Vụ Thuận An là điển hình của việc cấu kết, thông đồng trong đấu thầu
Theo Cơ quan điều tra Bộ Công an, vụ án sai phạm đấu thầu xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) và các đơn vị liên quan cho thấy việc 'chạy thầu' - tức tìm kiếm sự thỏa thuận, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu - là một thực trạng rất phổ biến. Để trúng thầu, đại đa số các doanh nghiệp phải có 'quan hệ', chấp nhận chi tiền 'cơ chế' cho lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, xem đây là một phần tất yếu của quá trình đấu thầu, thi công dự án.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí Thanh tra)
Chi tiền "cơ chế" theo tỷ lệ định sẵn
Trong số 30 bị can bị cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố vì những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng bị cho là đã vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu, khiến Nhà nước thiệt hại hơn 120 tỷ đồng tại 5 dự án trong đó có Dự án Quốc lộ 14E (gói thầu số XD01,XD02).
Theo kết luận của Cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Duy Hưng có mối quan hệ cá nhân thân thiết với bị can Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 4 thuộc Cục Đường bộ. Khi biết Ban Quản lý dự án 4 được giao làm chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E, Hưng liên hệ ngay với Huy để đề xuất cho Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu và thi công. Huy đồng ý và hai bên thỏa thuận, Tập đoàn Thuận An sẽ chi tiền “cơ chế” theo các tỷ lệ đã định sẵn: 5% giá trị hợp đồng trước thuế cho Ban Quản lý dự án 4; 0,6% cho Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ (khi duyệt dự toán và sau khi trúng thầu); 0,6% cho lãnh đạo Cục Đường bộ. Tổng số tiền “cơ chế” này sẽ do Hưng chi, đưa cho Huy giữ vai trò "đầu mối" để phân phối.
Tháng 8/2022, sau khi có sự phân chia các gói thầu Dự án Quốc lộ 14E, Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Quang Huy thống nhất để Tập đoàn Thuận An thi công 2 trong 3 gói thầu chính (gói XD01 và XD02), gói còn lại do Cục Đường bộ và Ban Quản lý dự án 4 tổ chức đấu thầu theo quy định.
Phía Ban Quản lý dự án 4, Nguyễn Quang Huy chỉ đạo các cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho Thuận An trúng thầu. Về phía Tập đoàn Thuận An, Nguyễn Duy Hưng giao nhiệm vụ cho Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị; Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc, và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc liên hệ, đàm phán, cấu kết với các nhà thầu liên danh như Công ty Đồng Thuận Hà, Tân Hoàng Long, Tây An để cùng tham gia đấu thầu dưới sự "dẫn đường" của Ban Quản lý dự án 4.
Theo kết luận điều tra, từ tháng 9/2022, Tập đoàn Thuận An và các công ty trong liên danh cùng các cán bộ Ban Quản lý dự án 4 khảo sát hiện trạng tuyến đường Quốc lộ 14E, xây dựng bản vẽ thiết kế, biện pháp thi công và dự toán.
Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Ngọc Hòa chỉ đạo Nguyễn Khắc Mẫn, Lê Anh Trung (nhân viên kỹ thuật) phối hợp chặt chẽ với Vương Đình Kiều và Phòng Kinh tế-Kế hoạch để “thiết kế” hồ sơ mời thầu phù hợp với năng lực của các nhà thầu liên danh, bảo đảm điều kiện trúng thầu.
Trong giai đoạn thẩm định thiết kế, để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, cuối tháng 10/2022, Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Ngọc Hòa đã trực tiếp gặp và đưa cho ông Vũ Hải Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ, 1,2 tỷ đồng.
Trước thời điểm phát hành chính thức hồ sơ mời thầu, cán bộ Ban Quản lý dự án 4 là Nguyễn Thị Xuân cho sao chép dự thảo hồ sơ mời thầu và chuyển cho Nguyễn Khắc Mẫn. Sau khi các nhà thầu liên danh góp ý, chỉnh sửa, nhiều tiêu chí trong hồ sơ mời thầu đã được nới lỏng giúp liên danh nhà thầu đáp ứng điều kiện kỹ thuật và hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu.
Tiếp đó, khi hồ sơ mời thầu gói XD02 chuẩn bị được điều chỉnh lần 2, Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo Trần Anh Quang đưa tiếp 1,3 tỷ đồng cho Vũ Hải Tùng để đẩy nhanh báo cáo thẩm định, bảo đảm tiến độ phát hành hồ sơ và phê duyệt dự toán.
