Vụ tai nạn máy bay Air India thổi bùng tranh cãi về việc lắp camera giám sát phi công

Vụ rơi máy bay thảm khốc của hãng Air India hồi tháng 6 đang thổi bùng trở lại cuộc tranh cãi kéo dài suốt nhiều thập kỷ trong ngành hàng không về việc lắp đặt camera giám sát hành vi phi công trong buồng lái, nhằm hỗ trợ thêm trong điều tra tai nạn.

Lắp camera buồng lái, hỗ trợ điều tra

Phát biểu tại một cuộc họp ở Singapore ngày 16/7, ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cựu phi công và là một trong những người có tiếng nói ảnh hưởng lớn trong ngành, cho biết có những lý do rất thuyết phục để lắp camera trong buồng lái để bổ sung thiết bị ghi âm và dữ liệu chuyến bay hiện tại nhằm hỗ trợ quá trình điều tra tai nạn.

Hiện trường vụ rơi máy bay Air India. Ảnh: Reuters.

Hiện trường vụ rơi máy bay Air India. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia hàng không cho biết, báo cáo sơ bộ của Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) nghi vấn liệu một trong hai phi công trên chuyến bay AI171 có thể cắt nhiên liệu cấp cho động cơ của chiếc Boeing 787 chỉ vài giây sau khi cất cánh, đến tình huống không thể cứu vãn.

Vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Air India xảy ra ngày 12/6, tại thành phố Ahmedabad, khiến 241 trong tổng số 242 người trên máy bay thiệt mạng, cùng 19 người dưới mặt đất mất mạng.

"Dựa trên những thông tin ít ỏi hiện nay, bên cạnh bản ghi âm, nếu có hình ảnh ghi hình sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều tra, đặc biệt liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần của phi công", ông Walsh nói.

Những người ủng hộ việc lắp camera cho rằng hình ảnh sẽ giúp khỏa lấp những khoảng trống mà thiết bị ghi âm và dữ liệu chuyến bay không thể cung cấp.

Tại Mỹ, từ năm 2000, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) khi đó là ông Jim Hall từng đề xuất Cục Hàng không Liên bang (FAA) bắt buộc lắp camera trong buồng lái máy bay thương mại, sau vụ rơi máy bay EgyptAir Flight 990 năm 1999, trong đó cơ phó được cho là cố ý lao chiếc Boeing 767 xuống biển, khiến toàn bộ 217 người thiệt mạng.

"Trong cán cân giữa quyền riêng tư và an toàn, ưu tiên phải là an toàn, không nghi ngờ gì nữa", chuyên gia an toàn hàng không kiêm cựu phi công thương mại John Nance khẳng định và nhấn mạnh việc bảo vệ hành khách là trách nhiệm thiêng liêng.

Tuy nhiên, một chuyên gia khác là ông Anthony Brickhouse cho biết ông ủng hộ việc sử dụng video trong điều tra tai nạn nhưng thừa nhận lo ngại của phi công là có thật.

"Camera trong buồng lái chuyến bay AI171 chắc chắn sẽ giúp trả lời rất nhiều câu hỏi", ông nói.

Air India từ chối bình luận. Còn AAIB Ấn Độ, cơ quan dự kiến công bố báo cáo cuối cùng trong vòng một năm theo quy định quốc tế, cũng chưa phản hồi yêu cầu.

Hiệp hội phi công cực lực phản đối

Các công đoàn phi công Mỹ như Hiệp hội Phi công Hàng không (ALPA) và Hiệp hội Phi công Liên minh (APA) cho rằng thiết bị ghi âm và dữ liệu là đủ để xác định nguyên nhân tai nạn. Họ phản đối việc lắp camera vì xâm phạm quyền riêng tư và lo ngại bị lạm dụng.

Ông Dennis Tajer – phi công của hãng hàng không American Airlines và phát ngôn viên APA cho rằng: "Phản ứng muốn biết thêm thông tin là điều dễ hiểu sau một vụ tai nạn. Tôi hiểu suy nghĩ "càng nhiều thông tin càng tốt", nhưng thực tế là các nhà điều tra đã có đủ dữ liệu để làm rõ nguyên nhân mà không cần tới camera".

Theo đại diện ALPA, để giúp chuyến bay an toàn hơn, thay vì lắp camera, ngành hàng không nên cải tiến hệ thống hiện có để ghi lại dữ liệu với chất lượng cao hơn.

Ngoài ra, còn có lo ngại hình ảnh từ camera có thể bị hãng hàng không dùng làm căn cứ kỷ luật hoặc bị rò rỉ ra công chúng sau khi xảy ra tai nạn.

"Không ai muốn cái chết của phi công bị phát sóng trên bản tin 6 giờ tối. Gia đình họ không đáng phải chịu điều đó", ông John Cox - chuyên gia an toàn bay, cựu phi công và nguyên Chủ tịch ALPA phụ trách an toàn chia sẻ.

Ông Cox cho rằng nếu có thể đảm bảo tuyệt đối tính bảo mật trên toàn cầu, thì việc lắp camera là điều đáng xem xét.

Trên thực tế, các đoạn ghi âm trong buồng lái vẫn được giữ kín, chỉ công bố bản ghi chép một phần hoặc toàn bộ trong báo cáo cuối cùng.

Tuy nhiên, Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Phi công Hàng không (IFALPA) vẫn nghi ngờ việc có thể đảm bảo tính bảo mật cho hình ảnh trong buồng lái.

"Với nhu cầu rất lớn về những hình ảnh giật gân, chúng tôi hoàn toàn không tin rằng dữ liệu từ thiết bị ghi hình vốn có thể ghi rõ mặt phi hành đoàn sẽ được bảo vệ an toàn", IFALPA nhấn mạnh.

Khi được hỏi về việc liệu khách hàng có thể đặt mua máy bay có trang bị camera hay không, hãng sản xuất máy bay Boeing từ chối tiết lộ, còn Airbus không đưa ra bình luận.

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/vu-tai-nan-may-bay-air-india-thoi-bung-tranh-cai-ve-viec-lap-camera-giam-sat-phi-cong-19225071615285929.htm
Zalo