Vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở Sóc Sơn: Chuyên gia nêu loạt giải pháp ngăn chặn

Nhóm đối tượng lên kế hoạch tỉ mỉ, thực hiện chiêu trò nâng giá, thậm chí trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở huyện Sóc Sơn khiến hàng chục lô đất đấu giá không thành công. Chuyên gia nhận định, đây là nhóm đối tượng có kế hoạch và thủ đoạn tinh vi, nên cần có giải pháp ngăn chặn để tránh tạo ra những hệ lụy xấu.

Nhóm đối tượng thực hiện kế hoạch tinh vi

Ngày 3/12, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội), Ngô Văn Dương (30 tuổi, trú xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), Nguyễn Đức Thành (32 tuổi, trú phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh), Nguyễn Thế Trung (30 tuổi, trú xã Xuân Nộn) và Nguyễn Thế Quân (30 tuổi, trú xã Xuân Nộn), để điều tra hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, quy định tại khoản 2 điều 218 bộ luật Hình sự năm 2015.

 Các đối tượng bị tạm giữ. Ảnh: CAHN.

Các đối tượng bị tạm giữ. Ảnh: CAHN.

Điều tra ban đầu, tháng 11/2024, Phạm Ngọc Tuấn biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức.

Tuấn nhờ Dương mua hồ sơ đấu giá do Công ty Thanh Xuân (đơn vị tổ chức đấu giá) phát hành. Để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, Tuấn thỏa thuận, bàn bạc với Nguyễn Thị Quỳnh Liên (43 tuổi, trú xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) và 4 nghi phạm kể trên về việc cùng tham gia đấu giá, sau đó thống nhất sẽ nâng giá tại buổi đấu giá.

Cụ thể, Tuấn đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m2, ước tính từ 1,7 tỷ đồng - 3,9 tỷ đồng/lô đất. Các đối tượng xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng thứ 4, người trả giá cao nhất vẫn ở dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì nhóm Dương, Liên, Thành, Quân và Trung sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6, nhưng không trả giá vượt quá mức giá do Tuấn đã thẩm định.

Nếu vòng thứ 4 có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra, các đồng phạm sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5. Đồng thời sẽ bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6).

Vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế. Khi đó, các nghi phạm sẽ không mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn.

Theo công an, để thực hiện ý đồ, các nghi phạm đã chuyển khoản tiền cho Dương, Tuấn. Sau đó, Tuấn chuyển khoản tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.

Thực tế tại phiên đấu giá ngày 29/11, ban đầu các đối tượng đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được. Nhưng khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa mà các đối tượng đã bàn bạc từ trước. Tại vòng đấu giá thứ 5 các đối tượng đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm, thậm chí Phạm Ngọc Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)… dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.

Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đang củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm các nghi phạm theo quy định.

Vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu

Sau khi nhóm đối tượng Phạm Ngọc Tuấn cùng đồng phạm bị bắt giữ để điều tra về hành vi phá hoại phiên đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn, các chuyên gia đã đưa ra nhận định đây là nhóm đối tượng chuyên nghiệp và có thể đã tham gia nhiều phiên đấu giá trong thời gian qua.

Nhận định về vụ việc, ông Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý Bất động sản rằng, đây không phải hình thức “thổi giá”, làm nhiễu loạn thị trường như một số ý kiến nhận định bởi nếu cố tình gây nhiễu loạn, người tham gia sẽ trả một mức giá cao hơn bình thường nhưng vẫn ở trong mức khiến mọi người phải suy đoán về tính hợp lý của mức giá đó. Ví dụ tại các cuộc đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức (một số lô đất trúng đấu giá trên 100 triệu đồng/m2).

Với việc trả giá trên 30 tỷ đồng/m2 thì tất cả mọi người đều có chung nhận định: Người trả giá không muốn tham gia đấu giá nữa do giá đã được đẩy lên cao quá khả năng chi trả của người này. Do đó, người này quyết định trả giá cao gấp gần 12.000 lần giá khởi điểm gấp khoảng 1.000 lần giá của các thửa đất khác, chấp nhận mất khoản tiền đặt trước và cuộc đấu giá cho thửa đất này sẽ phải dừng lại mà không có người thắng cuộc.

