Cảnh giác với những chiêu 'mật ngọt' lừa đảo cuối năm

Dù đã liên tục phát đi cảnh báo song càng đến những ngày cuối năm, tình trạng lừa đảo công nghệ cao càng diễn biến phức tạp, cùng với đó số nạn nhân tiếp tục gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Những chiêu lừa không mới như tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp, đầu tư tài chính...

Tuy nhiên, nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online dịp cuối năm để kiếm thêm thu nhập, hay cả những người muốn làm giàu từ công nghệ cao… đã sập bẫy của các đối tượng.

Nhiều nạn nhân sập bẫy

Mới đây, với chiêu bài đầu tư tiền ảo đa cấp, 4 đối tượng gồm Trần Minh Quang (41 tuổi), Nguyễn Trung Nam (42 tuổi), Lương Hoài Nam (39 tuổi, cả 3 đều ngụ TP Biên Hòa) và Nguyễn Xuân Toàn (32 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận kêu gọi người chơi mua tiền ảo "USDT" chuyển qua ví của các đối tượng để kích hoạt "Gói Đào Kim Cương" với tốc độ khác nhau như: Red Diamond, Blue Diamond, Diamond Gold, Black Diamond, Green Diamond.

Chỉ trong thời gian ngắn, ổ nhóm này đã lừa đảo hơn 200 nạn nhân để chiếm đoạt số tiền gần 4 tỷ đồng. Nhiều nạn nhân sau thời gian "đào kim cương" mãi mà không thấy lãi, trái lại liên tục bị "chủ mỏ" yêu cầu phải nộp thêm tiền vào tài khoản mới vỡ lẽ bị lừa đảo. Các đối tượng đã bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ.

Cao thủ hơn phải kể tới hai đối tượng Nguyễn Kim Ngọc (SN 1999, thường trú tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Hữu Duy (SN 2003, trú tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) thông qua mạng xã hội đã làm quen và rủ chị L.T.T tham gia làm Tiktok để kiếm lợi nhuận từ việc tăng lượt xem, lượt like trên các video tự đăng tải về lĩnh vực hài hước, động vật... Trong thời gian này, các đối tượng thông báo tài khoản Tiktok của chị T đã được nhà mạng trả tiền và cần làm thẻ visa để liên kết tài khoản nhận tiền nhưng khi chị T làm theo vẫn không nhận được tiền vào tài khoản.

Để dụ chị T vào bẫy, hai đối tượng nói tài khoản của chị T đã vi phạm những quy định về an minh mạng, nếu không muốn thì phải chuyển tiền. Các đối tượng liên tục đưa ra những lời dọa dẫm khiến chị T hoang mang hoảng sợ, phải chuyển gần 4 tỷ đồng cho chúng. Ngay sau đó, Công an tỉnh Sơn La đã nhanh chóng bắt giữ hai đối tượng gây án.

Thông tin với PV, Thượng tá Lý Hoài Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội cho biết, lừa đảo công nghệ cao diễn ra ở tất cả các thời điểm trong năm nhưng càng cuối năm thì mức độ và thủ đoạn cũng như tính chất của thủ đoạn lừa đảo này càng diễn biến phức tạp, kèm theo đó là số nạn nhân bị "dính bẫy" cũng nhiều. Trên địa bàn Thủ đô thời gian qua xảy ra một số vụ lừa đảo với chiêu thức như tuyển cộng tác viên bán hàng, thanh toán online, các sàn giao dịch điện tử… để chiêu dụ bị hại.

Để câu kéo nạn nhân, các đối tượng đã "rắc thính" rất thơm về "nhiệm vụ" được giao cho cộng tác viên. Với mỗi đơn hàng chúng sẽ trích cho người làm được hưởng chênh lệch 10 đến 20% tiền hoa hồng, từ đó các đối tượng sẽ dẫn dắt nạn nhân chuyển tiền nhập đơn hàng và lạc vào mê hồn trận lừa đảo. Ban đầu, chúng sẽ nhử bằng những đơn hàng nhỏ, thanh toán tiền thù lao rất nhanh thậm chí nâng hơn mức đã giao hẹn trước đó. Khi người dân rút được tiền kèm theo hoa hồng lại càng ham làm "nhiệm vụ".

Tuy nhiên, đối với những đơn hàng có giá trị lớn hơn, các đối tượng sẽ viện dẫn đủ lý do như thông báo tài khoản bị lỗi, hàng chậm… để không cho nạn nhân rút tiền và chiếm đoạt tiền của bị hại. Chúng còn bịa ra những lý do rất hợp lý để nạn nhân tiếp tục nạp thêm tiền mới nhận được thù lao và số tiền các nạn nhân nạp vào ngày càng lớn cho đến khi không còn khả năng chuyển tiền chúng sẽ xóa tài khoản, chiếm đoạt tiền.

