Vũ Xuân - người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên
Anh hy sinh anh dũng tại chiến trường Tây Nam bộ ngày 13/5/1974, trước ngày toàn thắng chưa đến một năm, sau 11 năm quân ngũ và chiến đấu ở khắp các chiến trường. Năm nay tròn 10 năm anh được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang, tôi thấy nên viết tiếp về liệt sĩ Vũ Xuân, người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên, về cuốn nhật ký chiến tranh anh để lại, nhất là chúng ta đang kỷ niệm 50 năm ngày non sông thống nhất.

Nhật ký Vũ Xuân.
Từ tháng 10-2005, người ta biết tới một cuốn nhật ký chiến tranh thật đặc sắc mà người viết nó là người con của Tiểu khu Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), một cán bộ quân đội từng trải - liệt sĩ Vũ Xuân, Chính trị viên Tiểu đoàn 2311 thuộc Đoàn 6 pháo binh Quân giải phóng miền Nam. Do là nhật ký của một sĩ quan chính trị nên cuốn hút bởi tính tư tưởng, chính trị và hoài bão của tuổi trẻ cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc - giai đoạn đánh và thắng Mỹ. Cuốn nhật ký và tác giả của nó đã làm thổn thức, lay động tình cảm của nhiều người.
Ngày 3/7/1963, từ mái Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, chàng trai Vũ Xuân cùng bạn học lên đường nhập ngũ, để lại tất cả kỷ niệm tuổi thơ nhọc nhằn, những ước mơ và cả rung động đầu đời để lên đường đi đánh Mỹ. Anh và thế hệ các anh lên đường với mục đích cao cả, Vũ Xuân viết trong nhật ký: “Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng mình, của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này...”.

Nhật ký Vũ Xuân được bổ sung và tái bản tháng 4.2020.
Cho đến ngày hy sinh (13/5/1974), đằng đẵng 11 năm trời, Vũ Xuân có 3 lần hành quân bằng đôi chân trần, chiến đấu trên đất nước Việt Nam, nước bạn Lào và Campuchia: Từ Thái Nguyên - Sơn Tây - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - vượt Trường Sơn - StungTreng - Carachie - Công Pông Chàm - Công Pông Chnăng - Căm Pốt - Tà Keo - Châu Đốc - U Minh Thượng - U Minh Hạ - Cà Mau... Nhật ký để lại những trang viết, những câu nói đầy xúc động, như là phương châm sống cho các thế hệ người Việt Nam: “Tôi muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”.
Cuốn nhật ký, các bài báo do Báo Thái Nguyên tổ chức biên tập và xuất bản, bộ phim ký sự tài liệu Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân với 8 tập, đi lại hành trình bộ đội hành quân giải phóng miền Nam với ngồn ngộn tư liệu chiến tranh quý hiếm đã tạo hiệu ứng rất mạnh trong đời sống xã hội. Hàng chục cuộc hội thảo xung quanh chủ đề về lý tưởng thanh niên; tình yêu đất nước,quê hương; nghĩa tình đồng đội… Tổ chức Quỹ học bổng mang tên Vũ Xuân; in hàng nghìn bộ đĩa phim phục vụ học ngoại khóa của các trường học… đất anh qua, những con người anh gặp; những trải nghiệm trên đất bạn Lào, Campuchia; những trận chiến khốc liệt, nỗi nhớ quê hương, người thân; những suy nghĩ về cuộc chiến đấu chính nghĩa của cả dân tộc; triết lý về lý tưởng sống của thanh niên… Anh ghi chép đều đặn vào nhật ký.

Đoàn công tác Báo Thái Nguyên làm phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” tác nghiệp tại nước bạn Lào.
Cuốn nhật ký luôn nằm trong ba lô cho đến ngày anh hy sinh tại Đồn Kênh 2, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Anh đã mang niềm tin ra trận. Quê hương thân thương gọi anh là đứa con ngoan. Anh viết trong nhật ký: Càng gian lao vất vả, nhọc nhằn bao nhiêu, mình càng nhớ về Thái Nguyên xa xôi, nhớ về những người thân bấy nhiêu. Ngày 10/1/1971, Vũ Xuân ghi: “Nam tiến lần thứ 3 này chặng đường sẽ rất gian truân”, “Đời anh lính không có gian khổ nào giống gian khổ nào thật. Lần mò trong rừng đêm gần 3 tiếng đồng hồ, dừng nghỉ thì không an toàn, mà đi thì vai đeo ba lô 30kg leo đèo, lội suối, lần rừng đêm”…
Những đêm trăng Đồng Tháp Mười, mắc võng giữa rừng tràm. Những mùa mưa dai dẳng mấy tháng trời vùng U Minh Thượng, chịu vây ráp, đói khát dễ hơn là chịu nỗi nhớ quê, nhớ mẹ. Vũ Xuân viết: Đông về đất Thái chắc lạnh nhiều/Quê hương nay vắng đứa con yêu. Nhật ký của anh Xuân có nhiều câu linh cảm, xúc động: Anh đã viết “Con thương mẹ nhiều lắm mẹ của con ơi! Mẹ mong, mẹ chờ thằng con trai của mẹ trở về. Bố ơi! chắc bố cũng nghĩ rằng, nếu chết con sẽ chết cho lẫm liệt phải không bố”.
Với người lính nói chung, Vũ Xuân nói riêng, hai từ quê hương thật giàu ý nghĩa. Đầu tiên đó là điều thiêng liêng nhất thôi thúc anh, thế hệ các anh lên đường chiến đấu và dâng hiến tuổi thanh xuân; cũng là miền đất mà các anh luôn khát khao hướng về... Có một điều đặc biệt, trên những chặng đường hành quân, nhật ký Vũ Xuân thường nhắc đến những dòng sông: Sông Bến Hải, Sông Sê Băng Hiêng, Sê Kon, Mê Kong, Tong lê sáp… Tất cả gợi nhớ về một dòng sông Cầu thơ mộng quê anh. Vì các anh yêu quý quê hương nên quê hương luôn trân trọng gọi là người con ưu tú…

Đoàn làm phim ghi hình tại Vương quốc Campuchia.
Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9 từng nhận xét: Không chỉ lực lượng vũ trang Quân khu 9, anh Xuân đã kể lại bằng nhật ký những dấu mốc quan trọng của cả cuộc kháng chiến chống Mỹ. Không chỉ quê hương Thái Nguyên tự hào về người con của mình mà đất nước Việt Nam tự hào. Nguyên Trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương Hà Đăng nhận xét: Vũ Xuân và thế hệ các anh ngã xuống cho dân tộc trường tồn mãi mãi…
50 năm đất nước thống nhất. Thái Nguyên cùng cả nước hát vang bài ca xây dựng quê hương đi đến phồn vinh. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hơn 10 nghìn người con ưu tú đã lên đường chiến đấu tại chiến trường. Không ít chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó nhiều người ưu tú như Vũ Xuân. Mỗi người dân Thái Nguyên tri ân công lao của các anh hùng, liệt sĩ bằng nỗ lực mới, niềm tin mới, góp sức vì một Việt Nam cường thịnh.