Trường hợp này, có thể xác định người tham gia đấu giá cố tình “phá” cuộc đấu giá bởi người này biết và buộc phải biết về việc khi trả giá trên 30 tỷ đồng/m2 thì cuộc đấu giá sẽ phải dừng lại mà không có người thắng cuộc.

Về chế tài với hành vi “phá” đấu giá này, ông Đỉnh cho rằng, Điều 23 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã quy định các mức xử phạt với người tham gia đấu giá có hành vi cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá… nhưng không có chế tài nào áp dụng được cho trường hợp trên.

Ở góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, Từ thông tin cơ quan công an cung cấp có thể thấy, nếu các đối tượng có hành vi thông đồng với nhau để dìm giá khi đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, có căn cứ để xử lý về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo điều 218 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật, người vi phạm điều cấm trong luật đấu giá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường rồi bỏ cọc khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Nếu trường hợp hành vi thông đồng với nhau để thao túng hoạt động đấu giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, nhầm mục đích dìm giá để trục lợi, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo điều 218 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ động cơ phạm tội, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, rất có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo điều 218 Bộ luật Hình sự hoặc tội gây rối trật tự công cộng.

 Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. Ảnh NVCC.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. Ảnh NVCC.

Chuyên gia nêu loạt giải pháp ngăn chặn

Nêu giải pháp ngăn chặn vụ việc tương tự như Sóc Sơn, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng vụ việc trên không chỉ là bài học đối với cơ quan quản lý mà còn là lời cảnh báo cho người dân và nhà đầu tư. Việc tham gia đấu giá tài sản công không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn đòi hỏi trách nhiệm tuân thủ pháp luật nghiêm ngặt. Những chiêu thức như thỏa thuận ngầm hay thông đồng để thao túng giá đều tiềm ẩn rủi ro pháp lý rất lớn.

Về phía cơ quan quản lý, cần tăng cường giám sát quy trình đấu giá, đặc biệt là các phiên đấu giá tài sản công có giá trị lớn. Việc áp dụng công nghệ, như đấu giá trực tuyến và công khai thông tin người tham gia, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ thông đồng và thao túng kết quả. Đồng thời, cần có các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm nhằm bảo vệ tính minh bạch và công bằng của hệ thống đấu giá.

Vụ chiêu trò trả 30 tỷ đồng/m2 ở Sóc Sơn không chỉ là một vụ án hình sự thông thường mà còn phản ánh những lỗ hổng trong quản lý tài sản công. Đây là cơ hội để các cơ quan chức năng rà soát và cải thiện quy trình đấu giá, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận tương tự trong tương lai.

Còn chuyên gia pháp lý Bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, thời gian gần đây, rất nhiều người tham gia đấu giá sẵn sàng trả giá cao bất chấp, chấp nhận mất khoản tiền đặt trước là bởi theo Điều 159 Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tính theo bảng giá đất.

Do bảng giá đất tại Hà Nội và nhiều địa phương hiện quá thấp nên kéo theo giá khởi điểm rất thấp, tiền đặt trước được tính bằng 20% giá khởi điểm cũng rất thấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn để thu hút nhiều người tham gia (cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn có giá khởi điểm chỉ 2-3 triệu đồng/m2), thậm chí có nhóm người cố tình phá bằng việc trả giá cao như vụ ở huyện Sóc Sơn...

Để chấn chỉnh tình trạng này, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Đất đai 2024 và chỉ đạo của Bộ TN&MT, sớm rà soát để điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc thị trường. Khi giá khởi điểm trong đấu giá đất được kéo sát giá thị trường và tiền đặt trước tăng theo, các cuộc đấu giá sẽ trở nên chuyên nghiệp, lành mạnh hơn, thay vì tình trạng lộn xộn thời gian vừa qua.

Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;

c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vu-tra-gia-30-ty-dongm2-dat-o-soc-son-chuyen-gia-neu-loat-giai-phap-ngan-chan.html
Zalo