàn Quốc và Kaan của Thổ Nhĩ Kỳ gần như chắc chắn sẽ có mặt trong biên chế của những quốc gia vốn không có nhiều cơ hội sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình trước đây.

Lý do là chiến đấu cơ thế hệ 5 rất khó tiếp cận do giá thành cao (thường từ vài chục đến hàng trăm triệu USD mỗi chiếc) và quy trình mua sắm phức tạp. Công nghệ tiên tiến của các loại máy bay này cũng khiến những nước sở hữu dè dặt trong việc chia sẻ, lo ngại bí mật có thể rơi vào tay các thế lực thù địch. Vì vậy, việc bán tiêm kích tàng hình thường chỉ giới hạn ở các đồng minh rất thân cận và đáng tin cậy.

Sự xuất hiện của các chiến đấu cơ thế hệ 5 có giá rẻ hơn, đến từ những quốc gia ít bị yếu tố địa chính trị ràng buộc và có tham vọng mở rộng ảnh hưởng qua xuất khẩu vũ khí công nghệ cao, có thể khiến việc sở hữu máy bay tàng hình trở nên dễ tiếp cận hơn.

Indonesia, đối tác phát triển trong chương trình KF-21, dự kiến sẽ mua 48 chiếc KF-21. Một số nước khác được cho là đã bày tỏ quan tâm hoặc được phía KAI tiếp cận, bao gồm Saudi Arabia, Malaysia, Philippines, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ba Lan và Peru.

Trong khi đó, Kaan thu hút sự chú ý lớn. Azerbaijan, đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành đối tác chương trình Kaan vào năm 2023 và có thể là khách hàng nước ngoài đầu tiên. Hồi tháng 1, có thông tin Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đang bàn về việc lập nhà máy sản xuất Kaan. Saudi Arabia được cho là đã bày tỏ ý định mua 100 chiếc. UAE cũng được cho là muốn tham gia chương trình này.

Ukraine thì bày tỏ quan tâm đến cả việc mua Kaan lẫn tham gia vào sản xuất động cơ của phiên bản tương lai.

Ngay cả khi những phiên bản đầu của KF-21 và Kaan chưa đạt đến mức tàng hình như các máy bay Mỹ, Trung Quốc hay Nga, thì sự phát triển nhanh chóng của các máy bay này cho thấy thời kỳ các siêu cường độc quyền sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 có thể sắp kết thúc.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vua-va-chim-ung-2-tiem-kich-tang-hinh-se-thay-doi-ban-do-khong-quan-the-gioi-post847922.html
Zalo