Vừa có báo cáo gửi Quốc hội về Ngân hàng SCB

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về phương án cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, năm nay sẽ xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt ngăn ngừa phát sinh thêm ngân hàng yếu kém mới.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng OceanBank, CB, GPBank và Dong A Bank, một bước tiến quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng yếu kém. Qua đó, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.

Báo cáo cho hay, trên cơ sở phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB.

Ngày 18/4, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình gửi Thủ tướng về việc giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ. Theo Nghị quyết 25 ngày 29/4 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện phương án cơ cấu lại SCB để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngân hàng SCB được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát từ giữa tháng 10/2022.

Ngân hàng SCB được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát từ giữa tháng 10/2022.

Tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB để ổn định hoạt động của nhà băng này. Đây là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.

Báo cáo cũng cho biết, các ngân hàng thương mại cổ phần đang tích cực thực hiện các phương án cơ cấu lại theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, về cơ bản, các ngân hàng thương mại cổ phần tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Các ngân hàng đã tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn lành mạnh tài chính.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang nỗ lực xử lý nợ xấu , tăng cường kiểm soát rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, nhiều ngân hàng mở rộng dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng, bán lẻ và tín dụng tiêu dùng; Đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng.

Về nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay, đến tháng 2/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, GPBank, NCBNeo, Vikki Bank và SCB) ở mức 1,88%.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I vừa qua, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có những chia sẻ liên quan đến giải pháp cơ cấu SCB và các ngân hàng yếu kém bị chuyển giao bắt buộc.

Ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang có những giải pháp và chính sách kể cả luật hóa để can thiệp nhằm đảm bảo sự ổn định, trước hết là cho ngân hàng yếu kém và sau đó là đến hệ thống các ngân hàng thương mại cũng như đảm bảo an ninh trật tự của xã hội.

“SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động”, Phó Thống đốc nói.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vua-co-bao-cao-gui-quoc-hoi-ve-ngan-hang-scb-post1740179.tpo
Zalo