Sau khi các gói thầu XD01 và XD02 được công bố kết quả, Tập đoàn Thuận An và liên danh nhà thầu trúng thầu như “kịch bản” đã định và Nguyễn Duy Hưng thu 2 tỷ đồng “ngoài hợp đồng” từ 3 công ty tham gia liên danh.
Quá trình thi công 2 gói thầu, Tập đoàn Thuận An chi tiền “cơ chế” cho Ban Quản lý dự án 4 và Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ hơn 9,1 tỷ đồng. Tháng 1/2023, Nguyễn Duy Hưng tiếp tục chi cho Vũ Hải Tùng số tiền 2,15 tỷ đồng để cảm ơn đã giúp Tập đoàn Thuận An được phê duyệt, điều chỉnh dự toán để kịp đấu thầu.
Ngăn chặn tình trạng cấu kết, thông đồng, móc ngoặc để trúng thầu
Theo Cơ quan điều tra, pháp luật về đầu tư xây dựng, đấu thầu có quy định các doanh nghiệp được xét chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có doanh thu, vốn chủ sở hữu bảo đảm tổng mức đầu tư dự án, giá trị gói thầu tham gia thực hiện.
Để có năng lực tài chính phù hợp các yêu cầu, quy định này, các đối tượng tại một số doanh nghiệp đã móc nối với các đối tượng ở các công ty kiểm toán thực hiện việc làm giả, nâng khống số liệu về doanh thu, vốn chủ sở hữu…
Do đó, các cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư dự án đã lựa chọn doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nhà thầu không bảo đảm điều kiện, năng lực, dẫn đến dự án, công trình xây dựng không hoàn thành tiến độ, kéo dài, bán thầu, gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, tổ chức.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan là điển hình cho việc các nhà thầu thi công ngay từ đầu đã sử dụng các mối quan hệ cấu kết, thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư dự án để được tham gia đấu thầu thi công dự án, gói thầu.
Cơ quan điều tra cho rằng, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan là điển hình cho việc các nhà thầu thi công ngay từ đầu đã sử dụng các mối quan hệ cấu kết, thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư dự án để được tham gia đấu thầu thi công dự án, gói thầu. Từ đó, nhà thầu được chủ đầu tư tiết lộ, cung cấp thông tin, dự toán gói thầu, “cài thầu” trong hồ sơ mời thầu để đáp ứng năng lực theo yêu cầu, đề nghị của nhà thầu, loại bỏ các nhà thầu khác.
Nhiều chủ đầu tư chấm thầu, xem xét hồ sơ dự thầu trước khi nộp hồ sơ để nhà thầu chỉnh sửa, bổ sung bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, tài chính. Việc tổ chức chấm thầu, lựa chọn nhà thầu chỉ là hình thức. Từ đó, nhà thầu đương nhiên được trúng thầu, gây tình trạng bất bình đẳng, không công bằng cho nhà thầu khác có đủ năng lực nhưng không có quan hệ, muốn tham gia phải xin hoặc chi tiền ngoài cho nhà thầu đó.
Nhiều dự án, gói thầu, chủ đầu tư xây dựng dự toán đã sử dụng định mức, đơn giá nguyên vật liệu theo công bố của các bộ, ngành, địa phương; không áp dụng, điều chỉnh đơn giá thực tế theo thị trường của nguyên vật liệu khi tăng giá, dẫn đến dự toán được xây dựng thấp, phải điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc chậm trễ triển khai thi công, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ triển khai dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức.
Từ thực trạng trên, Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và công khai kết quả hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán xác nhận báo cáo tài chính, doanh thu, chi phí, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dùng làm năng lực tài chính để được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, công nhận làm chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công công trình.
Kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, đánh giá, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến định mức, đơn giá trong xây dựng, theo hướng giá dự toán các hạng mục công trình dự án phù hợp với chi phí thực tế theo giá thị trường để áp dụng linh hoạt, bảo đảm nguyên tắc các doanh nghiệp thực hiện thi công dự án có lợi nhuận trên cơ sở tiết kiệm tối đa, tránh việc gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, tổ chức liên quan.
Kiến nghị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương và các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa vi phạm pháp luật, nhất là hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.