Chỉ huy Phòng CSHS cũng cho biết, trong tháng 12/2024 và những ngày đầu tháng 1/2025, đơn vị đã nhận được nhiều báo cáo của Công an các đơn vị như Cầu Giấy, Đan Phượng về việc công dân bị lừa đảo với số tiền hàng tỷ đồng từ những chiêu thức như trên. Cụ thể, chị M (SN 2006; HKTT tại Ninh Bình) có lên mạng làm cộng tác viên làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng. Tuy nhiên khi làm những đơn hàng có giá trị tiền triệu thì hệ thống báo lỗi, yêu cầu chị phải đặt lệnh gấp nhiều lần mới lấy được tiền.

Chị M đã nạp thêm nhiều lần nhưng hệ thống vẫn không cho rút. Lúc này chị mới biết mình bị lừa, chị đã đến Công an quận Cầu Giấy trình báo. Tổng số tiền chị đã chuyển 1,1 tỷ đồng triệu đồng. Tương tự, một phụ nữ ở huyện Đan Phượng cũng đã bị đối tượng lừa khi làm cộng tác viên online trên app với số tiền bị lừa là gần 200 triệu đồng.

Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ ổ nhóm chuyên làm giả hình ảnh, giấy tờ, tài liệu; làm giả, mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ ổ nhóm chuyên làm giả hình ảnh, giấy tờ, tài liệu; làm giả, mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

"Việc nhẹ lương cao" như miếng "phô mai trong bẫy chuột"

Mới đây, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kết quả công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2025 được Bộ Công an tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2024 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội đã triệt phá nhiều sàn giao dịch lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, điển hình như các sàn giao dịch do Phó Đức Nam cầm đầu, thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Hiện nay, tình trạng người dân đầu tư tiền ảo không ít và các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng vào sự hiểu biết hạn hẹp của nạn nhân vào công nghệ cũng như đánh vào lòng tham của người đầu tư để lừa đảo. Đầu tháng 12/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội tiếp nhận tin trình báo của một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền nhiều tỉ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo. Thông qua mạng xã hội Facebook, bà T. (trú tại Hà Nội) có kết bạn và trò chuyện với tài khoản "Nguyễn Thị Thùy Dung".

Sau một thời gian, đối tượng trên mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo thông qua website: https://www.mcprimetrusted.com//assets. Bà T. đã làm theo hướng dẫn của đối tượng, tiến hành tạo tài khoản và chuyển tiền để đầu tư. Với lời quảng cáo hấp dẫn, bà T. đã nạp 5 tỉ đồng để nhận 350.000 USDT (tương đương 9 tỉ đồng). Sau nhiều lần nạp thêm tiền mà không rút được tiền ra, bà T. mới biết bị lừa và vội đến cơ quan Công an trình báo.

Thượng tá Lý Hoài Nam cũng khuyến cáo, để phòng tránh lừa đảo, người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người dân nhận được lời mời làm cộng tác viên cho những công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, cần hết sức cảnh giác, phải kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa, đơn vị cung cấp qua nhiều nguồn khác nhau để xác tín tính chính xác. Các trường hợp quảng cáo làm cộng tác viên được hưởng hoa hồng, lãi suất cao rất có thể là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Trong quá trình giao dịch cần hết sức chú ý, tránh bị chúng lừa đảo, hoặc khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo cảnh báo của Phòng CSHS, hiện nhiều người dân vẫn còn chưa có ý thức trong đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, dữ liệu. Việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân diễn ra rất nhiều và trong đó nhiều người dân còn không có ý thức bảo vệ dữ liệu, sẵn sàng cung cấp số điện thoại, địa chỉ, hay đưa thông tin, hình ảnh của bản thân, bạn bè, gia đình… lên các nhóm, trang mạng, nền tảng mạng xã hội hay đơn giản như làm thẻ giảm giá siêu thị, cửa hàng. Chính những thông tin này khi được người dân đưa lên vô hình trung sẽ giúp các đối tượng lấy cắp thông tin, qua đó chúng dễ dàng nghiên cứu về nhân thân, lai lịch, thói quen, sở thích cũng như những thông tin về gia đình, con cái, công việc… có liên quan để lập kế hoạch lừa đảo.

Cùng với việc nâng cao cảnh giác, làm theo hướng dẫn của cơ quan Công an, việc người dân đảm bảo an toàn dữ liệu, tránh lộ, lọt thông tin cá nhân sẽ giúp hạn chế và phòng ngừa bị các đối tượng lấy cắp thông tin, lừa đảo.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-nghe/canh-giac-voi-nhung-chieu-mat-ngot-lua-dao-cuoi-nam-i755670/
Zalo